Nếu là người đam mê dòng phim tâm lý xã hội của Hàn Quốc thì bạn nhất định không nên bỏ qua tác phẩm điện ảnh A Girl At My Door (Cô Bé Nhà Bên), bộ phim từng tranh giải hạng mục Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) tại Liên hoan Phim Cannes 2014.
Chuyện phim bắt đầu khi nữ cảnh sát trẻ Lee Young Nam (Bae Doo Na) chuyển công tác từ thủ đô Seoul về vùng quê hẻo lánh ven biển để nhận chức đồn trưởng. Tại đây cô gặp gỡ cô bé Do Hee (Kim Sae Ron) thường xuyên bị bố dượng và bà bạo hành về thể xác và tinh thần. Từ đó Do Hee liên tục tìm đến Young Nam cầu xin cô giúp đỡ mình thoát khỏi những áp bức tàn bạo của gia đình, bởi lẽ người dân ở đây đều thờ ơ và phớt lờ vì cha cô là người có tiếng nói nhất định trong làng.
>> Xem thêm: Phim Hellbound của Yoo Ah In và Kim Hyun Joo có hay không?
Có thể nói bạo lực gia đình không còn là điều quá mới mẻ trong vũ trụ điện ảnh Hàn nói riêng và cả thế giới nói chung, dẫu vậy A Girl At My Door chỉ bằng một vài phân cảnh đơn giản nhưng được dàn dựng gãy gọn và chân thật vẫn khiến mình không khỏi xót xa cho số phận của cô gái nhỏ. Mặt khác chính những tổn thương nặng nề đã tích tụ và dồn nén quá lâu ấy phần nào là nguồn cơn hình thành nên tính cách có phần méo mó sau này của Do Hee.
Tuy nhiên, điều khiến mình ấn tượng nhất ở bộ phim là khi những bí mật đằng sau việc thuyên chuyển của Young Nam được hé lộ. Có lẽ ít ai biết rằng trước khi The Handmaiden (Người Hầu Gái) của đạo diễn lừng danh Park Chan Wook gây chấn động bởi những thước phim bạo liệt về đồng tính nữ, A Girl At My Door đã là một bức tranh giàu cảm xúc và đầy ám ảnh về đề tài này.
Ngay từ đầu phim, Young Nam hiện lên là một cô gái có vẻ ngoài cứng rắn nhưng thực ra sâu bên trong lại chất chứa quá nhiều tâm sự chẳng thể bày tỏ cùng ai, vì vậy rượu là giải pháp duy nhất để cô tạm quên đi nỗi đau luôn không ngừng dai dẳng. Một người phụ nữ với nỗi lòng nặng trĩu lại vô tình gặp được bé gái cũng đang gánh chịu sự ghẻ lạnh tột cùng thì như một lẽ tất yếu, sẽ muốn cưu mang, chăm sóc và bảo bọc đứa trẻ đáng thương như thế.
Tuy nhiên điều rất đỗi bình thường ấy nhanh chóng trở nên bất thường trong mắt kẻ khác khi người ta phát hiện Young Nam là người đồng tính. Đó cũng là lý do khiến cô bị luân chuyển cũng như chịu sự kỳ thị từ chính những đồng nghiệp trong ngành. Chưa dừng lại ở đó, những định kiến nghiệt ngã về giới tiếp tục đẩy cô trở thành kẻ dụ dỗ trẻ vị thành niên, biến hết thảy những tình thương trong sáng mà cô dành cho Do Hee lại trở thành động cơ ám muội.
Vậy nên bất luận cô có giải thích thế nào, cảnh sát cũng chỉ nhìn thấy việc cô đưa Do Hee vào nhà, cởi áo của bé để xem vết thương hay tắm cùng cô bé là nhằm thực hiện hành vi “bệnh hoạn” của mình, đơn giản vì họ đã mặc định ngay từ đầu rằng bởi xu hướng tình dục của cô như vậy nên mọi thứ đều đáng ngờ, đều là phạm pháp.
Màn trình diễn thuyết phục của Bae Doo Na đã mang về cho cô Giải thưởng Điện ảnh châu Á cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong một vai diễn hoàn hảo không chê vào đâu được. Kinh nghiệm diễn xuất dày dặn giúp cô chẳng mấy khó khăn để khắc hoạ thần thái u buồn, khắc khổ của người đã quá quen với việc chôn giấu cảm xúc, kìm nén và nhẫn nhịn bao lâu nay.
Đáng chú ý không kém chính là sự thể hiện của diễn viên nhí Kim Sae Ron khi ấy chỉ mới 14 tuổi nhưng liên tục làm mình kinh ngạc bởi khả năng hoá thân xuất thần trong mọi khung hình. Đỉnh điểm chính là phân cảnh Do Hee lập mưu tống người “bố hờ” vào tù và để cứu Young Nam thật sự quá đỗi rợn người, khiến mình không ngừng tự hỏi sao một cô bé nhỏ tuổi đến thế lại có thể hoàn thành một cảnh quay khó nhằn như vậy. Kim Sae Ron qua đó cũng nhận được giải thưởng danh giá Nữ diễn viên mới xuất sắc nhất tại Blue Dragon Film Awards lần thứ 35 và Golden Cinematography Awards.
Từ câu chuyện của hai nhân vật, bộ phim còn khéo léo gửi gắm những bất công đầy phi lý vẫn đang âm thầm tồn tại trong những xã hội nam quyền. Đó là khi cả Young Nam lẫn Do Hee đều là những thân phận yếu thế nhưng thay vì nhận được sự bảo vệ đúng nghĩa, họ lại phải đối mặt với sự phân biệt đối xử lẫn xa lánh của cộng đồng.
Điểm đáng tiếc duy nhất của bộ phim A Girl At My Door: Cô Bé Nhà Bên có lẽ là vấn đề lao động nhập cư bất hợp pháp bị lợi dụng vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được giải quyết triệt để khiến mình khá hụt hẫng. Thế nhưng bỏ qua một chút thiếu sót ấy thì theo mình, đây vẫn là một tác phẩm cực kỳ đáng xem về những vấn đề nhức nhối trong xã hội, với những dư âm rõ nét hẳn sẽ còn đọng lại trong bạn thật nhiều kể cả khi phim đã kết thúc.
>> Xem thêm: 10 phim hài lãng mạn Hàn Quốc làm fan Nhật mê nhất
*Bài viết của Hoài Trinh gửi về DienAnh.Net.
Mê mệt những phim ngôn tình lãng mạn thì hãy truy cập mạng xã hội DienAnh.net để cập nhật tin tức siêu nhanh nhé.
Facebook - bình luận