Tác phẩm Perfect Strangers lần đầu tiên ra mắt vào năm 2016 dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Paolo Genovese người Italy. Sau đó, bộ phim này đã được làm lại tới 19 lần ở nhiều nền điện ảnh lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Tay Ban Nha, Pháp, Hàn Quốc...
Câu chuyện của phim tuy đơn giản nhưng khiến tôi phải ấn tượng bởi cách mà đạo diễn biến tấu bữa ăn giữa những người bạn thân thành trò chơi lột trần bản chất con người. Tôi đoán rằng cũng bởi sự thành công đó mà phim được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chọn để remake trong năm 2020. Nhưng đối với tôi, đây là bộ phim trung thành tuyệt đối với phiên bản… Hàn Quốc thay vì bản gốc Ý. Chính vì thế, những tính sáng tạo và Việt hóa của phim cũng khiến tôi cảm thấy hụt hẫng.
Tôi đọc các trang tin thì thấy họ viết Tiệc Trăng Máu là tác phẩm remake từ nguyên tác Ý. Nhưng theo cảm nhận của tôi - người đã xem qua một số phiên bản của Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Hàn Quốc, thì đây đích thị là bản Việt hóa trung thành của Intimate Strangers (2018) Hàn Quốc.
Nội dung phim kể về bữa tiệc tân gia của một nhóm bạn thân chơi với nhau từ nhỏ. Trong bữa tiệc, họ gợi ý trò chơi tất cả phải công khai bí mật trong điện thoại, bao gồm tin nhắn, email, cuộc gọi đến, thông báo ứng dụng có trong buổi tối đó. Và từ đây, những bí mật bắt đầu được phơi bày.
Chẳng khó để tôi nhận ra Tiệc Trăng Máu là phiên bản trung thành tuyệt đối với phim Hàn Quốc từ diễn biến, lời thoại, nhân vật, thậm chí là bối cảnh. Điều này khiến tôi cứ ngỡ như mình đang bắt đầu với một phim Hàn được Vietsub. Tôi xem mà cứ nghĩ lần này Nguyễn Quang Dũng phải chăng trở nên lười hơn, khi sử dụng sự sáng tạo của người Hàn trong từng chi tiết so với nguyên tác Ý. Đây chắc chắn là một điều không hay ho gì. Nói thật, đã mua bản quyền về remake thì nên làm sao để có chất Việt. Và bộ phim đã làm tôi khá là thất vọng.
>>> Xem thêm: Thiên Thần Hộ Mệnh: Nữ chính Trúc Anh hóa ra là người oan nhất
Cũng may là Nguyễn Quang Dũng đã tạo ra nét riêng bằng những yếu tố giải trí. Sự hài hước của Tiệc Trăng Máu được làm nổi bật bởi cặp vợ chồng Thu Quỳnh (Thu Trang) và Bất Bình (Thái Hòa). Họ cùng với nhau cộng hưởng để tạo ra những phút giây giải trí, đồng thời cũng tạo nên xung đột khiến bộ phim thêm phần kịch tính. Tôi có lời khen dành cho 2 diễn viên này bởi cách biến hóa cảm xúc của họ linh hoạt, khiến cho tôi dễ bị cuốn theo cảm xúc của phim cũng như nhân vật.
Các diễn viên còn lại cũng tròn vai đấy, tạo được nét riêng cho nhân vật. Kiều Minh Tuấn vẫn làm tốt hình tượng một gã trai đào hoa, sở khanh, thế nhưng không biết có phải vì nam diễn viên đóng quá nhiều vai như vậy không, mà đến bộ phim này, đôi chỗ tôi cảm thấy anh khá đơn điệu, với nét diễn hơi lố.
Trong khi đó, người bạn đồng hàng của anh là Kaity Nguyễn tuy có sự tiến bộ nhưng vẫn chưa thực sự khiến vai bác sĩ thú ý Kathy được mềm mỏng, uyển chuyển. Trong những câu thoại khi đối chấp với Kiều Minh Tuấn, Kaity tỏ ra bản thân hơi nghèo nàn về biểu cảm.
Nhưng sang Hứa Vĩ Văn - Hồng Ánh, cặp đôi dường như bị xây dựng lép vế hơn hẳn so với 2 cặp còn lại. Ngọc Quang của Hứa Vĩ Văn bị lu mờ. Nhất là chi tiết đắt giá khi anh đưa ra lời khuyên cho con gái để giải tỏa mâu thuẫn giữa vợ chồng, chưa được anh tái hiện thành công. Trong khi Nguyệt Ánh của Hồng Ánh có đất diễn hơn và cô cũng làm tốt trong việc đem lại nội tâm sâu sắc, đa chiều.
>>> Xem thêm: Hai Phượng, Tèo Em và loạt phim Việt trên Netflix cho mọt phim
Nói tóm lại, tôi sẽ dành cho Tiệc Trăng Máu số điểm là 6/10. Đây là lựa chọn ổn với những ai đang muốn tìm phim để giải trí. Nhưng để trở thành một phiên bản hoàn hảo thì ê-kíp làm phim vẫn cần sự sáng tạo và đầu tư hơn. Bởi suy cho cùng, thành công hiện tại của phim vẫn cơ bản dựa trên miếng bánh ngon mà các phiên bản trước đã vẽ sẵn ra.
*Bài đóng góp của Hoa Le gửi về DienAnh.Net.
Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức mới nhất về làng giải trí nhé!
Facebook - bình luận