Được gắn mác là một tác phẩm kinh dị khi tuyển tập 3 câu chuyện ngắn khác nhau trong cùng 1 bộ phim, thế nhưng Haunted Tales lại không đủ sức nặng tạo nên những cơn ám ảnh hay bất kỳ điều gì từ thế lực siêu nhiên dưới bàn tay của đạo diễn Suphakorn Riansuwan. Haunted Tales chỉ đơn giản là một tác phẩm mang tính đại diện cho nét văn hóa tâm linh của Thái Lan.
Chẳng hiểu vì sao bản dịch tựa đề của phim là Án Mạng Liên Hoàn Lúc Nửa Đêm, nhưng xâu chuỗi cả 3 câu chuyện nhằm tìm mối liên kết để “cứu vớt” tiêu đề nghe như một bộ phim trinh thám, thì những gì Bánh Đúc cảm nhận sau khi trải qua một thời lượng vô cùng ngắn trong rạp, là bộ phim không có bất kỳ tình tiết nào đúng như tựa Việt.
Tất cả những gì diễn ra xuyên suốt cả 3 câu chuyện chỉ là những thông điệp, triết lý Phật giáo, đại diện cho nền văn hóa xứ chùa vàng. Vì thế ở bài viết này, mình sẽ dùng tên Haunted Tales thay cho tên Việt hóa.
Không phải lần đầu Thái Lan sản xuất một tác phẩm gồm những mẩu truyện ngắn kết hợp, tạo nên một chuỗi bối cảnh, thời gian kinh dị. Trước đây Bánh Đúc đã từng xem qua hai phần của 3 Giờ Sáng, cũng là một dạng tổng hợp những câu chuyện ngắn trong cùng một thước phim.
Gần đây thì có Chuyện Ma Gần Nhà của nước mình, thậm chí những ai chưa từng tiếp cận ý tưởng kết hợp này thì rất dễ cho rằng Haunted Tales sao chép ý tưởng của Chuyện Ma Gần Nhà.
Thật chất cách kết hợp này là lối xây dựng thường thấy ở các phim kinh dị châu Á. Đặc biệt là Hong Kong và Thái Lan. Nhất là vào những năm 90 đến đầu những năm 2000, hãng TVB đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm như Âm Dương Lộ, Dị Linh Linh Dị… Tất cả đều nhận được những đánh giá tích cực và phản hồi cực tốt khi hãng phim đã tạo nên một bầu không khí tâm linh vô cùng đáng sợ và huyền ảo.
So với các tác phẩm tiền nhiệm, Haunted Tales lại không đủ sức làm được điều này. Lần lượt các câu chuyện Chuyến Xe Nửa Đêm, Mắc Kẹt, Cuốn Sách Sự Thật đều chỉ có một điểm liên kết duy nhất là cả ba nhân vật chính: Pete, Tiwa, Jess đều tham gia vào chuyến hành trình của gã tài xế có số hiệu 1360.
Chuyến Xe Nửa Đêm
Ở câu chuyện đầu tiên, nhân vật chính là Pete, một doanh nhân trẻ từ nhỏ đã chứng kiến sự ra đi của bố mẹ. Vì muốn thành công như lời khẳng định với người bố, anh đã bất chấp mọi thứ, kể cả trở thành một “tên thủ ác” giải quyết mọi thứ bằng súng đạn.
Trong một lần đón xe về nhà sau chuyến bay, anh vô tình phát hiện những điều kỳ lạ mà trong đời anh chưa từng gặp, kể cả việc gã tài xế cứ đi đường vòng, lấy cớ cản đường từ một công trình gần đó khiến anh thắc mắc tự hỏi điều gì đang diễn ra.
Đặt lên bàn cân với hai tác phẩm còn lại, Bánh Đúc hiểu rõ câu chuyện và thông điệp của Chuyến Xe Lúc Nửa Đêm. Rõ ràng, kịch bản không quá khó hiểu cũng cực kỳ dễ đoán, mô típ quen thuộc khi nhân vật đã “bay màu” nhưng anh ta lại không hề biết điều đó. Mãi cho đến khi có một yếu tố tác động thì nhân vật mới chấp nhận bản thân “trở về với cát bụi”.
Điểm yếu của câu chuyện này là xây dựng mọi thứ quá nhanh và thời lượng ngắn hơn hai tác phẩm sau, nên nếu không phải là mọt phim kinh dị, đã từng “chinh chiến” qua nhiều tác phẩm, thì Bánh Đúc tin chắc bạn sẽ cứ thắc mắc: nguyên nhân vì sao Pete “từ giã cõi trần”, hoặc vì sao gã tài xế lại có đầy đủ mọi thông tin của gia đình Pete.
Đơn giản thế này, thông thường các câu chuyện kinh dị khi kết hợp với nhau trong cùng một thước phim với chừng ấy thời lượng. Hiếm có tác phẩm nào làm trọn vẹn và đưa ra một cái nhìn hoàn chỉnh nhất để giải đáp mọi câu hỏi. Bánh Đúc nghĩ Haunted Tales cũng thế, có thể đạo diễn muốn để người xem tự tạo ra nguyên nhân hoặc điều đó không quan trọng. Mấu chốt nằm ở thông điệp chính của câu chuyện.
Bánh Đúc nghĩ với một ý tưởng gói gọn trong 20 đến 30 phút, Chuyến Xe Nửa Đêm muốn truyền tải nhân sinh giáo lý, cụ thể là con người thường hay bất chấp mọi thứ để đạt được thành công mà không cân nhắc nó tốt hay xấu, trong sạch hay cần được tha thứ. Cứ thế, dần dần tội ác lên ngôi và lu mờ đi bản chất thật sự của con người.
>>> Xem thêm: Haunted Tales: Cùng lối kể chuyện nhưng làm tốt hơn Chuyện Ma Gần Nhà
Mắc Kẹt
Đây là tác phẩm mình nghĩ có thời lượng dài nhất trong 3 câu chuyện, mặc dù không gian và thời gian chỉ vỏn vẹn trong một khách sạn bỏ hoang với vài nhân vật. Nhân vật chính là Tiwa, là một cô gái trẻ có khả năng thông linh với những thế lực siêu nhiên vì năm 8 tuổi, cô đã từng trở về từ cửa ngục. Vì muốn giúp bạn mình và tin vào thế giới tâm linh, Tiwa đã đến một khách sạn để điều tra sự thật vì sao mọi thứ trở nên hoang tàn.
Mình để ý cách xây dựng chủ đề này khá giống với ý tưởng của Con Mắt Âm Dương, cũng kể về một cô gái có khả năng thấu thị những thứ người thường không thấy được. Nhưng khác ở chỗ, Tiwa sử dụng máy ảnh để xác minh mọi diễn biến của hiện tại và cảm ứng thông linh với không gian xung quanh.
Vì thời lượng được phân bổ dài hơn nên hầu như mọi thứ diễn ra đều rõ ràng và không quá khó hiểu. Tuy nhiên, Mắc Kẹt lại mang tính đại diện cho văn hóa Thái Lan khi kể về cách sử dụng bùa ngải, chú thuật và luật nhân quả. Hơn nữa, cách tạo ra các tình tiết jump-scare không đủ khiến Bánh Đúc giật bắn mình, xem mọi thứ chỉ nửa vời và được thêm vào để làm trọn bố cục của một tác phẩm kinh dị.
Mặc dù vậy, nhưng mình lại thích nét diễn xuất của Prang Kannarun. Cô biết tận dụng sức hút của gương mặt đậm nét lai Tây của mình để thể hiện những biểu cảm sợ hãi rõ rệt, khiến Bánh Đúc phải thu hút nhan sắc của nữ diễn viên.
Kiếp luân hồi với mỗi người là sinh - lão - bệnh - tử là những gì Mắc Kẹt đã thể hiện rõ. Tiwa, đứa bé, người ông và các linh hồn vất vưởng là những nhân vật đại diện cho vòng tròn của một kiếp người. Chấp nhận và buông bỏ là lẽ tất yếu mà ai cũng phải trải qua, vì chỉ khi chấp nhận sự sống đã kết thúc thì đó mới là sức mạnh để xua đuổi những thứ đáng sợ khác.
Kịch bản khá tinh tế khi tạo một câu chuyện trong một khung cảnh cực kỳ tối tăm của một khách sạn bỏ hoang chỉ đơn giản muốn truyền tải ý nghĩa rằng: “Không có gì là vĩnh viễn vì đó là lẽ thường”. Đây chính là một trong những giáo lý của Phật pháp, thuộc văn hóa Thái Lan.
>>> Xem thêm: Thỏ Gà Rà Kho Báu: Sự khác biệt là điều tạo nên sức mạnh
Cuốn Sách Sự Thật
So với 2 câu chuyện trên thì đây là tác phẩm mình không ấn tượng và mọi thứ cũng chẳng đọng lại gì trong mình khi xem xong. Cảm giác cứ vừa được thưởng thức bản sao của Ngôi Đền Kỳ Quái.
Nhân vật chính là Jess, một nhà văn trẻ đang đi tìm nguồn cảm hứng cho tác phẩm của mình. Anh lặn lội đi đến một khu homestay hẻo lánh, hy vọng rằng với bối cảnh này, thời tiết này sẽ là lựa chọn tốt cho việc sáng tác của anh. Thế nhưng mọi thứ đều khác lạ khi anh liên tục bí bách ý tưởng và đành nhờ đến sự giúp đỡ từ các thế lực tâm linh. Sự xuất hiện của các bản khắc đã khiến anh nhận ra kiếp trước có mối liên kết đặc biệt đến hiện tại.
Sở dĩ Bánh Đúc nói đây là bản sao của Ngôi Đền Kỳ Quái vì tất cả những gì diễn ra trong quá trình Jess cư trú tại khu nghỉ mát này đều có ảnh hưởng và làm thay đổi cuộc đời của anh. Bởi kiếp trước Jess là Jun - con trai của bà chủ khu nghỉ dưỡng này, anh là lính đánh giặc và đã ra tay hạ gục người bạn thân của mình. Khiến hắn trở thành linh hồn trực chờ mãi nơi đây, đợi ngày trả thù.
Ý tưởng xây dựng cách trả nghiệp này mình đã từng gặp ở Ngôi Đền Kỳ Quái. Nghiễm nhiên đây là một trong những giáo lý Phật pháp của văn hóa Thái Lan, nên hầu như theo dõi những diễn biến ở tác phẩm này, mình không hoàn toàn hiểu hết như hai câu chuyện trước đó.
Thậm chí sự xuất hiện liên tục của những bản khắc mà các linh hồn gửi trao cho Jess cũng khiến mình khá bối rối, không rõ ý đồ là gì. Phải chăng là họ muốn xác nhận ai thật sự là Jun của kiếp trước nên dùng máu của người đó nhỏ giọt lên từng bản khắc?
Kịch bản câu chuyện này khá hàn lâm và mang tính đại diện cho nền văn hóa Thái Lan quá cao, mọi thứ xây dựng khá rườm rà, chỉ đơn giản là muốn trình bày luật nhân quả, kiếp trước, kiếp này thông qua một nhà văn trẻ. So đến tính kinh dị, Cuốn Sách Sự Thật không bằng Chuyến Xe Nửa Đêm và Mắc Kẹt.
>>> Xem thêm: Án Mạng Liên Hoàn Lúc Nửa Đêm: Hợp tuyển của 3 câu chuyện kinh dị mới
Cuốn Sách Sự Thật chỉ ra những tội lỗi kiếp trước của Jun và hậu quả dẫn đến kiếp này. Chính những tội ác đã gieo rắc nơi đây một nỗi sợ và nhiều linh hồn ám ảnh. Thậm chí cuối phim, nhà sản xuất “tặng” kèm một câu: “Cho mỗi phước lành sinh ra từ bộ phim, chúng tôi dành tặng nó cho những linh hồn có hoặc không có trong phim” . Điều đó thể hiện rõ ràng, câu chuyện này xây dựng theo lối văn hóa của Thái Lan nên với một khán giả như mình, không hiểu rõ cũng là điều dễ lý giải.
Tựu trung, Haunted Tales chỉ có mỗi chuyến xe 1360 của gã tài xế bí ẩn kia là mối liên kết chính cho cả ba câu chuyện. Bánh Đúc nghĩ, ông ta giống như một người đưa đò, ký gửi các linh hồn về thế giới bên kia. Trên con xe 4 bánh ấy, họ sẽ được nhìn lại tất cả những gì họ đã tạo ra khi còn ở thế gian, nên rất có thể Tiwa và Jess cũng đã sớm “bay màu”.
Với kết cấu 3 mẩu truyện ngắn như vậy, Haunted Tales chỉ phù hợp với “cinema tại nhà” hơn là trở thành một tác phẩm điện ảnh chiếu rạp. Vì thật sự phim kinh dị nhưng Bánh Đúc xem lại không sợ chút nào.
*Bài viết của Bánh Đúc gửi về DienAnh.Net.
Xem đầy đủ thông tin và review hay về Haunted Tales tại Thư Viện Phim và The Amazing Film nhé.
Facebook - bình luận