Cám là dị bản mới nhất của truyện cổ tích Tấm Cám do bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân thực hiện. Ngoài Tấm (Rima Thanh Vy), Cám (Lâm Thanh Mỹ), vai dì ghẻ - bà Kế của Thúy Diễm cũng nhận được sự quan tâm của giới mộ điệu. Ai cũng tò mò, liệu ngoài độc ác, hung dữ, bà Kế còn có gì? Vậy chúng ta có gì? Vâng! Chúng ta có Thúy Diễm!
Cám là lần đầu tiên Thúy Diễm trở lại với điện ảnh sau 10 năm, đồng thời đánh dấu 15 năm hoạt động trong lĩnh vực diễn xuất với cả trăm nhân vật. Nữ diễn viên sinh năm 1986 cho biết cô dụng tâm cho vai bà Kế. Xuyên suốt tác phẩm, bà Kế luôn cay nghiệt với chính đứa con ruột của mình - Cám, dù bà dứt ruột sinh ra cô bé. Vì ngoại hình Cám xấu xí mà bà không thể ngẩng mặt lên với chồng và với người đời.
So với dì ghẻ của Ngô Thanh Vân trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể thường dùng những bộ trang phục tông màu sặc sỡ cùng lối trang điểm đậm, thì ekip Cám cố tình sắp xếp cho bà Kế những cỗ phục có màu sắc trung tính nhưng không kém phần trang nhã, tô bật vai trò vợ một trưởng lý làng Hương.
Ở đây, hàm ý của nhà sản xuất khá rõ ràng: Bà Kế có thể là bất cứ người mẹ - người vợ nào ở thời phong kiến. Nơi mà phụ nữ bị trói buộc bởi cái lồng định kiến công dung ngôn hạnh, và sinh ra đứa con gái quái thai cũng là một cái tội. Bà Kế ở đây không phải phản diện, bà chỉ là con người bình thường - có hỉ nộ ái lạc, có mặt thiện và mặt ác.
Một điều đáng nói là nhan sắc của Thúy Diễm chẳng bị dìm hàng. Ngược lại, trong nhiều cảnh diễn cùng các cô “con gái” là Tấm - Rima Thanh Vy và Cám - Lâm Thanh Mỹ, cô được khen xinh đẹp, trẻ trung chẳng kém cạnh. Ngoài ra, cô còn trông phù hợp với cổ phục, rất ra dáng “người xưa”. Các cử chỉ, điệu bộ cũng mang hơi thở thời đại.
Những cảnh đáng nhớ nhất của Thúy Diễm trong phim đó là những cảnh bà Kế bắt Cám nhặt thóc - gạo và cảnh cuối cùng: bà bị Tấm ép ăn mắm thịt Cám.
So với Ngô Thanh Vân về một số diễn viên khác trên sân khấu kịch từng đóng dì ghẻ, Thúy Diễm diễn bớt cường điệu, khoa trương hơn. Trong những phân đoạn cay nghiệt với Cám, mắng chửi, hành hạ cô bé, tôi thấy nước mắt của bà Kế được nén lại và nuốt ngược vào trong. Rõ ràng, bà cũng đau lòng khi phải ác nghiệt với máu mủ của mình.
Khi bên cạnh chồng - ông Hai Hoàng (Quốc Cường), bà Kế lại khép nép, khúm núm như một cái bóng tội nghiệp, khao khát được chồng yêu thương, đoái hoài. Đằng sau dáng vẻ “phản diện”, có lẽ là tiếng lòng chua chát trước số phận và thời cuộc.
Lúc này đây, cách diễn nội tâm ấy của Thúy Diễm vừa phải và tiết chế, nhưng lập thể, rõ ràng, truyền đạt cảm xúc nhân vật. Đôi lúc, Thúy Diễm khiến tôi thậm chí còn đồng và thông cảm cho nhân vật. Trong đoạn “kinh điển”: Bà Kế ăn mắm thịt Cám, Thúy Diễm thực sự bùng nổ. Vẻ điên dại, hoảng loạn được đẩy đến cực điểm. Tôi bị ám ảnh bởi tiếng la hét và nỗi thống khổ của bà Kế, thông qua sự nhập tâm hết mình của sao nữ sinh năm 1986.
Theo tôi, Thúy Diễm hoàn thành tốt vai dì ghẻ - bà Kế, tạo điểm nhấn cho Cám. Đây cũng là dấu ấn đáng nhớ của cô trong sự nghiệp điện ảnh. Cô mạo hiểm, dũng cảm làm mới mình và cũng vượt qua cái bóng lớn của Ngô Thanh Vân, để mang đến cái nhìn khác về nhân vật bị “đóng khung” là phản diện trong văn hóa dân gian.
Cám công chiếu Toàn Quốc từ 20.9.2024.
trao đổi - bàn luận
Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài