Phim cổ trang Thái Lan Man Suang: Kỳ Án Nhà Hát Thiên Đường kể về sự kết thúc triều đại của vua Rama III thông qua cuộc đời của Khem, một thường dân trẻ đam mê khiêu vũ. Nhưng anh lại trở thành “con dê” để gánh lấy tội lỗi mà mình không hề phạm phải. Kết quả là anh và người bạn Wan phải ẩn mình trong một địa điểm giải trí bí ẩn như nhà hát Man Suang để điều tra sự thật đen tối ẩn giấu đằng sau vẻ ngoài đẹp đẽ, hào nhoáng.
Điều đầu tiên phải ngưỡng mộ ở Kỳ Án Nhà Hát Thiên Đường là phim tạo ra bầu không khí của thời đại cũ của nước Xiêm La thông qua hình ảnh, ánh sáng, âm thanh, bối cảnh, quần áo… Tất cả đều rất nịnh mắt, mang hơi thở thực tế. Nhưng đồng thời, điều này cũng tạo ra cảm giác kỳ ảo không thể nhầm lẫn. Bạn như lạc vào một vùng đất mới, một thế giới mới, và cùng phiêu lưu tại nhà hát với các nhân vật.
Từ khi câu chuyện bắt đầu, mình như được tham gia một hành trình mê hoặc mà cũng đầy ly kỳ. Man Suang: Kỳ Án Nhà Hát Thiên Đường nhấn mạnh vào một số thông điệp chính trị, cũng như tính châm biếm xã hội thông qua việc điều tra những bí mật ẩn giấu về việc buôn lậu vũ khí cũng như lên án những người Hoa cấu kết với phương Tây phá hoại đất nước. Ở phim luôn tồn tại những vấn đề cần được giải quyết về lòng yêu nước, tình bạn, tình yêu, chủ nghĩa hiện sinh. Đây là điều hiếm thấy ở làng điện ảnh Thái Lan.
Mình phải tập trung cao độ mới thấy các chi tiết nhỏ được lồng ghép trong từng tình tiết nhà sản xuất gửi gắm. Chúng được tích hợp với các ngôn ngữ cổ. Kết quả là, nếu bạn mất tập trung trong giây lát, bạn có thể không hiểu gì cả. Nhưng khi chúng ta đến giữa tác phẩm, mọi thứ bắt đầu dần hé mở các tầng nghĩa. Mình có thể nói một cách tự tin rằng phim rất "giải trí” và đáng để theo dõi đến cùng. Điều duy nhất còn khiếm khuyết là các cảnh khiêu vũ được thiết kế có phần qua loa, mặc dù hình thức vẫn rất tráng lệ và lôi cuốn.
Kịch bản phim có những tình tiết nổi bật khiến bạn không hề buồn ngủ. Cùng với đó, mình nhiều lần phải kinh ngạc bởi những góc máy cận và góc máy thấp được sử dụng theo cách đẹp và tinh tế. Các tình huống được lật mở theo cách rất mãnh liệt và gay cấn. Khi một số nhân vật bị "khai tử", kịch tính được đẩy lên cao. Nhiều cảnh mang tính suy luận mang màu sắc trinh thám được dàn dựng logic, tỉ mỉ.
Phần quan trọng mang lại sức hấp dẫn to lớn cho bộ phim là sức hút của 4 diễn viên chính, họ đều thể hiện được kỹ năng của mình. Đặc biệt là với Apo Natthawin thủ vai có tâm lí nặng kí như Khem. Tài tử khiến chúng ta tin chắc rằng Khem là một thường dân trẻ đam mê khiêu vũ bằng cả trái tim, và rằng nhân vật này thực sự tồn tại ở đâu đó trên thế giới này.
Về phần Mile Phakphum Romsaithong, anh toát ra vẻ ngây thơ và sạch sẽ theo cách rất đặc biệt khi trở thành Chatra nhiệt tình, nam tính. Tong Thanayut hóa thân thành chủ sở hữu của Man Suang là Hong, người kiểm soát mọi thứ ở nhà hát. Anh bộc lộ sự mạnh mẽ, quyền lực khi đóng vai ông chủ một cách thuần thục. Cuối cùng, mình nghĩ nếu ai xem Man Suang sẽ phải ngạc nhiên trước kỹ năng diễn xuất của Bas Asavapatr. Mình đã từng dự đoán hẳn rằng tài tử sẽ làm được điều gì đặc sắc đó khi trở thành Wan yếu đuối, nhưng mình không nghĩ rằng Bas sẽ phát huy nội năng của anh đến mức này. Cảm xúc của nhân vật Wan đã dần dần thăng hoa qua từng thước phim cho đến khi chiếm được hoàn toàn cảm tình của khán giả.
Mình chỉ muốn nói với mọi người rằng hãy tạm gác lại những định kiến, thử mở mang đầu óc để đón nhận tác phẩm điện ảnh rất chỉn chu này của Thái Lan. Phim để lại dấu ấn sâu đậm khi kể những chuyện cũ vào với phong cách mới mẻ, cấp tiến mà không hề đơn điệu. Bạn sẽ có những ấn tượng khó phai khi bước ra khỏi rạp chiếu phim.
Man Suang: Kỳ Án Nhà Hát Thiên Đường công chiếu toàn quốc từ ngày 29/9/2023.
* Bài viết của Nga Cao chia sẻ tại box Mọt phim Review
Facebook - bình luận