Space Jam bản gốc năm 1996 chính là tuổi thơ của cả một thế hệ, bao gồm bản thân mình. Ngôi sao bóng rổ hàng đầu Michael Jordan đã đồng hành cùng các nhân vật hoạt hình nhắng nhít của Looney Tunes để cống hiến một trận đấu gay cấn với người ngoài hành tinh. Một ý tưởng quá độc đáo mới lạ với đứa trẻ 11 tuổi như mình.
25 năm sau, lịch sử lặp lại. Warner Bros. đã mất ngần ấy năm để hồi sinh Space Jam, có lẽ do chờ đợi một tên tuổi ngang tầm với Jordan. Ừ thì LeBron James tài năng và nổi đình đám thật đấy. Tuy nhiên, về tính biểu tượng, mình thấy LeBron vẫn chưa sánh bằng Jordan. Sức hút trên màn ảnh cũng vậy.
Chính LeBron còn tự châm biếm: “Vận động viên đóng phim á? Chưa bao giờ là ý kiến hay.” Ở bản 1996, Jordan không phải diễn tình cảm với bất kỳ ai, anh được tập trung hơn vào sở trường bóng rổ. Còn bản 2021 này lại có subplot gia đình, nên buộc LeBron phải diễn xuất nhiều hơn.
LeBron không tệ chút nào. Nhìn chung tương tác khá thoải mái, không bị đơ. Nhưng xuất sắc thì chưa. Độ gắn kết giữa anh và “vợ con” chỉ vừa đủ cho có câu chuyện, chứ chưa thật sâu sắc.
Thông điệp “Hãy là chính mình” phù hợp với đối tượng vị thành niên, dù không mới. Ta sẽ nhận ra hầu hết mọi người cha đều như nhau. Ai chưa hoàn thiện được giấc mơ sẽ muốn con nối tiếp giấc mơ của họ.
Còn ai thành công rồi sẽ hướng con cái nối nghiệp. Họ không chịu hiểu rằng mỗi đứa trẻ đều có đam mê riêng, và họ cần tôn trọng điều đó. Kể cả con có giỏi nhiều môn, quan trọng nhất là nó muốn gì, chứ không phải phụ huynh muốn gì.
Nhờ các nhân vật hoạt hình, LeBron mới trở nên bớt cứng nhắc, dần thả lỏng và chịu “have fun” hơn. Dù có một số sáng tạo nhất định, mình vẫn thấy các chiêu trò lần này còn hiền quá, chưa điên hết khả năng có thể.
Từ Looney trong Looney Tunes vốn dĩ đã mang nghĩa “điên rồ”, và ngày xưa mình thích xem Bugs Bunny và đồng bọn vì chúng nó siêu nhắng nhít (tương tự Tom & Jerry), chứ chả phải vì bài học đính kèm nào cả. Giáo dục hãy để Disney lo.
Đoạn hay nhất phim chính là lúc LeBron được cartoon hoá khi bước vào thế giới phi logic của chú thỏ Bugs. Một phần vì anh không cần diễn xuất nữa, chỉ lồng tiếng thôi. Cả 2 đã cùng nhau đến với thế giới của DC Comics, Harry Potter, Mad Max, The Matrix, Casablanca, Game of Thrones… để tìm kiếm đồng đội. Đi tới đâu, nhập vai tới đó. Thú vị phết.
>>Xem thêm: A Classic Horror Story: Quá rùng rợn máu me
Khi trận đấu diễn ra, cameo xuất hiện còn rầm rộ hơn nữa. Tha hồ mà soi các tên tuổi đình đám của nhà WB: chú hề Pennywise trong IT, bọn Gremlins, RoboCop, gia đình tiền sử The Flintstones, hội Scooby-Doo, Gandalf, Frodo và Gollum từ Lord of the Rings, The Mask… Có điều, xem phim mà ta để ý cameo hơn cả nhân vật chính thì hơi kỳ ha.
À, vai phản diện được thể hiện bởi một siêu anh hùng nhà Marvel. Thâm phết.
Chốt: Vui tươi và vô hại, nhưng dễ quên.
Robbey’s rating: 8 / 10
>>>Xem thêm: Kingdom: Ashin of the North: Jun Ji Hyun tái xuất, phim kịch tính hơn
*Bài viết của Robbey gửi về DienAnh.Net
Theo dõi DienAnh.Net để cập nhật tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận