Ngày 4/3, sự ra đi của NSND Trần Hạnh khiến nhiều khán giả vô cùng đau xót. Suốt sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Trần Hạnh đã cống hiến cho khán giả nhiều vai diễn xuất sắc, đi vào lòng người. Hình ảnh của cố nghệ sĩ gắn liền với những vai diễn hiền lành, yếu đuối, khắc khổ và nghèo khó nhưng vẫn tràn đầy yêu thương. Hãy cùng điểm qua các vai diễn nổi bật của ông, để thấy được những dấu ấn mà cố nghệ sĩ đã để lại cho nền nghệ thuật.
Người cha nghèo nhưng thương con với Cuốn Sổ Ghi Đời
Cuốn Sổ Ghi Đời là phim truyền hình đầu tiên và cũng là tác phẩm tâm đắc nhất của NSND Trần Hạnh. Cố nghệ sĩ đảm nhận vai ông Cần - người cha nghèo khổ nhưng thương con hết mực. Vì mục tiêu mua đất cho các con, ông Cần đã kiếm từng đồng bằng công việc thu nhặt vỏ lon bia. Thế nhưng cho tới tận lúc chết, ông vẫn chưa thể hoàn thành tâm nguyện này. Cố nghệ sĩ chia sẻ nhân vật ông Cần có nhiều nét giống bản thân mình. Gia đình ông cũng sống trong 1 căn nhà nhỏ và phải chật vật trang trải cho cuộc sống. Chính vì điều này đã giúp ông có thể nhập tâm vào nhân vật và lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.
>>> Xem thêm: Cố nghệ sĩ Chí Tài và 5 vai diễn để đời trên màn ảnh
Người cha bất lực nhìn con thay đổi trong Ngõ Lỗ Thủng
Bộ phim Ngõ Lỗ Thủng kể về ông Thống - người cha cả đời nghèo khó, nuôi cùng lúc 2 cô con gái là Hạnh và Sương. Sau khi khôn lớn, 2 cô con gái quyết tâm tìm cách làm giàu vì chẳng thể chịu được cảnh nghèo mãi được. Trước sự thay đổi của con, người cha già dường như bất lực. Điều đáng buồn nhất của người làm cha có lẽ là nhìn con cái ngày càng xa cách, chạy đua theo cuộc sống thực dụng, bất chấp mọi thứ vì đồng tiền.
Sau bộ phim, NSND Trần Hạnh được trao tặng giải Cống hiến tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010. Có thể nói chính sự đau khổ, thống thiết, trăn trở của ông Thống được thể hiện qua cách diễn tài tình của cố nghệ sĩ Trần Hạnh đã giúp bộ phim có được thành công và ghi dấu trong lòng khán giả.
>>> Xem thêm: NSND Lý Huỳnh qua đời ở tuổi 78 vì bệnh tật
Người cha yếu đuối trước mâu thuẫn giữa các thế hệ trong Người Đàn Bà Thứ Hai
Vẫn là 1 vai diễn người cha già nghèo khó, nhưng tại Người Đàn Bà Thứ Hai, mâu thuẫn được đặt trong sự khác biệt giữa các thế hệ. Cố nghệ sĩ Trần Hạnh trong vai 1 người cha nghèo dưới quê lên Hà Nội để ở cùng con trai mới kết hôn. Những rắc rối nảy sinh từ quan hệ mẹ chồng - nàng dâu khiến người cha bất lực, không nói nên lời.
Lão nông khắc khổ trong Chiếc Bình Tiền Kiếp
NSND Trần Hạnh vào vai lão Lâm - 1 lão nông dân khắc khổ, vất vả và rước họa vào nhà chỉ vì hư vinh. Trong phim, ông vô tình tìm được 1 chiếc bình được chôn dưới đất và cho là báu vật gia tộc để lại. Mặc dù đây chỉ là chiếc bình bình thường nhưng ông bị 1 chuyên gia đồ cổ lừa bảo rằng vô giá, nên lão Lâm đã đem đi cất cẩn thận. Từ đây, những mâu thuẫn trong gia đình, họ hàng liên tiếp xảy ra.
Người cha với đôi mắt trĩu nặng của Chớp Mắt Cùng Số Phận
Vẫn là vai người cha nghèo, khắc khổ, nhưng đến bộ phim này, người xem nhớ mãi ánh mắt nặng trĩu nỗi buồn khi ông mặc mảnh áo tơi lội ruộng, nhìn con trai vừa đi bộ đội về mà nói: “Mẹ con đã mất hơn 1 năm rồi.” Hình ảnh thống thiết, đau khổ với đôi mắt biết nói, ẩn chứa bao nỗi niềm chính là nét diễn đặc sắc mà thế hệ diễn viên trẻ phải học rất nhiều từ NSND Trần Hạnh.
Là người con của Thủ đô Hà Nội, thế nhưng NSND Trần Hạnh lại thể hiện 1 cách xuất sắc những vai diễn lão nông nghèo khổ, người cha già yếu đuối. Cả 1 đời dành để cống hiến cho nghệ thuật, ông trở thành cây đại cổ thụ của nền điện ảnh, để lại cho bao thế hệ những giá trị nhân văn sâu sắc qua hàng loạt vai diễn ấn tượng.
Cảm ơn NSND Trần Hạnh vì đã cống hiến 1 đời cho khán giả, cho nghệ thuật. Mong ông yên nghỉ!
Đừng quên cập nhật những thông tin mới nhất về làng giải trí Việt tại DienAnh.Net nhé!
Facebook - bình luận