Khác với nhiều bộ phim gần đây Wukong xem, Kẻ Thứ Ba là một trong những dự án điện ảnh do chính diễn viên kiêm nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ đầu tư, tạo nên một chuyện tình bi thương của chàng họa sĩ Quang Kha (Han Jae Suk) và nữ bác sĩ Thiên Di (Lý Nhã Kỳ). Điều đáng khen là yếu tố viễn tưởng, kỳ ảo “xuyên không” được lồng ghép mới mẻ vào một thước phim đậm mùi “kẹo bông gòn”.
Kẻ Thứ Ba là chuyện tình của nữ bác sĩ Thiên Di cùng chàng họa sĩ Quang Kha. Cả hai quen biết nhau bởi Kha từng là bệnh nhân của cô, mối tình của họ phát triển dần theo năm tháng và tạo ra một cuộc hôn nhân đầy ắp hạnh phúc, họ có với nhau cậu con trai kháu khỉnh, tên Simba.
Hạnh phúc chưa được bao lâu thì Thiên Di bị tai nạn và qua đời, để lại Quang Kha “gà trống nuôi con”. Chưa thể chấp nhận sự ra đi của vợ, anh mãi đày đọa bản thân trong đống tranh vẽ, tô nên những ký ức đau thương của mình.
Một lần tình cờ anh mua được một chiếc laptop ở chợ đồ cũ và kết nối với Kelly Đào (Kim Tuyến), một nữ phát thanh viên luôn lận đận với đàn ông. Bất ngờ xảy đến khi cả hai hẹn gặp nhau, phát hiện đối phương đang ở dòng thời gian khác. Nhận ra điều này, Quang Kha quyết định nhờ Kelly cứu Thiên Di khi cô đang ở trong quá khứ của cả hai.
Nhìn chung, Kẻ Thứ Ba sở hữu một ý tưởng vô cùng sáng tạo khi hàng loạt các diễn biến xảy ra đều tập trung vào quá khứ của Quang Kha. Vì vậy, trong quá trình xem phim, Wukong liên tục tò mò và tự hỏi chuyện gì sắp xảy ra và những gì Kelly làm ở thời điểm đó có ảnh hưởng đến tương lai của Quang Kha và Thiên Di không.
Cách nhà làm phim lồng ghép ý tưởng dòng thời gian song song, đa số mình thường thấy ở các tác phẩm điện ảnh Âu Mỹ. So với họ, dường như điện ảnh châu Á khó chắc tay khi sở hữu kịch bản và ý tưởng này.
Tuy nhiên Wukong phải dành lời khen cho nhà làm phim Kẻ Thứ Ba bởi câu chuyện tình cảm không đi theo lối mòn của những bộ phim quen thuộc, không phải mô típ “em nhân viên - anh chủ tịch” hay nữ chính bị bạo bệnh, nam chính khóc thương… mà là lồng ghép yếu tố quay ngược thời gian để sửa chữa lại mọi thứ.
Mặc dù chi tiết cũng được đoàn làm phim tiết lộ trong trailer nhưng khi điều này xuất hiện, mình phải thầm ồ lên vì thật sự nhận ra Kẻ Thứ Ba mở hẳn một ý tưởng mới trong thể loại phim tình cảm, tâm lý.
>>> Xem thêm: Chuyện "Ma" Đô Thị: Nặng đô hơn phần 1, coi xong hết dám ngủ
Kẻ Thứ Ba khiến mình liên tưởng đến tác phẩm Call của Hàn từng đình đám bởi diễn xuất nữ diễn viên Park Shin Hye, hay phim Vụ Án Kỳ Bí của TVB do Quách Tấn An thủ vai chính. Điểm chung là các tác phẩm này đều tận dụng ý tưởng đặt dòng thời gian song song. Tức là nhân vật chính sử dụng một phương tiện liên lạc với một nhân vật khác ở quá khứ.
Mang một ý tưởng độc đáo và có phần “liều lĩnh” khi xen lẫn nó vào một bộ phim tình cảm và do đạo diễn người Hàn cầm trịch, Kẻ Thứ Ba vẫn giải quyết thỏa đáng những cảm xúc của mình, bao gồm cả sự hài hước.
Cách thức liên lạc song phương là điểm nhấn tạo nên sự chú ý của mình vào bộ phim kể từ khi nó diễn ra, câu chuyện mưu cầu hạnh phúc của những nhân vật, mong muốn thay đổi ước nguyện và cứu lấy hiện tại được thể hiện xuyên suốt thời lượng phim.
Cả thời lượng khiến mình phải cuốn theo cuộc điều tra của Kelly nhằm giúp Quang Kha cứu sống vợ anh. Qua hành trình đó, mình hiểu thế nào là “số phận” mà định mệnh an bài cho mỗi người. Suy cho cùng, dù Kelly có ngăn cản việc làm của Thiên Di hay không thì bằng cách nào đó, cuộc đời của cô cũng kết thúc tại thời điểm ấy.
Có thể nói so với các tác phẩm cùng thể loại, diễn xuất của các diễn viên đã lột tả phần nào tâm lý của chính nhân vật họ thủ vai. Điển hình là nam chính Han Jae Suk, Wukong ấn tượng ánh mắt của anh, thấy rõ một Quang Kha chứa đựng nhiều đau buồn và cô đơn khi vợ ra đi, tuyệt vọng bản thân khi không thể cứu lấy vợ mình, ngày ngày chôn vùi bản thân trong các tác phẩm của mình như để vẽ nên những ký ức, hình ảnh sót lại về Thiên Di.
Hoặc một Thiên Di do Lý Nhã Kỳ thủ vai, tuy giọng còn ngọng nghịu nhưng “kiều nữ” vẫn cố gắng đẩy tâm lý nhân vật một cách đỉnh điểm nhất.
Cộng hưởng cùng mạch cảm xúc ấy, bối cảnh quay dựng tại Đà Lạt cũng những bản nhạc không lời vang lên như tạo hẳn một bức tranh đậm màu buồn tủi.
Bên cạnh đó vai diễn của Xuân Nghị và Hoàng Khôi tưởng chừng chỉ là những nhân vật phụ và mờ nhạt với dàn diễn viên nổi tiếng, thì họ là những động lực thúc đẩy câu chuyện tiếp diễn mượt mà. Hay Kim Tuyến vẫn tỏa sáng phần nào khi là cầu nối tạo nên câu chuyện bi thương và chính cô là người nhận ra bức màn bí mật đằng sau mọi chuyện.
Wukong ấn tượng với những phân đoạn dùng góc quay từ trên xuống, bao quát rừng thông Đà Lạt hoặc những căn nhà nằm cheo leo trên ngọn đồi khiến một tín đồ “nghiện Đà Lạt” như mình phải mê mẩn.
Rõ ràng Kẻ Thứ Ba đã không khiến mình thất vọng khi đầu tư cho phần nhìn của phim. Điều đó làm tôn lên tính chất trữ tình của một bộ phim điện ảnh Việt Nam mang màu sắc Hàn Quốc.
>>> Xem thêm: Kẻ Thứ Ba: 3 vai chính đều đáng thương, ai cũng có vận mệnh bi đát
Tuy vậy lỗ hổng lớn của phim đó là vẫn chưa làm rõ hệ quả tác động vào không - thời gian của các nhân vật. Vì thế sau khi Kẻ Thứ Ba kết thúc, mình vẫn tự hỏi liệu ở hiện tại Quang Kha đang sống như thế nào, Kelly Đào và anh chàng trợ lý Trứng Ngỗng (Hoàng Khôi) sẽ ra sao, chuyện gì xảy ra khi Kelly đã tác động vào quá khứ khiến số phận của các nhân vật như rẽ sang hướng khác?
Hoặc khi nhân vật Ali (Xuân Nghị) ném chiếc laptop xuống hồ, một tia sáng lóe lên vượt ra khỏi Trái Đất. Điều này báo hiệu cho chuyện gì?
Tựu trung Kẻ Thứ Ba là một tác phẩm mới, từ cách dàn dựng cho đến cách thể hiện ý tưởng. Ban đầu Wukong tưởng Kẻ Thứ Ba chỉ đơn thuần là một bộ phim điện ảnh tình cảm khô khan, bước vào lối mòn cũ kỹ như những chuyện tình khác. Nhưng chính yếu tố bất ngờ khi đưa hẳn ý tưởng liên lạc song phương qua một chiếc laptop lên màn ảnh, mình mới dần bị cuốn vào quá trình sửa chữa quá khứ của các nhân vật.
*Bài viết của Wukong gửi về DienAnh.Net.
Xem đầy đủ thông tin và review hay về Kẻ Thứ 3 tại Thư Viện Phim và The Amazing Film nhé.
Facebook - bình luận