Với nền tảng được xây dựng từ phần phim đầu tiên năm 2017 cũng như bốn mùa phim truyền hình dài tập trên Netflix, The Boss Baby: Family Business được mong chờ sẽ có một câu chuyện chắc chắn và hấp dẫn. Thế nhưng, bộ phim của Tom McGrath thật sự đáng thất vọng.
Phần phim thứ hai lấy bối cảnh 30 năm sau khi Tim và Ted trưởng thành. Lúc này, người anh đã có gia đình với cô vợ Carol và hai người con gái còn cậu em trở thành một doanh nhân thành đạt và bận rộn với công việc của mình. Hai anh em nhà Templeton không còn thân thiết với nhau từ lâu trong khi mối quan hệ giữa Tim và cô con gái lớn Tabitha đang dần trở nên xa cách.
Tim trở nên lạc lõng nhớ về tuổi thơ rồi bất ngờ anh phát hiện Tina cũng là một “nhóc trùm” như em trai mình ngày xưa và cần sự giúp đỡ của Ted. Khi Ted tới, hai anh em được giới thiệu về một nhiệm vụ đặc biệt và với công nghệ mới mà BabyCorp đã phát triển giúp biến thành trẻ em trong vòng 48h, cả hai đã cùng với Tina giải quyết vấn đề.
Mình thấy bộ phim khá tốt trong khoảng 30 phút đầu tiên khi giới thiệu và xây dựng câu chuyện với một nhịp điệu vừa phải nhưng phần còn lại mọi thứ trở nên quá hỗn độn. Nhịp phim trở nên nhanh bất thường với hàng loạt các cảnh được chuyển cắt liên tục khiến người xem khó lòng nắm bắt được tình tiết cũng như nội dung mà biên kịch muốn truyền tải.
Hơn nữa, nội dung phim cũng trở nên khá lan man khi câu chuyện được phân bổ một cách không hợp lý trong hai hành trình riêng biệt của Ted và Tim ở giữa phim. Việc các cảnh phim được chuyển qua chuyển lại liên tục và gấp gáp giữa hai nhân vật này khiến mình cảm thấy cả hai tuyến truyện đều hụt hẫng và chưa đủ hấp dẫn. Bộ phim chỉ ổn trở lại vào 20 phút cuối cùng khi hai anh em bắt đầu hành động cùng nhau.
Dù vậy, đoạn kết của bộ phim cũng không thật sự tốt để kéo bộ phim đi lên khi phản diện và mâu thuẫn chính được giải quyết khá hời hợt. Cách đội ngũ biên kịch xây dựng hình tượng tiến sĩ Armstrong với mục đích và tham vọng khá là ngô nghê như kiểu họ cho rằng đây là phim hoạt hình nên không cần đầu tư vào nhân vật phản diện. Nếu so sánh với The Mitchells vs. The Machines cũng ra mắt trong năm nay với một dung tương tự,The Boss Baby: Family Business đúng là một đứa trẻ chưa phát triển hoàn toàn về mặt trí tuệ.
Một điểm yếu khác của bộ phim đáng được nhắc đến đó là việc các chi tiết gây cười được thêm vào mọi tình huống nhưng chúng kém hài hước và đôi khi khá là vô duyên. Đặc biệt các phân cảnh đuổi bắt không hề đặc sắc và rất thiếu sáng tạo. Xuyên suốt bộ phim, mình chỉ bật cười được một lần khi Wizzie được Tim tìm thấy và màn đối đáp của cả hai khi gặp lại nhau gợi lại sự vui nhộn trong phần phim đầu tiên.
Giọng lồng tiếng của Baldwin với chất giễu cợt quen thuộc trong vài năm qua trên Saturday Night Live với nhân vật Donald Trump cũng không thể giúp bộ phim khá khẩm hơn chút nào. Phần âm thanh cũng không gây được ấn tượng trong khi nhạc nền thì khá là nhạt nhẽo và lộn xộn cũng như không phù hợp với các tình tiết.
Điểm sáng duy nhất của The Boss Baby: Family Business có lẽ là đồ họa hình ảnh dù kinh phí sản xuất có thấp hơn phần một. Chuyển động của các nhân vật vẫn mượt mà và khá sắc nét. Phân cảnh đáng chú ý nhất khi Tim bước vào thế giới tưởng tượng để động viên Tabitha có can đảm đứng trước sân khấu. Đội ngũ sáng tạo đã vẽ ra một thế giới nhỏ nhắn đầy màu sắc và hấp dẫn hơn thế giới thực trong phim cũng như không màu mè và chói lóa một cách khó chịu như thế giới của BabyCorp.
Tổng kết, mình đánh giá The Boss Baby: Family Business nhìn chung là một bộ phim có nội dung kém hấp dẫn và nhiều thiếu sót trong khâu kịch bản nhưng phần hình ảnh bắt mắt và các chuyển động liên tục góp phần gây nên sự thích thú cho trẻ nhỏ.
>>>Xem thêm: David Harbour xác nhận rằng Stranger Things đã được "renew" cho Mùa 5
Bài viết được Nguyễn Nguyễn gửi về cho DienAnh.net
Theo dõi DienAnh.net để cập nhật tin tức phim ảnh mới và chính xác nhất.
Facebook - bình luận