Có một bộ phim mà mình rất thích chính là The Sandman. Phim là câu chuyện kể về Dream (hay còn được biết đến với danh xưng chúa tể Morpheus), một trong bảy thành viên nhà Endless, những thực thể quyền năng tồn tại từ thuở hồng hoang, đại diện cho bảy khía cạnh của cuộc sống theo đúng như tên gọi của họ, bao gồm: định mệnh, cái chết, giấc mơ, phá hủy, tham vọng, tuyệt vọng và mê sảng.
Trong một lần đến nhân gian, Dream đã bị gã pháp sư quỷ quyệt bắt giữ suốt một thế kỷ, gián tiếp khiến vương quốc của anh bị sụp đổ và gây ra đại họa ở thế giới loài người. Từ đây, Dream phải tìm cách lấy lại những gì đã mất đồng thời giữ cho vũ trụ được an toàn trước những âm mưu của kẻ xấu.
Thành thực mà nói, ấn tượng đầu của mình đối với The Sandman không tốt cho lắm. Phim đem lại cảm giác khá khó chịu ngay từ cái tỷ lệ khung hình kỳ quặc, khiến cho gương mặt các diễn viên cứ dài thườn thượt. Cộng thêm cái màu phim u ám và có hơi thở hao hao những bộ phim truyền hình thập niên 2000 càng khiến kỳ vọng của mình thấp dần.
Đó là về phần thẩm mỹ. Xét đến yếu tố kịch bản, phải đến một nửa số tập của The Sandman được kể theo lối anthology, tức là các câu chuyện tồn tại độc lập và hầu như không có tác động qua lại gì đến nhau. Điều này xem chừng có vẻ không phải là hướng đi đúng đắn vì nó vẫn xoay quanh hành trình của nhân vật chính Dream với sứ mệnh mà anh đang theo đuổi. Việc tách bạch khiến các tập phim trở nên rời rạc và có phần thừa thãi, trong khi khán giả vẫn phải xử lý một lượng lớn thông tin cũng như nhân vật. Câu chuyện nền của họ vì thế mà cũng không có cơ hội được thể hiện rõ mà chỉ lướt qua nhằm làm chướng ngại vật cho chúa tể Morpheus.
Bên cạnh nhân vật chính, The Sandman còn giới thiệu một vài gương mặt khác của nhà Endless là Death, Desire và Despair. Nhưng sự xuất hiện của họ thay vì đem đến sự tò mò lại khiến mình cực kỳ khó hiểu, cứ như thể đó là điều hiển nhiên đã có từ trước mà không dành ra chút thời gian nào để làm quen vậy.
Ví dụ như tập phim giới thiệu Death, cô bước vào câu chuyện trong khi khán giả chưa hiểu rõ đây là nhân vật nào, nguồn gốc ra làm sao. Những gì chúng ta biết chỉ là sơ qua về tính cách ân cần, chu đáo của Death, khác xa so với tưởng tượng về sự mất mát và mình thấy đây là cách xây dựng nhân vật rất thú vị.
Hay thậm chí là với người em Desire và chúa tể địa ngục Lucifer, dường như họ tồn tại mâu thuẫn rất sâu sắc với Dream nhưng lại chưa được làm rõ. Phải chăng nhà sản xuất muốn để dành điều này cho mùa 2?
Như mình đã nói ở trên, kể chuyện theo lối anthology là điểm yếu lớn nhất của The Sandman. Điều này càng được chứng minh khi ở những tập cuối, biên kịch tập trung khai thác một câu chuyện thống nhất. Nó đủ dài, đủ lớp lang, đủ tình tiết để dẫn dắt khán giả đi từ vấn đề này sang vấn đề khác, chứ không hề bị cụt lủn như các tập trước đó. Nói cách khác, mặc dù có màn khởi đầu không mấy ấn tượng, nhưng càng về sau The Sandman càng chiếm được cảm tình của mình nhờ lồng ghép rất khéo léo những triết lý sâu xa mà nhân vật chính phải ghi nhớ.
Vị trí trung tâm của The Sandman tất nhiên phải thuộc về nhân vật Dream và thật tuyệt vời đây là một điểm cộng lớn mà series này làm được. Xuyên suốt 10 tập phim, khán giả nhìn thấy rõ sự phát triển của anh. Từ một vị chúa tể cao ngạo, độc đoán và lạnh lùng, sau khi nhìn nhận cuộc sống dưới lăng kính của nhiều đối tượng khác nhau, Dream dần thay đổi để trở nên mềm mỏng hơn trong các quyết định của mình và mở cửa trái tim để đón nhận tình cảm của người khác.
* Bài viết của Châu Hải Bình chia sẻ tại box Mọt phim Review
Facebook - bình luận