Có một điểm chung mà tôi cảm nhận được ở những nghệ sĩ gạo cội của Việt Nam đó chính là họ tỏa sáng với tài hoa nghệ thuật nhưng khi lui về sau sân khấu thì đời sống rất kín tiếng. Còn một điều đặc biệt là những bậc tiền bối này đều có xuất thân là “con nhà nòi”, được nuôi dưỡng bởi những cái nôi nghệ thuật danh tiếng trong gia đình.
NSND Lê Khanh
NSND Lê Khanh là một mỹ nhân xuất chúng của đất Hà thành. Bà xuất thân trong một gia đình được xem là “trâm anh thế phiệt” trong lĩnh vực nghệ thuật. Khi bắt đầu tìm hiểu về NSND Lê Khanh tôi cảm thấy rất hâm mộ bà ở chỗ bà đã tìm ra được sở thích và lý tưởng của mình ngay từ thời thơ ấu và bà thật hạnh phúc khi được gia đình ủng hộ, làm hậu phương dìu dắt. Tôi càng trầm trồ hơn khi biết gia đình của Lê Khanh đều là những người gạo cội trong làng nghệ thuật.
Bố của Lê Khanh là NSƯT Trần Tiến, nếu vị khán giả nào yêu thích kịch sẽ nhận ra ông là người bảo chứng cho nhiều vai diễn để đời trong các tác phẩm: Nguyễn Trãi Ở Đông Quan; Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt; Nghêu Sò Ốc Hến. Mẹ của bà là NSƯT Lê Mai cũng là một “con nhà nòi” chính hiệu khi ông bà ngoại của Lê Khanh đều là nhà thơ, nhà soạn kịch, diễn viên. Giống như em gái, hai chị của Lê Khanh là nghệ sĩ kịch nói Lê Vân và nghệ sĩ múa Lê Vi cũng nối nghiệp nghệ thuật của gia đình và đều được phong tặng danh hiệu NSƯT. Phải nói đây quả thật là một profile khủng đúng không nào?
Ở độ tuổi ngũ tuần, tôi thấy Lê Khanh vẫn rực rỡ như một đóa hoa mỗi khi xuất hiện. Nếu không tin lời tôi nói bạn có thể tìm xem các tác phẩm của bà như Gái Già Lắm Chiêu 3, Gái Già Lắm Chiêu V, Kiều,... sắp tới là Vũ Trụ Mỹ Nhân.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Ấn tượng đầu tiên tôi dành cho Nguyễn Quang Dũng chính là sự mộc mạc. Ông mộc mạc trong đời sống cá nhân, phong cách thời trang và cả trong cách nói chuyện. Nhưng trái với sự mộc mạc, gần gũi chính là một lý lịch rất thú vị khi cha của ông là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Quang Sáng, người gắn liền với bao thế hệ học trò qua tác phẩm Chiếc Lược Ngà.
Không theo nghiệp văn chương giống cha mình, Nguyễn Quang Dũng chọn con đường trở thành đạo diễn và rất thành công. Anh chàng “Dũng khùng” đã tạo nên rất nhiều tác phẩm ấn tượng cho nền điện ảnh nước nhà như: Nụ Hôn Thần Chết, Mỹ Nhân Kế, Em Là Bà Nội Của Anh, Dạ Cổ Hoài Lang, Tháng Năm Rực Rỡ... Gần đây nhất, phim điện ảnh Tiệc Trăng Máu là một bộ phim nổi bật, lập được cú hít phòng vé và được nhắc khá nhiều trên các diễn đàn học thuật, bàn luận về điện ảnh. Sắp tới đây, phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam đang rục rịch khởi động với nhiều mong đợi sẽ tiếp tục khuấy động phòng vé ở Việt Nam.
>>> Xem thêm: Vân Trang và dàn sao Chuyện Ma Gần Nhà có đường tình duyên ra sao?
NSƯT Bảo Quốc
Bảo Quốc là một bậc tiền bối lão làng trong lĩnh vực sân khấu kịch, cải lương ở Việt Nam. Thế hệ tôi không biết nhiều đến ông nhưng thời của các anh chị hay ba mẹ thì Bảo Quốc là “tuổi thơ” của mọi nhà. Đa số các thành viên trong gia đình của NSƯT Bảo Quốc đều là những người làm nghệ thuật có tiếng tăm của miền Nam. Cha của Bảo Quốc là nghệ sĩ cải lương Năm Nghĩa rất nổi tiếng ở miền Nam. Mẹ là bà Nguyễn Thị Thơ hay còn được biết qua tên “bầu Thơ”, chủ đoàn cải lương Thanh Minh, một trong năm đoàn hát có tiếng ở miền Nam những năm 1950 - 1972. Được ươm mầm từ cái nôi của gia đình, NSƯT Bảo Quốc gắn bó sự nghiệp với nghệ thuật sân khấu và bỏ túi được rất nhiều vai diễn lớn nhỏ Trong các tác phẩm như: Tiếng Trống Mê Linh, Kiều Nguyệt Nga, Bóng Tối Và Ánh Sáng, Mục Liên Tìm Mẹ...
Không chỉ riêng Bảo Quốc, gia tộc của ông còn góp mặt rất nhiều những nghệ sĩ thuộc hàng gạo cội của sân khấu Việt Nam như NSƯT Hữu Châu, Nghệ sĩ Hữu Lộc, Nghệ sĩ Gia Bảo và cố nghệ sĩ Cải lương Thanh Nga, nghệ sĩ Hài Hà Linh. Không chỉ riêng Bảo Quốc mà tôi thấy tất cả thành viên trong gia đình của ông đều là những nghệ sĩ tài năng có lối sống giản dị và ai cũng là "tuổi thơ" của cả thế hệ Gen Z chúng tôi.
NSƯT Thành Lộc
Một điều rất đặc biệt của người được mệnh danh là “Phù Thủy Sân Khấu” chính là đã qua tuổi 60 nhưng Thành Lộc lại là một người bạn rất thân thuộc của bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam qua các vai diễn của sân khấu kịch Idecaf, chương trình Chuyện Ngày Xưa. Phải nói theo tôi Thành Lộc là một nghệ sĩ đa tài bậc nhất khi một mình ông có thể đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau từ diễn viên điện ảnh, đạo diễn sân khấu, giám khảo của các cuộc thi tìm kiếm tài năng và tất cả đều không thể làm khó được Thành Lộc.
Không hề kém cạnh các đồng nghiệp, NSƯT Thành Lộc xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời là hát bội. Cha ông là NSND Thành Tôn, mẹ là NSND Huỳnh Mai là những nghệ sĩ gạo cội trong lịch sử nghệ thuật tuồng cổ này. Cả hai anh chị của ông là Nghệ sĩ Bạch Long và Bạch Lê đều gắn bó với nghiệp hát cải lương và tiếng tăm của họ ở những năm 1970 - 1980 rất được chú ý.
>>> Xem thêm: Ngọc Anh tự chuẩn bị 100% phục trang cho vai chính ở Phố Trong Làng
Mặc dù đều bước ra từ những chiếc nôi nghệ thuật lâu đời nhưng tôi cảm nhận được các nghệ sĩ tiền bối ở trên không hề vin vào niềm tự hào gia tộc để đi lên mà ngược lại họ luôn có lối đi riêng và tỏa sáng bằng chính tài nghệ của mình.
Bài viết của Thi Zun trên DienAnh.net
Nếu bạn yêu thích các bộ phim Việt và muốn hóng hớt showbiz thì hãy theo dõi DienAnh.net để cập nhật những bài viết mới nhất và cùng ngồi tám với tui nhé!
Facebook - bình luận