Chuyển thể từ bộ truyện manga cùng tên, Alice in Borderland có mô típ đấu trường sinh tử. Đây vốn không phải mô típ mới lạ của điện ảnh Nhật Bản, mình có thể gợi nhớ đến một số bộ phim khác như: Battle Royal (2000), As The God’s Will (2014), Tag (2015). Mặc dù có mô típ cũ nhưng cách khai thác của Alice in Borderland có chiều sâu và ý nghĩa.
Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Arisu Ryohei (Yamazaki Kento) đối mặt với các trò chơi trong thế giới Borderland. Bên cạnh anh là vô số người khác cũng mắc kẹt tại đây, trong đó có 2 người bạn thân Karube và Chota. Có thể nói, sự giằng xé và sụp đổ về nhân tính bắt đầu từ khi Arisu phải lựa chọn giữa sự sống cá nhân hay sự sống của hai người bạn.
Phân tích về bộ phim, cây bút Xingting Gong đặt câu hỏi trên trang Cinema Escapist: “Cái giá nào để trả cho sự sống?”. Đó là việc đánh đổi bằng cái chết của bạn bè hay bán rẻ đạo đức của bản thân? Một phân đoạn trong phim gây ấn tượng với tôi là cảnh Arisu gục xuống đường, suy sụp sau cái chết của 2 người bạn thân, mà đánh đổi với nó là sự sống của anh.
Hay một phân đoạn khác gây ám ảnh không kém là khi Arisu nhận ra kẻ thù của mình – trong lốt ác quỷ xả súng – chỉ là một bà cô trung niên, một người bình thường đang tuyệt vọng giành giật sự sống y như cậu. Thế giới mà Arisu trải qua còn có biệt danh là “Vùng cận tử”, bởi đúng là chỉ khi cận kề cái chết, con người mới sẵn sàng biến đổi thành thứ đáng sợ hơn.
Liệu khi biết rằng sau lớp mặt nạ ngựa là một con người vô tội khác thì Arisu có cố gắng giành chiến thắng, đổi lại là họ phải chết hay không? Các trò chơi phơi bày dáng vẻ của con người ở trạng thái dễ bị tổn thương và cũng là nguyên thủy nhất. Khán giả không chỉ theo dõi hành trình nhân vật tham gia các trò chơi mà còn quan sát họ dằn vặt khi đặt phẩm chất lên cán cân với sự sống còn. Không có thiên thần hay ma quỷ trong bộ phim, chỉ có con người phải đối mặt với bản năng để tồn tại.
Các bộ phim với chủ đề sự sụp đổ của nhân tính thường không dễ để ta tách bạch giữa kẻ tốt và người xấu. Khi con người bị đặt vào trong hoàn cảnh nghiệt ngã, họ cố tình hoặc vô thức biến bản thân thành kẻ giết chết người khác. Lúc này ta không biết nên thấy họ đáng thương hay đáng trách. Trò chơi cuối cùng của season 1, tất cả người dân của The Beach tiêu diệt lẫn nhau, vứt xác của đồng loại vào lửa với mục đích cuối cùng là được sống. Ta có thể gọi khoảnh khắc giết chóc hỗn loạn ấy là lúc nhân tính của con người đồng loạt sụp đổ.
Và trong thế giới điên đảo ấy, Arisu được coi là “điểm neo” của lương tri. Không giống cách xây dựng nhân vật anh hùng điển hình, nhân vật này được xây dựng có sự phát triển tích cách từ “zero” đến “hero”. Trong thế giới thực, Arisu bị gia đình cho là vô dụng, cả ngày ở nhà chơi game. Nhưng với đầu óc yêu thích các trò chơi điện tử khiến anh trở thành tuýp người hoàn hảo để tồn tại trong thế giới Borderland. Giữa sự vô nhân tính được coi là bình thường ấy, Arisu tỏa sáng với sự thông minh, dũng cảm và đức hy sinh.
Tuyến nhân vật phụ và phản diện cũng được xây dựng có sức nặng và cảm động. Bộ phim không khắc họa hời hợt các nhân vật phản diện, mà mỗi người trong số họ đều có quá khứ riêng và dần biến chất khi sống trong thế giới Borderland. Người đứng đầu The Beach - Thợ Mũ - là một người như thế: Từ một kẻ tuyệt vọng không tìm được đường thoát cho tới tay cầm đầu độc tài, vô cảm.
Hay một nhân vật khác như Shibuki, cô không phải nhân vật ác, cũng không lương thiện. Hé lộ về quá khứ của Shibuki, ta có thể thấy để thích nghi được với xã hội Nhật Bản khắc nghiệt và thế giới chết chóc Borderland, cô đều trở thành kẻ ích kỉ, lợi dụng người khác.
Mình thấy, mặc dù Alice in Borderland là thế giới không tưởng nhưng mở ra cho chúng ta những bài học rất thực tế rằng: Khi bị đặt vào hoàn cảnh tàn khốc, nhân tính con người có thể bị sụp đổ. Khi tính mạng gặp nguy hiểm thì đạo đức, phẩm giá có thể sẽ xếp sau tất cả!
>>Xem thêm: Snake Eyes & The Suicide Squad: 2 bom tấn phá đảo màn ảnh rộng tháng 8
*Bài viết của Phúc Logic gửi về DienAnh.Net.
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận