*Bài viết tiết lộ nội dung phim
Không hổ danh là đạo diễn của siêu phẩm phòng vé năm 2019 Hai Phượng, đạo diễn Lê Văn Kiệt luôn biết cách làm người xem chóng mặt từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Với Bóng Đè, mình đã trải qua 101 phút gần như tiền đình vì các cú máy quay cao được xoay vòng liên hồi.
Bóng Đè là câu chuyện xoay quanh ba cha con Thành (Quang Tuấn), Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi). Sau khi mẹ mất, cả ba cha con quyết định cùng nhau về quê sinh sống ở nhà thờ tổ. Nhân vật Yến thường xuyên bị bóng đè, trong cơn mộng du Yến hay có những hành động mất kiểm soát. Để chữa bệnh này cho Yến, Thành đã mời chuyên gia tâm lí là Hạnh (Diệu Nhi) về sống chung.
Cảm nhận đầu tiên của mình sau khi xem phim Bóng Đè là luôn luôn trong tâm thế canh chừng con tim, vì hở chút là jump-scare xuất hiện. Mình không đồng tình lắm với quan điểm cho rằng phim kinh dị ứng dụng jump-scare là lỗi thời. Các cảnh jump-scare trong Bóng Đè thực sự cần thiết và khá hiệu quả cho mạch phim. Ở phân đoạn rượt đuổi trong hầm tối, jump-scare đã đẩy nhịp phim nhanh hơn khi trước đó nhân vật Yến cứ mãi mò mẫm tìm đường trong đêm tối.
>>> Xem thêm: Trailer Bóng Đè: Xem qua thấy tạm ổn, ấn tượng nhất là Diệu Nhi
Cách đạo diễn truyền tải hình tượng ma vô cùng phong phú và có ngụ ý sâu sắc. Mỗi nhân vật trong gia ba cha con Thành, Linh và Yến đều chịu những bóng ma tâm lí bên trong tiềm thức. Vì thế mà khi thì họ thấy quỷ là hiện thân của người này, khi thì lại là người kia.
Với Thành, bóng ma đó là hiện hình của người vợ quá cố với vô vàn kí ức đau thương, về một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Ở tâm trí Linh, bóng ma đó mang hình hài của người cha Thành khi anh trút tất cả gánh nặng gia đình lên người cô bé này. Với cô bé hồn nhiên như Yến, bóng ma vật vờ lại mang hình ảnh của cô Hạnh, nhà tâm lí có mối quan hệ vô cùng mập mờ với cha của cô. Mỗi nhân vật đều cố gắng chế ngự bóng ma tâm lí của chính mình để không làm tổn thương người thân.
Ngoài ra, do có lẽ luôn luôn ấp ủ thực hiện một dự án phim zombie cho Việt Nam nên Lê Văn Kiệt cũng cho các nhân vật zombie khá nhiều đất diễn. Những hồn ma sống này là những bệnh nhân tâm lí, là nạn nhân của căn bệnh bóng đè đang được điều trị tại trung tâm nghiên cứu của Hạnh. Những nhân vật này có phần ghê sợ hơn cả những bóng ma được dựng bằng kĩ xảo. Qua CCTV của trung tâm nghiên cứu, với tóc tai rũ rượi và các màn co giật kinh điển, họ đủ sức làm mình thấy sợ và đồng cảm với gia đình của những bệnh nhân này.
Việc khai thác góc quay trên cao xoay vòng liên tục và không khí rùng rợn của các dãy hành lang, ban công làm mình có cảm giác như đang bị bóng đè thực sự. Không gian của ngôi nhà ở Sài Gòn với bức rèm tối đen không bao giờ mở gợi ra sự bí bách của cả gia đình bị mắc kẹt với căn bệnh bóng đè này. Khi trở về với nhà tổ ở Hội An, bối cảnh rừng cây cùng các sợi dây xích liên tục xuất hiện cũng thể hiện bầu không khí quỷ dị, man mác lời nguyền cấm đoán ở nơi đây.
>>> Xem thêm: Bóng Đè: Phim dựa trên câu chuyện tâm linh có thật của đạo diễn
Với cá nhân mình, âm thanh của Bóng Đè vừa là điểm trừ lại vừa là một điểm cộng. Phần âm thanh ở các phân đoạn kinh dị khá to cộng với các góc quay xoay vòng làm cho mình cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhưng ở các đoạn trao đổi về bệnh tình của Yến giữa Hạnh và Thành, âm lượng chỉ dừng lại ở mức nghe được loáng thoáng nhưng không rõ ràng khiến mình luôn đặt dấu chấm hỏi về mối quan hệ của cả hai.
Màu phim làm mình có cảm giác mơ màng, nhẹ nhàng như được xem lại Mùi Đu Đủ Xanh, Mùa Hè Chiếu Thẳng Đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng. Palette màu retro trải khắp từ trang phục các nhân vật cho đến cảnh trí gợi ra không khí êm đềm của miền quê Hội An. Phân cảnh phơi vải của Linh với các mảng màu đơn sắc khiến cho mình có cảm giác như đang xem dòng tranh lụa sinh hoạt đậm chất Việt Nam.
Vai diễn người cha của Quang Tuấn xây dựng chuyển biến tâm lí khá hay. Nhiều trường đoạn anh đóng rất đạt nhưng thiết nghĩ trong lúc bị tâm thần phân liệt, anh nên biểu hiện thêm qua nụ cười nhếch mép hay hành động nhiều hơn là cứ trợn tròng đôi mắt.
Nhân vật Thành đọng lại trong mình khá nhiều cảm xúc, nếu phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi thì đàn ông cũng phải gồng gánh nhiều áp lực. Thành vốn đã bất lực trước sự ra đi của vợ mà vẫn phải vẫy vùng với bản thân và căn bệnh tâm lí của cả gia đình. Đôi lúc nhân vật này cũng khiến mình không đồng tình khi lặp đi lặp lại nghĩa vụ chăm sóc em cho con gái lớn là Linh.
Diệu Nhi ở phim này diễn xuất khá ổn, từ bác sĩ tâm lí thành bác sĩ tâm linh cho cả gia đình. Cô thoát khỏi hoàn toàn những vai tưng tửng một màu trước đây. Tuy nhiên, kịch bản lại có lỗ hổng khá lớn khi cho nhân vật này kết cục chưa thấu đáo.
Hai sao nhí là Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi thể hiện khá tốt và có sự trưởng thành hơn trong diễn xuất. Nếu Mai Cát Vi gây ấn tượng với các trường đoạn co giật, bóng đè kinh điển thì Lâm Thanh Mỹ đã không còn là cô bé Mận năm nào của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh. Linh và Yến là hai nhân vật khá khó thể hiện nhưng với sự nhập vai của cả hai, vai diễn gần như đạt đến độ trọn vẹn.
Bóng Đè là bộ phim có sự đầu tư và tìm hiểu kĩ lưỡng với đề tài phim khá mới mẻ ở Việt Nam là sức khỏe tâm lí. Các thủ pháp trị liệu như quan sát, thôi miên, ôm kiểu bướm được áp dụng khá logic trong các tình huống. Tuy nhiên, cũng có vài tình huống bác sĩ Hạnh đi trị liệu rồi bị bệnh nhân trị lại. Các đoạn phỏng vấn đầu phim cũng cho mình biết được mức độ nghiêm trọng của những căn bệnh tâm lí mà trước đây ai cũng phớt lờ.
Nhìn chung, Bóng Đè đem lại cho mình cảm giác giật mình, nhức đầu nhiều hơn là sợ. Phần cảm xúc và nội dung đọng lại trong mình khá nhiều mặc dù kịch bản còn chưa chặt chẽ. Phim thể hiện quá thành công vấn đề sức khỏe tâm lí, nỗi đau của bệnh nhân và gia đình. Kết thúc phim khá trọn vẹn, gửi gắm thông điệp khá ý nghĩa, tình thương gia đình luôn là liều thuốc tốt nhất giúp các nhân vật vượt qua khó khăn.
Bài viết được Xì Bàng gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về Bóng Đè tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận