Hôm nay, mình sẽ review phim Racket Boys (Đội cầu lông thiếu niên 2021) - một tựa phim Hàn Quốc đúng như tên gọi của nó: Câu chuyện về các bạn nhỏ yêu thích môn cầu lông và theo đuổi nó một cách nghiêm túc. Những đứa trẻ tập luyện và thi đấu cùng nhau dưới sự dẫn dắt của các thầy cô. Giữa chúng có tình bạn đẹp đúng với độ tuổi cũng như những tâm tình của "thanh niên mới lớn".
Khi chứng kiến chúng cùng nhau lớn lên, những câu chuyện cảm động về gia đình, hàng xóm láng giềng được lồng ghép 1 cách khéo léo, thấm đẫm tình người khiến mình cảm nhận được nhiều phần cuộc sống thực trong đó. Những điều bình dị nhất làm nên ý nghĩa thật đặc biệt của bộ phim mà có lẽ vài câu chữ không thể diễn tả hết được.
1. Ủng hộ ước mơ của con trẻ nhưng đừng tạo áp lực lên chúng
Mình thật sự thích cách mà bố mẹ Yoon Dam ủng hộ em theo môn cầu lông. Kinh doanh buôn bán thì chắc chắn là ai cũng bận rồi, nhưng bố Yoon Dam vẫn luôn đến xem các trận đấu của em và quan tâm đến cả đội, thường xuyên đem đồ ăn đến cho cả đội. Tuy nhiên, vì ko muốn tạo áp lực cho con mình nên bố mẹ Yoon Dam luôn thể hiện niềm tự hào dành cho em 1 cách thầm kín.
Một đứa trẻ "bất khả chiến bại" như Se Yoon lại không hề vui vẻ và tự tin. Em vẫn có những lúc yếu đuối và luôn mong muốn được thầy cô dẫn dắt, nhưng người lớn lại không hiểu điều đó. Họ khen ngợi em và cho rằng việc em chiến thắng là điều hiển nhiên. Những câu nói động viên của thầy cô, bạn bè vô tình trở thành áp lực đối với Se Yoon.
Và vì thế nên khi vừa nghe câu: "Se Yoon à, cậu đã cố gắng rất nhiều rồi. Thua cũng được" từ bạn người bạn của mình thì cô bé đã oà lên khóc nức nở. Có thể Se Yoon là thần tượng, là hình mẫu lý tưởng của rất nhiều đứa trẻ khác và đôi khi chúng còn ghen tị với em, nhưng phải ở trong hoàn cảnh của em mới biết, kỳ vọng của người khác là thứ đã khiến em mệt mỏi đến thế nào.
2. Hãy luôn làm mọi thứ thật nhiệt thành, điều chúng ta đang tìm kiếm có thể ở bất cứ đâu
Ngay cả khi là người giỏi nhất là Se Yoon, cô bé vẫn luôn tập luyện chăm chỉ. Sự quyết tâm và nghiêm túc của em cũng như các bạn nhỏ khác thật sự khiến mình ấn tượng và như mang 1 thông điệp ngầm với người xem: "Nỗ lực không ngừng là điều duy nhất giúp chúng ta chiến thắng", chứ không phải thứ gì khác. Ai bảo chỉ có người lớn mới biết nghiêm túc nào? Ai bảo trẻ con chỉ biết chơi?
Hae Kang cũng vậy. Là 1 tuyển thủ bóng chày và phủ nhận cảm tình của mình đối với cầu lông, lúc Hae Kang "chơi cho có" và khi cậu bạn này cố gắng hết sức đã đem lại kết quả khác hẳn nhau. Nhờ sự thay đổi thái độ của mình mà Hae Kang đã tìm ra ý nghĩa thực sự của việc chơi thể thao và quyết định hết mình với nó.
Những tập phim đầu, người xem có thể thấy sự không quan tâm thậm chí là ghét bỏ của Hae Kang dành cho bộ môn này cũng như những người bạn mới, nhưng về sau, cậu bé lại trở thành mảnh ghép không thể thay thế trong đội cầu lông.
3. Cuộc đời sẽ thật tươi đẹp nếu chúng ta sống vô tư như những đứa trẻ
"Đặc sản" của phim Hàn khiến mình vẫn luôn yêu thích và nể phục ấy là xây dựng nhân vật có chiều sâu nội tâm và cài cắm thông điệp rất khéo léo. Bố Hae Kang là 1 người vui vẻ, tốt bụng, nhưng đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường bởi tiền bối và cả sự ngó lơ của HLV trong trường. Đến khi trở thành một người bố, một người thầy, có lúc ông bị những HLV khác khinh rẻ, coi thường vì không màu mè, không biết nịnh bợ.
Mặc dù sống một cuộc đời thật tử tế, nhưng bố Hae Kang vẫn phải gặp những chuyện không tốt như vậy. Câu chuyện của bố Hae Kang vẽ ra 1 xã hội "người lớn" mà ở đó, con người phải luồn cúi, xu nịnh nhau 1 cách mệt mỏi với mong cầu đạt được mục đích của mình. Người ngay thẳng đôi khi lại phải chịu đựng những điều không may.
Trong khi đó, Yoon Dam và cậu bạn thân mang danh "phản bội" của mình tưởng rằng không bao giờ có thể chơi lại với nhau mà rồi lại dễ dàng làm hoà chỉ nhờ việc ngồi xuống cùng ăn uống và lắng nghe tâm sự của nhau. Park Chan và Hae Kang là đối thủ trên sân đấu nhưng 2 đứa vẫn chơi thật công bằng và dành sự ngưỡng mộ cho nhau.
Na Ra ghét Se Yoon vì luôn làm cô bé phải đứng thứ 2 nhưng trò "độc ác nhất" mà cô bé này làm thì chỉ là "lừa Se Yoon đến phòng tập muộn hơn mình" để được một lần đứng nhất. Những đứa trẻ với trái tim lương thiện vẹn nguyên đã khiến mình cảm động như thế đấy.
4. Khi mà tình bạn, tình thân còn lãng mạn hơn cả tình yêu
Điểm sáng nữa mà mình cảm nhận được ở Racket Boys đó là tình bạn giữa những đứa trẻ, tình thân của gia đình và tình thương của làng xóm. “Chuyển nhà” là thứ mà ai cũng thấy thật bất tiện và chán ngấy, nhất là đối với trẻ con, đặc biệt là Hae Kang lại chuyển từ Seoul xuống vùng quê nghèo và ít người như Haenam.
Nhưng chính những người bạn trong đội cầu lông mà ban đầu cậu cảm thấy phiền phức, những người bạn chân thành thân thiết với cậu không vì tiền bạc hay địa vị, cùng 2 ông bà hàng xóm tốt bụng chẳng tiếc cho con cháu thứ gì đã khiến Hae Kang dần yêu mến và thân thiết với nơi này tự lúc nào.
"Anh nghĩ học sinh cấp 2 có thể đạt được thành tựu vĩ đại nào không?"
"Ở độ tuổi của chúng, chúng còn chưa biết xung quanh ai là bạn, ai là thù. Việc nhận ra những người bạn tốt chính là thành tựu to lớn nhất."
Mình thích cách Hae Kang luôn giả vờ kênh kiệu với tụi nhỏ nhưng thật ra là trấn an chúng mỗi khi có giải đấu: "Đội ta sẽ thắng thôi. Vì sao? Vì tớ là Yoon Hae Kang mà".
Mình thích cách In Sol và Hae Kang gọi nhau là "Đầu Rỗng" và "Tự Kỷ" nhưng lại đứng ra bảo vệ, giúp đỡ nhau. Khi In Sol bị xúc phạm là "Đồ dự bị", khi Hae Kang bị thương ở mắt. Yoon Dam, Woo Chan, Young Tae, những đứa trẻ dù rất chăm chỉ, ngoan ngoãn nhưng luôn tự ti và hoài nghi về khả năng của mình đã có 1 Yoon Hae Kang ở bên cạnh cổ vũ như thế đấy.
Bộ phim về những em bé cấp 2 thì chắc chắn không thể “nhồi nhét” sự lãng mạn yêu đương được rồi. Thay vào đó, là những rung động, cảm nắng đầu đời, những sự chần chừ và ngại ngần khi bất chợt thích một ai đó. Cách lũ trẻ nghiêm túc với tình cảm của mình, trân trọng đặt cột mốc "tỏ tình" với người ấy như một mục tiêu để phấn đấu và chiến thắng mới chân thành làm sao!
5. Thấu hiểu câu chuyện của nhau và chữa lành cho nhau
Dân làng Haenam, họ có thể không dễ thương ngay từ đầu: một bà già hay cằn nhằn cùng một ông chồng lãng tai, một ông trưởng làng quá hiền lành, một ajuma nóng nảy cực kỳ ghét "dân thành phố" cùng người mẹ câm của mình, họ đã "đón chào" vợ chồng hoạ sĩ theo những cách khác nhau. Bởi đã có người từng bị tổn thương và căm ghét những người ở phố, người ta cũng hiểu rằng ở quê thiếu thốn đủ thứ, nghèo và bất tiện nữa.
Sự ganh đua, cạnh tranh khốc liệt của cuộc sống vội vã nơi thành thị đã giết chết thứ gọi là "tình người", điều mà người dân ở vùng đất mũi Haenam ấy lại thật chan chứa. Có thể họ cộc cằn, bỗ bã, chẳng nhiều học thức để ra oai hay thể hiện với ai, họ quan tâm đến nhau bằng những hộp kim chi, những bữa ăn tự tay nấu cho con cháu, những lúc nhà ai đó xảy ra chuyện, những tình thương mến thương mà vật chất không bao giờ có thể sánh bằng.
"Em đã định đến đây để chết. Nhưng bây giờ em lại muốn sống thật tốt đẹp".
6. Đôi khi, trái tim con trẻ còn rộng lượng hơn cả người lớn
HLV Yoon, HLV Bae, cô Ra hay bố In Sol là những người thực sự quan trọng trong hành trình trưởng thành của những đứa trẻ. Họ thực sự là những người vì lũ trẻ, luôn bên cạnh rèn luyện, bảo vệ và chăm sóc cả tinh thần và thể chất của chúng. Nhưng đôi khi, họ vẫn mắc sai lầm.
Đó là khi HLV Yoon ngủ quên và khiến lũ trẻ không thể tham gia thi đấu dù chúng đã mong đợi, nỗ lực và chuẩn bị rất nhiều. Khi cô Ra đã sớm bỏ cuộc vì trong đội hình thi đấu không có Se Yoon. Khi HLV Yoon mắng và đuổi lũ trẻ đi vì nghĩ chúng đến tìm con trai mình chỉ vì muốn chiến thắng.
HLV Yoon hay cô Ra đều đã ăn năn, hối hận vì những điều đó, nhưng tất cả những gì lũ trẻ làm chỉ là cười toe, nói rằng mình ổn và chúng yêu thầy cô thật nhiều. Trẻ con đơn giản lắm. Nếu chúng đã yêu và ngưỡng mộ ai đó, chúng sẽ thể hiện ra mà không chút ngần ngại. Bao gồm cả việc sẵn sàng tha thứ.
>>> Xem thêm: Yuri (SNSD) hào hứng khi xuất hiện trong Racket Boys
Mình thực sự muốn cảm ơn biên kịch vì đã xây dựng hình ảnh các em nhỏ đúng với độ tuổi của chúng. Vẫn có sự ganh đua, ghen tị, hờn giận, những đứa trẻ vẫn toả sáng bằng sự hồn nhiên, vô tư, đầy tình cảm. Chắc vì mình đã xem nhiều phim và có cách suy nghĩ "phức tạp" của người lớn mất rồi, nên khi trong phim có một sự xích mích xảy ra, như khi Han Sol mắng Se Yoon sao chạy nhanh thế, chạy như vậy thì mọi người trong đội sao có thể đuổi kịp, nhưng ngay sau đó 2 đứa lại cười toe và động viên, an ủi lẫn nhau, mình đã rất ngạc nhiên kiểu "Sao lại thế được nhỉ?".
Em gái mình bảo "Phim của học sinh cấp 2 thôi mà nên chị nghĩ đơn giản thôi, chúng nó còn trẻ con và đáng yêu lắm". À phải rồi, là những đứa trẻ cấp 2, những đứa trẻ đến tầm tuổi choai choai nhiều phần thích tỏ ra giống người lớn ấy thực ra vẫn luôn là "em bé" của bố mẹ.
Đâu phải bộ phim nào cũng cần xây dựng theo hướng giật gân, plot twist ầm ầm hay có phản diện thì mới thu hút người xem? Vẫn sẽ có những bộ phim như thế này, nhẹ nhàng như một liều thuốc chữa lành. Chúng ta có thể bật khóc, bật cười với sự ngây ngô, giản đơn của những đứa trẻ và cùng lúc nể phục chúng thật nhiều vì những gì còn "sáng suốt hơn cả người lớn".
Mình nghĩ bộ phim còn nhiều giá trị hơn so với những gì bài viết này có thể thể hiện, mỗi chi tiết đều mang thật nhiều cảm xúc và ý nghĩa mà chắc chắn khi xem, bạn sẽ tự nhiên cảm nhận được. Nước mắt sẽ rơi, nhưng không phải vì sự đau đớn hay mất mát, mà đó là cảm nhận được nghĩa tình trong những điều giản đơn, nhỏ bé nhất.
Những đứa trẻ mới lớn gục ngã trên vai nhau sau những giờ phút cắn răng kiên cường trên sàn đấu, sự ăn năn hối lỗi của người lớn khi lỡ làm tổn thương những đứa con của mình, sự dè dặt, cam chịu của một đứa trẻ khi bố mẹ không ủng hộ những gì chúng yêu thích, sự tâm lý của lũ nhỏ khi chuẩn bị quà mừng thọ cho bà và nhiều hơn thế nữa.
Hãy yêu thương "Đội cầu lông thiếu niên" thật nhiều nhé, vì các em ấy xứng đáng!
>>> Xem thêm: Dòng phim healing bắt đầu có chỗ đứng riêng trên màn ảnh nhỏ Hàn
Bài đóng góp từ Sunflower gửi về cho DienAnh.net
Cùng Follow Phim Hàn Quốc để cập nhật những tin tức phim ảnh về chuyện hậu trường nhanh, chính xác nhất.
Facebook - bình luận