Phim TVB được coi như là một "đặc sản" dành cho những người có sở thích xem những tác phẩm truyền hình dài tập ở khoảng thời gian thập niên 2000 với những bộ phim cổ trang nổi đình, nổi đám như Thiên Long Bát Bộ, Thần Điêu Đại Hiệp, Anh Hùng Xạ Điêu, Lộc Đỉnh Ký, Cung Tâm Kế,… Hay những bộ phim mang đề tài trinh thám phá án như Bằng Chứng Thép, Hồ Sơ Trinh Sát,… Tất cả những bộ phim “cộp mác” TVB đều khiến người xem phải trầm trồ và nó dần trở thành một thương hiệu phim truyền hình không thể thay thế trong lòng khán giả.
>>>Xem thêm: Đổng Khiết khoe mặt mộc ở tuổi 42: Vẫn đẹp nhưng hơi thiếu sức sống
Thế nhưng ngày nay, với tốc độ phát triển chóng mặt của xã hội, có nhiều thứ đa dạng để người ta giải trí hơn thì phim TVB đã không còn giữ được vị thế của mình nữa. Những diễn viên gạo cội ngày đó của TVB cũng dần dần không còn mặn mà với nhà đài. Nhưng ở Việt Nam có một đội ngũ gạo cội vẫn đang từng ngày bám trụ với phim xứ Cảng, với nghề, đó chính là những diễn viên lồng tiếng cho phim TVB, những con người “có tiếng mà không có tên” hằng ngày vẫn chăm chỉ với công việc đam mê của mình.
Giờ đây thì phim của TVB đã đến thời kỳ thoái trào cùng với thị hiếu của người xem cũng chuyển dần sang các bộ phim Hàn, Ấn, Thái,… làm cho những diễn viên lồng tiếng TVB trở nên “thất thế” trong cuộc đua này. Nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Có người gắn bó với nghề mấy chục năm rồi vẫn đang tận tụy cống hiến và họ dường như đã trở thành huyền thoại như Bích Ngọc, Huy Hồ, Bá Nghị, Thế Thanh... Tôi tin nếu được nghe giọng nói của họ thì vẫn có không ít người bồi hồi nhớ lại ngày xưa, cái ngày mà chúng ta đã rất mê những bộ phim của TVB.
Nhưng hôm nay thì tôi đã phải đón nhận một tin buồn là diễn viên lồng tiếng Thế Thanh đã ra đi mãi mãi sau khi chống chọi với COVID-19. Để tri ân ông và những diễn viên lồng tiếng cả một đời thầm lặng, trong bài viết này, tôi sẽ điểm qua những gương mặt đã góp một phần không nhỏ trong việc mang đến sự gần gũi, thân thuộc của những bộ phim TVB từng làm mưa, làm gió ở Việt Nam.
Người đầu tiên tôi muốn nhắc đến chắc chắn là nghệ sĩ Trương Thế Thanh, ông xuất thân là một nhạc công. Nhưng đúng là “nghề chọn người”, trong một lần đoàn phim thiếu diễn viên và cần có người lồng tiếng, một người bạn đã mời ông tham gia. Dù chưa được học qua một trường lớp bài bản nào nhưng ông đã có một màn thể hiện hoàn hảo trong lần thể hiện ấy. Nhờ vậy, ông nhận được những lời đề nghị tiếp theo và theo nghề đến tận bây giờ.
Cùng “bộ sậu” của mình tạo lên tiếng vang cho phim TVB tại Việt Nam, Thế Thanh đã lồng tiếng cho rất nhiều tài tử khác nhau. Nhưng người mà ông gắn bó nhất chắc chắn là nam tài tử Âu Dương Chấn Hoa với hơn 20 năm lồng tiếng cho diễn viên này. Thật không quá khi nói Thế Thanh chính là tiếng nói của Âu Dương Chấn Hoa ở Việt Nam.
Kể từ năm 1985, ông đã tham gia lồng tiếng cho gần cả trăm bộ phim lớn nhỏ của TVB. Dù sau đó, ông chuyển hướng sang làm các công việc về kỹ thuật vì lý do sức khỏe, nhưng thi thoảng vẫn tham gia một vai nhỏ để đỡ nhớ nghề. Trong công việc, điều khiến ông cảm thấy khó khăn nhất có lẽ là điều khiển cảm xúc của mình sao cho hòa vào nhân vật. Nhiều khi có hai diễn viên lồng tiếng đang tranh cãi, giận nhau, nhưng khi vào việc, họ vẫn thể hiện xuất sắc trong vai đôi vợ chồng ngọt ngào.
Giờ đây, Thế Thanh đã ra đi mãi mãi, nhưng tôi tin những khán giả đã từng theo dõi phim của TVB sẽ không quên được giọng nói của ông. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ biết ơn nam diễn viên rất nhiều vì đã luôn tận tụy với nghề cho đến tận những giây phút cuối đời, mang đến cho khán giả những thước phim cảm xúc nhất với giọng lồng của mình.
Diễn viên lồng tiếng kế tiếp mà tôi muốn nói đến là Huy Hồ. Ông thường xuyên đảm nhận những nhân vật thái giám. Giống như Thế Thanh, cơ duyên nghề nghiệp đến với ông hết sức tình cờ. Ban đầu, Huy Hồ làm nhân viên bán vé và dọn vệ sinh ở rạp chiếu phim. Trong một lần khi Huy Hồ đang đọc tiểu thuyết thì đạo diễn lồng tiếng Hồng Phúc vào rạp trú mưa và vô tình nghe được giọng đọc truyền cảm ấy. Ông được đạo diễn đề nghị thử đi lồng tiếng.
Nhưng Huy Hồ khác Thế Thanh ở chỗ là sau đó, ông đã đi học một khóa diễn viên lồng tiếng và bắt đầu thử sức mình ở những vai diễn quần chúng. Trong lần đầu nhận lồng tiếng cho những vai diễn thái giám, ông chia sẻ mình cũng ngại ngùng lắm, nhưng rồi nhận ra đây là một vai thú vị và coi đó như một thử thách mà bản thân phải vượt qua. Chất giọng của Huy Hồ đi theo biết bao nhiêu bộ phim đình đám như Sức Mạnh Tình Thân, Đại Thái Giám... Chính vì có thể chuyển giọng mượt từ trầm ấm sang giọng cao vút, rồi từ cứng rắn, đanh thép sang truyền cảm, dịu dàng mà diễn viên Huy Hồ còn được mệnh danh là “quái kiệt” của giới lồng tiếng phim.
Nhưng không chỉ “đóng đinh” mình với những vai diễn thái giám, Huy Hồ chia sẻ ông có thể vào vai từ già tới trẻ, thậm chí đảm nhận hai vai trong cùng một phim mà vẫn không bị trùng lặp. Sau 30 năm gắn bó với nghề, ông vẫn tiếp tục công việc dù tần suất không còn được nhiều như trước kia. Với ông, công việc này có cực nhưng cũng có nhiều niềm vui, quan trọng là phải tâm huyết thì mới sống được với nghề.
Kế đến chính là “nữ hoàng lồng tiếng” Bích Ngọc, bà sở hữu khả năng giả giọng tuyệt đỉnh từ bà lão 80 tới đứa trẻ 5 tuổi. Xuất thân là diễn viên của đoàn Kịch nói Kim Cương, nhưng những năm 90, loại hình nghệ thuật này rơi vào tình trạng ế ẩm, khiến bà phải chuyển qua công việc khác. Với lợi thế là giọng nói ngọt như rót mật vào tai, Bích Ngọc khi ấy được thầy dạy lồng tiếng cho đi thử việc luôn ngay sau khi học xong.
Bà từng lồng tiếng cho các diễn viên như Tuyên Huyên, Trần Tú Văn, Ôn Bích Hà... Là “kỳ nữ” lồng tiếng, thế nhưng trong công việc, bà cũng gặp không ít thăng trầm và sự cố khi hành nghề, nhất là chuyện nói líu lưỡi hay nói láy một cách vô tình. Công việc này làm một mình đã cần rất tỉ mỉ rồi, vậy mà khi làm nhóm còn khổ hơn, chỉ cần một người sai, có thể ảnh hưởng tới cảm xúc và mạch trôi chảy của tất cả mọi người.
Người cuối cùng trong “bộ sậu” là một người đàn ông đã quá quen thuộc với chúng ta, đó chính là diễn viên lồng tiếng Bá Nghị. Với những người trẻ như tôi thì lần đầu tiên biết giọng của ông là qua những bộ phim hoạt hình được phát sóng trên HTV3 ngày xưa, như Bubu Chacha, Làng Xì Trum, Mèo Máy Kuro,… Nhưng trước đó ông được biết đến là “ông hoàng lồng tiếng phim chưởng Hong Kong”.
Xuất thân từ Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, trong quá trình viết kịch bản sân khấu kịch, ông vô tình gặp được thầy giáo dạy lồng tiếng và được hướng sang con đường này. Điều khó khăn nhất với ông có lẽ là mức lương của diễn viên lồng tiếng. Đó từng là gánh nặng vì làm không đủ nuôi vợ con. Dù đã hơn 20 năm gắn bó với nghề nhưng với ông chưa một phút giây nào cảm thấy chán công việc này.
Tất cả những diễn viên lồng tiếng, mỗi người có một biệt tài sở trường riêng. Nhưng điểm chúng của họ là luôn tận tâm với nghề và chưa bao giờ họ cảm thấy chán hay hối hận với công việc mình đã chọn. Dù bây giờ phim TVB nói riêng hay phim lồng tiếng nói chung không còn được ưa chuộng như trước nữa, nhưng tôi vẫn mong những diễn viện lồng tiếng luôn được nhớ tới như là linh hồn của bộ phim và nhận được sự tôn trọng của khán giả.
>>>Xem thêm: Gu thời trang mỗi người một phong cách của dàn nữ chính đang lên sóng
Bài viết của Lindo trên DienAnh.Net
Bạn nghĩ sao về những diễn viên lồng tiếng này, bạn có nhận ra ai trong số họ không, hãy chia sẻ ngay phía dưới bình luận nhé! Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức về sao Vbiz nhé!
Facebook - bình luận