Bản chất của những dòng phim kinh dị là tạo nên nỗi sợ hãi và gây ám ảnh khán giả sau khi rời khỏi rạp phim. Ấy vậy mà Bồ Cũ vẫn chưa thể làm được điều đó, ít nhất đối với mình.
Bồ Cũ là tác phẩm điện ảnh của Nga được đạo diễn bởi Evegeniy Puzyrevskiy nói về hậu quả cho những hành động bồng bột của tuổi trẻ. Điển hình là Sasha, một thanh niên có cuộc sống ổn định, bạn bè lý tưởng và một cô bạn gái hết mực yêu thương anh là Katya, cả hai dự định sẽ tổ chức đám cưới trong tương lai sắp tới.
Một ngày nọ, Sasha vô tình nhận được bức ảnh giường chiếu của cậu và cô bạn gái năm 16 tuổi, tấm ảnh vô tình để Katya thấy được và từ đây hàng loạt những chuyện kì bí diễn ra xoay quanh cuộc sống của Sasha và Katya.
Nếu bạn hỏi mình thấy phim này như thế nào thì mình sẽ trả lời đây là bộ phim kinh dị tệ nhất mình từng xem, khuyên mọi người không nên dành hẳn một tiếng rưỡi vào rạp vì ngồi chờ tới đoạn hấp dẫn mình nhất thì chắc lúc đó dòng credit cuối phim hiện lên.
Bộ phim hoàn toàn không có after-credit nhưng kết phim thì là plot twist và bắt buộc mọi người phải xem từ lúc đầu. Hầu hết 15 phút đầu là nội dung chính và mấu chốt của mọi vấn đề đều được đạo diễn đặt để hết trong đó.
>>> Xem thêm: Người Lắng Nghe: Thông điệp hay nhưng vẫn không cứu nổi phim
Điểm ấn tượng là Bồ Cũ cài cú twist ở đoạn kết phim nhưng mình đánh giá hiệu ứng này chưa đủ thuyết phục vì mọi thứ diễn ra chỉ là dựa theo trí tưởng tượng của nhân vật chính, và khi sử dụng kỹ xảo tăng tốc vào cảnh cuối thì vô tình lại không có một cái tiêu đề hay thuyết minh 1-2 câu, chỉ là khung cảnh đó, diễn xuất đó và kết thúc.
Tính tổng quan cả bộ phim chỉ vỏn vẹn có tám nhân vật nhưng lại không làm rõ chi tiết câu chuyện của các nhân vật khác, chẳng hạn như cặp đôi bạn thân của hai nhân vật chính, hay nhân vật người mẹ của cô gái tự tử. Ekip sản xuất hoàn toàn đủ khả năng khai thác triệt để câu chuyện và đào sâu tính cách, tâm lý của ba người này vì nói đúng hơn thì đây là ba tuyến nhân vật nắm phần quan trọng giải thích vì sao tình huống truyện lại xảy ra như vậy!
Đây là một điều khá tiếc cho bộ phim, giá như thời lượng có thể lược bớt một số phân cảnh không cần thiết và bù vào đó là xây dựng tính cách ba nhân vật này thì bộ phim có lẽ tốt hơn phần nào.
Nếu được so sánh tác phẩm Bồ Cũ mình sẽ đánh giá nó giống một buổi tiệc tự chọn. Đạo diễn tạo ra khá nhiều tình huống nhưng lại xuất hiện vỏn vẹn vài giây như tạo sự hù dọa đến mình. Có khá nhiều chi tiết dư thừa và thậm chí hết sức vô lý trong phim, nhiều khi mục đích đạo diễn dàn dựng lên bối cảnh như vậy để tăng độ kinh dị cho phim này chăng?
Nhất là cảnh Katya bị hồn ma tác động vật lí và nhập viện điều trị. Nhưng, bệnh viện không khác gì một viện tâm thần, không gian hiu hắt như thể bị bỏ hoang mấy chục năm và cả một bệnh viện duy nhất một bác sĩ và rồi chỉ vài phân cảnh lại biến mất nhân vật “bí ẩn” đấy.
>>> Xem thêm: Turning Red: Cười hô hố nhưng vẫn cảm xúc lắm nha!
Hơn nữa, mình tự hỏi vì sao hồn ma cô gái lại giết Zenya và Oleh. Nếu cho rằng Oleh tự làm bản thân bỏng và chết thì có thể lí giải, nhưng Zenya đâu có tội, thậm chí Katya còn không biết mối quan hệ lén lút của Sasha và Zenya nữa. Và một chi tiết có lẽ khiến nhiều người ức chế giống mình là vì sao lại sử dụng tấm gương để dọa hồn ma? Ngược lại tấm gương như một đạo cụ hỗ trợ năng lực của bóng ma. Đây là điểm mình thấy khá dư thừa và vô lý trong phim.
Bồ Cũ sở hữu một ý tưởng khá hay khi xoay quanh thông điệp về tình bạn, tình mẫu tử, tình yêu và tính hai mặt của mạng xã hội ngày nay. Trong phim có một chi tiết khi Katya cùng bạn trai mình ngăn chặn vụ bạo hành phụ nữ ngay trên đường, cô đã lấy điện thoại quay lại người tấn công ấy và ở cảnh Sasha đang quan hệ với Katya thì góc máy được đặt ngay một chiếc máy tính xách tay đang sáng màn hình với những thông tin trên mạng xã hội được cập nhật liên tục về đoạn phim Katya quay trước đó. Điều này phần nào lên án việc lạm dụng mạng xã hội và sử dụng nó như một công cụ tạo giá trị cho bản thân mỗi người.
>>> Xem thêm: Chuyến Phiêu Lưu Trời Ơi Đất Hỡi: Phim tấu hài, coi cười rồi thôi
Hơn nữa, tính phi thực tế có lẽ là điểm trừ lớn nhất của phim khiến mạch phim không được logic chặt chẽ cũng như làm cho mình cảm thấy mọi thứ đều “ảo ảo”. Xuất hiện một vài tình tiết nhưng lại không được giải quyết triệt để, không giải đáp được những câu hỏi đặt ra trong đầu mình. Vì thế, mặc dù Bồ Cũ sở hữu một ý tưởng khá “trù phú” song khi xem phim, mình bị hụt hẫng ở một vài chỗ, cảm giác hoàn toàn không liên quan nhau. Với mình, bộ phim không hay như những gì mình mong đợi!
Lấy chủ đề quen thuộc là mặt trái của mạng xã hội và bản chất tối tăm của chiếc điện thoại di động, bộ phim phơi bày được việc con người ngày một sống cho công nghệ để tôn giá trị bản thân lên và luôn sẵn sàng “Record” bất cứ lúc nào.
Điểm cộng cho bộ phim là không lạm dụng tính jump-scared và phim đã làm tốt ở việc để mọi tình tiết kinh dị diễn ra một cách tự nhiện mặc dù còn khá nhẹ tay, màu sắc của phim nổi bật là màu xanh đặt giữa khung cảnh lạnh giá của nước Nga, phần nào tạo cho mình cảm giác lạnh lẽo và hồi hộp khi xem phim này.
Nếu để chọn một tác phẩm không quá nặng đô về mặt kinh dị như Hereditary hay The Conjuring thì Bồ Cũ vẫn là một trong số các phim bạn có thể tìm hiểu. Còn để là một siêu phẩm về mặt điện ảnh của nước Nga thì đây không phải là cái tên lọt vào danh sách vàng của vũ trụ kinh dị.
Bạn đã xem Bồ Cũ chưa, hãy để lại cảm nhận ở phần bình luận nha.
*Bài viết của Bánh Đúc gửi về DienAnh.Net.
Xem đầy đủ thông tin và nhiều bài review hay về Bồ Cũ tại Thư Viện Phim.
Facebook - bình luận