Sẽ có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam khó tạo được cảm xúc đọng lại trong mình sau mỗi lần rời ghế rạp phim. Với Mến Gái Miền Tây mình hoàn toàn được giải phóng điều này. Từ cốt truyện đến cách xây dựng nhân vật được đồng điệu nhất định, kể ra thấy ai cũng khổ.
Dưới góc nhìn của một khán giả chưa xem bất kì tập nào của web-drama Ghe Bẹo Ghẹo Ai mình đánh giá Mến Gái Miền Tây là một bộ phim điện ảnh độc lập hoàn toàn, có nội dung liên kết giữa cách phân cảnh với nhau, mặc dù có nhiều thông tin cho rằng bộ phim đã cắt mất một số cảnh để làm gọn hơn nhưng xem vẫn hiểu hoàn toàn.
Mến Gái Miền Tây là câu chuyện xoay quanh số phận, cuộc đời của Mến (Võ Đăng Khoa), một chàng trai ngặt nghèo và luôn giằng xé bản thân giữa quyết định trở thành con gái trong thân hình con trai hay chuyển giới.
Không như những người khác, Mến có cuộc sống gia đình không mấy ấm êm khi cha ra đi và mẹ đi thêm bước nữa, luôn bị dượng xem thường cho rằng anh là kẻ ăn bám gia đình, suốt ngày chỉ biết đem phiền phức về nhà, không phá làng phá xóm thì cũng tụ tập lêu lỏng.
Bên cạnh Mến luôn có chàng trai tên Nhớ (Phạm Hoàng Nguyên), một bạn học cùng lớp, luôn quan tâm và giúp đỡ nhau. Chính vì vậy, Mến nảy sinh tình cảm, dần dần câu chuyện của cả hai có những bước tiến triển khi Mến quyết định bỏ nhà ra đi và chấp nhận thay đổi ngoại hình, làm một người con gái…
>>> Xem thêm: Mến Gái Miền Tây sở hữu dàn cast quá xuất sắc: Võ Đăng Khoa nổi bật
Mến Gái Miền Tây là một tác phẩm sử dụng những chất liệu đơn giản và đời thường nhất. Theo dõi câu chuyện của Mến, mình cảm nhận được lối sống chân chất của con người miền Tây, họ mộc mạc, bình dân, có sao sống vậy và luôn biết phấn đấu vì kế sinh nhai của gia đình.
Có những lần xem phim mình phải rơi nước mắt, thương cho số phận của những “cô bóng” miền Tây chân chất, đặc biệt là xót xa cho Mến. Không thể làm một người con gái hoàn toàn, cũng không thể đem lại cho người mình yêu một đứa con, xây dựng một tổ ấm gia đình như bao người khác.
Bộ phim được chia làm hai giai đoạn, ở nửa thời lượng đầu là phần tiền truyện, kể về câu chuyện của Mến và Nhớ cùng những nhân vật khác như má ruột (Ngân Quỳnh), má Bảy (Hoài Linh), Bình An (Anh Tú)…
Điểm cốt lõi là ê-kíp sản xuất đã gói gọn những gì quan trọng nhất trong một khung thời gian nhất định, đủ để một khán giả chưa từng biết đến Mến trước đó như mình vẫn đủ hiểu câu chuyện ra sao. Ngay cả việc xuất hiện nhân vật Thêm (Hạnh Thảo) vẫn được tóm lược và đưa ra phim một cảnh tinh tế ở giai đoạn 12 năm sau.
Nói về phần đầu của Mến Gái Miền Tây, chi tiết lấy nước mắt của mình nhiều nhất có lẽ là đoạn Mến chấp nhận rời đi trong đêm mưa gió bão bùng và đến nhà má Bảy để trút bầu tâm sự.
Phải nói đoạn này Võ Đăng Khoa khá tài tình khi anh đặt một bối cảnh quá đỗi phù hợp với tâm trạng của nhân vật lúc ấy, có nhiều người đánh giá những chi tiết này sến sẩm, có phần lỗi thời, nhưng theo mình đây là sự lồng ghép tương đồng, một người đau lòng vì bản thân luôn là gánh nặng của gia đình, luôn mang dáng vẻ cứng cáp của một người đàn ông nhưng tâm hồn lại quá mỏng manh, thế mà vì gia cảnh anh phải tạo một vỏ bọc đầy gai góc để bảo vệ mẹ và căn nhà của cha để lại.
Mến khóc vì nhận ra cuộc đời bản thân đã khổ nhưng rồi lại khổ hơn khi chính người mẹ duy nhất cũng nghe theo ông dượng. Còn tình cảnh nào xót xa hơn lúc này, ông trời như đang khóc thương cho số phận của anh chăng? Tiếng xàng xế của bài Hỡi Ông Trời nổi lên trong phim chưa bao giờ nao lòng đến như vậy. Vì sao lại phải chấp nhận gánh khổ cực lên bản thân để khiến người khác yên vui, thoải mái? Cũng như cách má Bảy đã nói ông trời tạo ra nước mắt để tống những gánh nặng khỏi lòng mình và cứ thế Mến khóc như một đứa trẻ khi nằm trong lòng má Bảy.
Chi tiết má Bảy trao cặp vòng cho Mến như là lời nhắn nhủ, an tâm của hai người cùng cảnh ngộ, thân phận như nhau. Tuy chỉ là chi tiết nhỏ trong suốt bộ phim, nhưng cách má Bảy bảo rằng: “Có cặp vòng để bây phòng thân” vì bà biết một mình Mến bươn chảy trong những ngày tháng sau này sẽ còn gian khổ hơn nữa.
Cặp vòng ấy đủ nói lên tình cảm đơn sơ của người miền Tây với nhau, họ thoải mái cho đi những thứ quý giá nhất, đủ khiến người khác yên vui. Cũng giống như Mến, chấp nhận rời bỏ gia đình để làm nhẹ lòng mọi người, không còn là gánh nặng của cả nhà. Có những hành động của má Bảy dành cho Mến như trao cái ôm, vuốt tóc, đội chiếc nón lá lên đầu…đủ chứa đựng cái tình giữa hai người với nhau.
>>> Xem thêm: Mến Gái Miền Tây: Phim hứa hẹn cười banh nóc, Hoài Linh lại giả gái
Bộ phim tạo ra một mạch cảm xúc đầy đủ vui lẫn buồn trong một câu chuyện nhiều bi thương, hài hước của nhân vật Mến. Có những phân cảnh mình nghe được những tiếng hú hét của khán giả trong rạp hôm ấy như là cách ủng hộ và đồng tình với việc làm của Mến.
Những lúc Mến buồn thì cả rạp như lặng đi, những lúc Mến tung “bài ca mắng hay như hát” cả rạp lại cười rần trời, những lúc Mến tìm được hạnh phúc mọi người lại hú hét, vỗ tay. Rõ ràng đây là cách tạo hiệu ứng khán giả bằng việc nắm bắt rõ thị hiếu người xem, phần nào chứng minh được Mến Gái Miền Tây là tác phẩm chất lượng do chính tay đạo diễn kiêm nhân vật Mến - Võ Đăng Khoa tỉ mỉ tạo ra.
Có thể nói Mến của 12 năm sau có được hình dáng con gái mảnh khảnh và vẫn “chất” như ngày nào là nhờ sự thức tỉnh tâm lý của Mến, như trong phim Mến từng nói với một người chị trong đoàn lô tô rằng thích hình dáng con trai chứ không muốn làm con gái và sau bao nhiêu khổ đau trải qua, Mến quyết định sống đúng với bản chất và tâm hồn của mình.
Bên cạnh đó, người không thể không nhắc đến là má Bảy, người từng ôm Mến vào lòng vỗ về những câu an ủi đầy chua xót, người đã tô điểm những đường kẻ, phấn dặm đầu tiên trên gương mặt của nhân vật này, tuy không phải má ruột nhưng lại trao của hồi môn cho Mến không suy nghĩ.
Chi tiết làm mình xót xa “tập 2” đó là ở giai đoạn 12 năm sau, Mến nhận ra bản thân hoàn toàn ngộ nhận trong tình cảm của Nhớ và đến nhà Hạnh để giải quyết mọi thứ trong sự chứng kiến của đoàn lô tô và Bình An - người theo đuổi Mến.
Có thể thấy sự chịu đựng tổn thương tột cùng khiến Mến sẵn sàng tặng cái “vuốt má” cho Hạnh và cũng chính Mến nhận ra Hạnh cũng là một cô gái mồ côi. Nói về cảnh đó, mình thấy Mến như trút hẳn một gánh nặng đau đáu trong lòng bấy lâu nay, mọi sự ngộ nhận dần như được xóa bỏ hoàn toàn, mặc dù số khổ nhưng Mến vẫn quyết ôm trọn nỗi khổ đó, hứng chịu một mình.
Mình thích cách Võ Đăng Khoa tạo cảnh “vuốt má” những 2 lần, lần 1 nhẹ như sự gồng mình chịu đựng ở Mến, tự hỏi bản thân cô ấy có quyết “xả” mọi khổ đau hay không. Thậm chí sau lời nài nỉ của Hạnh, Bánh Đúc còn nghĩ Mến sẽ tự tác động vào gương mặt của Mến. Đó là lý do vì sao mình đánh giá bộ phim liên tục xí gạt những suy đoán của mình.
Với mình đó là hai chi tiết trong suốt thời lượng xem phim khiến mình không ngừng “sụt sùi”, phải nói cách xây dựng những chi tiết tuy đơn giản, đời thường và bản thân có thể bắt gặp những hoàn cảnh này bất cứ đâu.
Nhưng khi được nghệ thuật hóa và đưa lên màn ảnh, Bánh Đúc lại dần đồng cảm hơn cho số phận chịu khổ của Mến. Đặt dưới góc nhìn của một khán giả lần đầu xem tác phẩm của Võ Đăng Khoa, thật sự Mến Gái Miền Tây đã hoàn toàn thuyết phục mình bằng một thước phim hài, tình cảm đậm chất miền Tây của những người chuyển giới.
>>>Xem thêm: Mến Gái Miền Tây sở hữu dàn cast quá xuất sắc: Võ Đăng Khoa nổi bật
*Bài viết của Bánh Đúc gửi về DienAnh.Net.
Xem đầy đủ thông tin và review hay về Mến Gái Miền Tây tại Thư Viện Phim và The Amazing Film nhé
Facebook - bình luận