Escape From Mogadishu (Thoát Khỏi Mogadishu) là bộ phim đề cập đến yếu tố chính trị, kể về cuộc nội chiến ở Somalia. Vậy nên, dĩ nhiên Thoát Khỏi Mogadishu không có yếu tố giải trí hay tình cảm, phim sẽ đi sâu vào cuộc chiến nảy lửa và những sự rối ren của các nhà ngoại giao Hàn Quốc, Triều Tiên trước biến động của thời cuộc.
Thoát Khỏi Mogadishu lấy chất liệu từ sự kiện có thật diễn ra ở Somalia năm 1991. Khi đó, các nhà ngoại giao từ Triều Tiên và Hàn Quốc đang ở Mogadishu tranh giành lá phiếu của Somalia để quyết định xem Hàn Quốc có được gia nhập Liên Hiệp Quốc hay không. Thoát Khỏi Mogadishu đã tái hiện được những nỗ lực của đại sứ Han (Kim Yoon Seok thủ vai) - người Hàn Quốc nhằm thu hút nhà độc tài Mohamed Siad Barre - người Somali. Tuy nhiên, đại sứ Han đã gặp rất nhiều cản trở trên hành trình này bởi sự xuất hiện của sự hiện diện của đại sứ quán Triều Tiên - cựu chiến binh Rim (Huh Joon Ho thủ vai).
Sự kiện bùng nổ của Thoát Khỏi Mogadishu chính là khi Barre bị lật đổ, thủ đô Mogadishu rơi vào tình trạng vô chính chủ. Trong lúc đó, những người Triều Tiên đến gõ cửa nhà người Hàn Quốc để cầu xin cứu trợ. Sau đó họ đã cùng nhau lên đường thoát khỏi cuộc nội chiến khốc liệt này.
Với những ai đã xem Black Hawl Down của Ridley Scott sản xuất vào năm 2001 thì mình nghĩ sẽ khó có thể nào quên được cảm giác sợ hãi thống trị trong bộ phim đó. Thoát Khỏi Mogadishu đã gợi nhớ cho mình đến không khí ngột ngạt và sợ hãi như trong Black Hawl Down những năm về trước.
Thoát Khỏi Mogadishu được thực hiện sau 30 năm diễn ra sự kiện thực tế. Nó đã trở thành một bộ phim bom tấn thật sự vì độ đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng từ mặt hình ảnh cho đến nội dung. Việc tạo dựng được bối cảnh, nơi diễn ra trận chiến kinh hoàng đó là một thử thách lớn cho đạo diễn Ryoo Seung Wan nhưng rất may là anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó. Ryoo Seung Wan cũng là một cựu chiến binh, vậy nên anh có thể hiểu rõ được những diễn biến trong câu chuyện và tái tạo lại một Mogadishu cực kỳ chân thực.
Điểm cộng cho Thoát Khỏi Mogadishu là dù cho xuyên suốt bộ phim là những trận chiến khốc liệt, là khói lửa, tiếng “đùng đùng” của những màn gây hấn với nhau nhưng yếu tố con người vẫn được đặt lên hàng đầu. Thoát Khỏi Mogadishu vẫn cho nhân vật của mình đủ đất diễn để thể hiện bản thân, bất chấp những pha hành động dữ dội.
>>> Xem thêm: Lý giải sức hút của Cherry Magic, vì sao nhẹ nhàng nhưng vẫn lôi cuốn?
Phần đầu phim của Thoát Khỏi Mogadishu đã làm rất tốt việc giới thiệu nhân vật. Thoát Khỏi Mogadishu đã xây dựng tình huống quan liêu khá đời thường nhưng đặt vào đó bối cảnh sinh tử. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt cho bộ phim.
Hai diễn viên Kim Yoon Seok và Jo In Sung đã thể hiện tốt những diễn biến tâm lý khá phức tạp trong vai diễn của mình. Nó đi từ sự thao túng tâm lý một cách tàn nhẫn đến khi cả hai thật sự thấu hiểu đồng cảm cho nhau. Quá trình này tất nhiên không hề dễ dàng, họ cũng phải trải qua rất nhiều biến cố nhưng rồi cũng đi được đến cái đích trọn vẹn.
Dù là phim chính trị, hành động pha lẫn chút yếu tố giật gân nhưng Thoát Khỏi Mogadishu đã có sự pha trộn cực kỳ khéo léo giữa những thể loại đó để tạo ra điểm thú vị riêng. Với một bộ phim tái hiện lại lịch sử có vẻ sẽ rất khó để tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn thì Thoát Khỏi Mogadishu đã làm mình vô cùng bất ngờ khi có thể thể hiện được điều đó. Cách kể chuyện lắt léo, biết chỗ “gieo” và “gặt” đúng cách, Thoát Khỏi Mogadishu đã khiến mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác một cách vô cùng tự nhiên.
Nhịp độ của Thoát Khỏi Mogadishu cũng có sự tăng tiến, biến chuyển cho phù hợp tạo sự căng thẳng, hồi hộp xuyên suốt bộ phim. Những màn xung đột giữa những toán người không rõ họ tên cũng có sự dịch chuyển từ kịch liệt trong phạm vi nhỏ ra toàn cảnh và đẩy lên cao trào ở gần cuối.
Sự căng thẳng trải dài trong toàn bộ Thoát Khỏi Mogadishu đa số đến từ những màn tác động vật lý theo diện rộng một cách thường xuyên. Đạo diễn Ryoo đã giữ được nhịp phim căng thẳng âm ỉ cho đến khi nó kết thúc trong phân cảnh cuối cùng vô cùng thú vị.
Điểm khiến cho Thoát Khỏi Mogadishu lôi cuốn trong từng thước phim nữa chính là cách phim sử dụng thủ thuật thị giác. Khi máy quay lướt qua những chiếc xe chống đạn tồi tàn, những phân cảnh người dân chạy trốn khỏi những kẻ đang tấn công họ, những cuộc trò chuyện bí mật trong màn đêm,... tất cả đều có những góc máy riêng để kể câu chuyện đó. Góc máy nào cũng có dụng ý nghệ thuật riêng.
>>> Xem thêm: Hạ Cánh Khẩn Cấp và những phim về đề tài sự cố máy bay
Cũng chính sự dồn dập trong Thoát Khỏi Mogadishu khiến mình cảm thấy có phần chạnh lòng khi xem mặc dù đây không phải là câu chuyện xảy ra ở đất nước mình. Cách mà Ryoo kể câu chuyện về chính trị của đất nước Hàn Quốc có tính phổ quát cao, khiến mình cũng phần nào cảm được về tình trạng rối ren và những gì mà những nhà ngoại giao của nước bạn đang gánh chịu.
Qua Thoát Khỏi Mogadishu, mình cũng cảm nhận được ước mơ thống nhất hòa bình của Ryoo. Thủ pháp đối lập - kể câu chuyện về những gì tang tóc, đau thương để thể hiện một khát khao nối lại hòa bình đã được Ryoo miêu tả rất tốt trong Thoát Khỏi Mogadishu. Thoát Khỏi Mogadishu cũng lên án những cuộc chiến phi nghĩa đe dọa sự sống của người và vấn đề đạo đức với những chính trị gia.
Với mình, Thoát Khỏi Mogadishu là một bộ phim thể hiện được thông điệp vô cùng mạnh mẽ, nó có sức nặng và tác động vào mặt tư tưởng của người xem. Là bộ phim lịch sử thuộc thể loại hành động, giật gân nên những pha hành động trong Thoát Khỏi Mogadishu phải gọi là cực kỳ mãn nhãn dù mình cảm thấy rất đau lòng khi xem. Chỉ có điều, vì Thoát Khỏi Mogadishu là phim nói về chính trị của Hàn Quốc nên đôi khi sẽ có một vài chỗ khó hiểu và khó cảm. Thêm nữa là Thoát Khỏi Mogadishu nặng tâm lý và thuần chính trị nên mình nghĩ cũng sẽ kén người xem.
* Bài viết của Lọ Lem chia sẻ tại box Phim Hàn Quốc
Nếu bạn quan tâm đến tin tức mới nhất về những bộ phim sắp chiếu , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Escape From Mogadishu (Thoát Khỏi Mogadishu)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận