x

Đăng nhập

Comming soon...

Review phim

Việt

Bố Già: Bộ phim hiếm hoi được đánh giá số điểm CỰC PHÊ

Nguyễn Anh Tuấn 13:30 - 15/03/2021

Nhiều người hẳn đã xem phim này rồi và cũng đã đọc không ít review. Nay nhân một ngày trời yên biển lặn, sếp vui vẻ, đồng nghiệp mời nước, tâm trạng lênh đênh nên viết vài dòng cảm nhận về bộ phim khá nổi tiếng mấy ngày nay: Bố Già.

Chào các bạn, thời điểm bài này được viết ra thì Bố Già theo cái cách mà nhà sản xuất gọi là "chiếu sneak show" (chiếu sớm) được 7 ngày và đạt doanh thu lên đến 150 tỷ. Phòng cho ai không biết thì bộ phim có doanh thu cao nhất Việt Nam là Hai Phượng với con số 200 tỷ. Bài viết của mình sẽ không spoil những chi tiết quan trọng nên những ai đã xem rồi có thể xem để ngẫm lại và những ai chưa xem hoàn toàn có thể cân nhắc có nên bỏ tiền ra để tăng thêm con số 150 tỷ kia hay không.

Bố Già là câu chuyện về tình cảm giữa người với người

Bố Già là một trong những phim hiếm hoi được kênh Phê Phim đánh giá số điểm CỰC PHÊ, tức là số điểm cao nhất theo thang điểm của kênh này, theo mình biết từ lúc kênh thành lập tới nay, số phim được kênh chấm điểm tối đa đếm chưa hết được 1 bàn tay! Nhưng cũng không ít khán giả có phản ứng theo kiểu "phim cũng thường thôi", "phim có gì đâu mà cũng khóc lóc". Vậy thực ra chất lượng của Bố Già như thế nào, có phải Phê Phim ngậm tiền của nhà sản xuất để khen phim như nhiều thuyết âm mưu của cộng đồng mạng hay không? Có thể bài viết này sẽ giúp bạn phần nào trả lời được những câu hỏi đó. Okay, bắt đầu thôi!

Đầu tiên mình muốn khẳng định với các bạn, Bố Già không phải một bộ phim xuất sắc, nâng tầm điện ảnh hay đột phá tiên phong gì cả. Thực tế, xét về kỹ thuật làm phim, Bố Già có khá nhiều điểm trung bình, thậm chí là hơi yếu kém nếu bạn là một khán giả khó tính. Ngay từ đoạn bắt đầu vào phim, ngoại trừ đoạn Oneshot giới thiệu nhân vật được trình chiếu tràn lan như một đoạn trailer trước đó ra, thì phim có một sự dẫn dắt hơi thiếu chặt chẽ và kém hấp dẫn. 

Nếu bạn là một người thích những bộ phim phải cuốn hút ngay từ đầu thì KHÔNG, Bố Già không làm được điều đó, câu chuyện phim đặt ra cũng không quá rõ ràng để bạn có thể biết được là mình sẽ mong chờ điều gì tiếp theo, đó là điểm mạnh và cũng là điểm yếu khi vừa tạo ra sự tò mò nhưng lại cũng khiến khán giả bị xao lãng đi khỏi câu chuyện phim. Các góc máy trong phim cũng không đậm chất điện ảnh mà thậm chí còn hơi "phèn" theo hướng web drama. 

Một cảnh phim trong web drama Bố Già.

Một điều mà mình khẳng định với các bạn, đặc biệt là các bạn đã xem qua bản web drama thì ở đây, bản Bố Già điện ảnh không kể câu chuyện nghèo khổ! Ngạc nhiên kia chưa? Bởi vì ai xem qua trailer hay có hình dung về bộ phim đều nghĩ, đây sẽ lại là câu chuyện về những khó khăn, nghèo khó, túng thiếu của một xóm lao động và cái nghèo phát sinh mọi vấn đề trong phim nhưng KHÔNG! Bố Già bản điện ảnh không nghèo khổ, không khố rách áo ôm, không nợ nần chồng chất, trái lại thậm chí còn đi trả nợ giùm người khác! Mọi chuyện ở đây dần trở nên thú vị hơn rồi phải không? Vậy nếu không lấy cái nghèo làm trọng tâm thì phim sẽ bôi ra những thứ gì để có thể giữ chân và lấy đi nước mắt của khán giả? Đó chính là tình thân, tình gia đình, tình anh em, tình cha con… Bố Già là câu chuyện về tình cảm giữa người với người.

Mình muốn trích một câu nói mà mình rất thích để nói về bộ phim: "Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của bạn quá dễ dàng… thì chắc chắn có ai đó đang gánh phần khó khăn cho bạn". Câu chuyện phim của Bố Già là một bức tranh muôn màu rất đời mà ở đó con người vẫn đang âm thầm ngày ngày gánh đi phần khó khăn cho nhau. Câu chuyện hai bố con ông Sang và Quắn nó đời đến mức mà mình tin chắc ai đó cũng sẽ bắt gặp mình đâu đó trong hình dáng hai bố con, họ yêu thương nhau vô bờ bến, nhưng họ không nói ra, họ chỉ âm thầm hành động. 

Nếu bố và con gái kiếp trước là tình nhân, thì bố và con trai kiếp trước chính là kẻ thù, nên kiếp này họ phải sống cùng nhau, yêu thương nhau một cách đầy thù địch, luôn quan tâm đến nhau nhưng thay vì họ nói, họ lại chửi, thay vì họ khen, họ lại chê, thay vì thể hiện ra, họ lại chọn im lặng để chịu đựng. Tình cảm của bố con là thế, nhiều lắm, bao la lắm nhưng khó nói ra. Phim có những tình tiết insight đến mức mà khi xem, mình như kiểu “Ủa bố mình đây mà”. Có cảnh ông Sang sáng dậy đi làm thì chuẩn bị sẵn một dĩa mì để ngay bàn cho thằng con trai dậy ăn. Ở nhà mình, mấy hôm mình nghỉ làm, thường ngủ dậy rất trễ, ba mình trước khi đi làm cũng mua sẵn khi thì hộp xôi, khi thì hộp cơm để khi thức dậy mình có đồ để ăn… Mình không phải fan Trấn Thành, có những cái ở Trấn Thành mình thích, nhưng có những cái mình không thích. 

Bố Gìa thể hiện diễn xuất ăn ý của dàn diễn viên

Mình chưa bao giờ đánh giá cao Trấn Thành ở lĩnh vực điện ảnh cả, mình từng viết review dài như cái sớ để chửi một bộ phim trăm tỷ khác là Cua Lại Vợ Bầu. Nhưng với Bố Già thì khác, Trấn Thành của Bố Già bản điện ảnh có thể là một minh chứng rõ ràng cho việc mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp nếu bạn làm nó hết sức mình. Vai diễn ông Sang trong phim không xuất sắc đến mức có thể cầm 1 tượng vàng Oscar, nhưng nó khiến mình tin! Mình tin đây là một ông bố tảo tần nuôi hai đứa con vất vả được thủ vai bởi 1 diễn viên với tuổi đời chỉ bằng nửa so với vai diễn trong phim, mình tin và đó là một thành công. Trấn Thành đã trưởng thành rất nhiều trong diễn xuất, biết tiết chế, biết xử lý những cảm xúc 1 cách nhuần nhuyễn, dù đôi lúc có nhiều đoạn khán giả sẽ thấy hơi quá lố. Nhưng biết sao được, đây là một phim drama mà, dàn diễn viên đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, Tuấn Trần đã tiến bộ rất nhiều, và Lê Giang, vâng có lẽ đây là lần đầu tiên mình thích một vai diễn của Lê Giang! 

Kể từ sau đoạn đầu trở đi, phim gần như đã bắt được nhịp và khiến chúng ta quan tâm đến câu chuyện của các nhân vật hơn, để rồi bị cuốn vào nó lúc nào không hay. Kịch bản phim nếu so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt thì thật sự tốt quá tốt, rất tốt. Bố Già có thể xem là một bộ phim có phần kịch bản che lấp mọi khuyết điểm khi khán giả gần như có thể bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt để đắm mình vào những vấn đề mà nó bày ra, thỉnh thoảng dường như bạn tưởng rằng mình cũng là một nhân vật trong phim và phải suy nghĩ vấn đề này phải làm sao đây, giải quyết thế nào để tốt nhất đây, và nếu không giải quyết được bạn cũng buồn, cũng thương, cũng khóc cùng nhân vật.

Vâng KHÓC! Nhiều người nói họ khóc rất nhiều khi xem phim, nhiều người khác lại kiểu "có cái vẹo gì đâu mà khóc". Đầu tiên mình phải rạch ròi ra 1 vấn đề đó là trải nghiệm, trải nghiệm của mỗi người là rất khác nhau. Nếu họ khóc vì phim thì có nghĩa là phim có tình tiết gì đó chạm đến trái tim, đến cảm xúc của họ, họ thấy được mình đâu đó trong phim, hay thấy được chính cuộc sống của mình trong đó, vì thế bộ phim đã đạt được mục đích. Chính vì vậy, không có gì là xấu hay quá lố khi bạn khóc cả. Còn những người không khóc có thể bạn không cảm được, có thể bạn chưa từng trải qua nên không thể khiến bạn cảm thấy cảm động nhưng hãy tôn trọng cảm xúc của người khác dành cho bộ phim, đừng phát ngôn những câu kiểu "có vậy cũng khóc", rồi đi mỉa mai bộ phim bởi những thành kiến của bạn dành cho diễn viên chính của phim, đó là vô cảm, đó là vô văn hóa và thiếu hiểu biết.

Kịch bản phim đáng khen ở chỗ rất biết cách thao túng cảm xúc người xem khi bạn vừa cười đó, có thể sẽ khóc ngay, hay đang chuẩn bị rơi nước mắt thì lại phải bật cười. Đây là 1 con dao hai lưỡi khi nhảy múa với cảm xúc khán giả, với nhiều người thì không sao, nhưng một số khác sẽ cảm thấy cảm xúc của mình bị gãy khúc. 

Bố Gìa: Thước phim đẹp, có đầu tư và chi tiết đậm chất “đời" mang đến nhiều cảm xúc

Tuy nhiên xét về mặt bằng chung, đây không phải phim REMAKE nên đây có thể xem là một trong những kịch bản gốc xuất sắc nhất mà Việt Nam từng có, đây là điều đáng ghi nhận. Về phần quay phim, tuy các góc máy không quá xuất sắc, sáng tạo nhưng ekip đã tận dụng triệt để các cú longshot. Đoạn mở đầu không phải đoạn longshot duy nhất, trải dài suốt phim là rất nhiều các cảnh quay longshot đối thoại của nhân vật. 

Người xem sẽ bị cuốn vào những cảnh quay đối thoại luyên thuyên không dứt, làm nhịp phim kéo bạn đi theo. Bạn không thể lo ra mà buộc phải căng tai lên để nghe được đầy đủ những xung đột trong đó. Điều này đòi hỏi diễn xuất tập luyện của các diễn viên phải cực nhiều và nhuần nhuyễn, vì chỉ trật một nhịp, sai một câu thoại là phải quay lại từ đầu toàn bộ, một kỹ thuật tốt từ quay phim cho đến diễn xuất, để phần nào giúp nhà sản xuất đạt được ý đồ của mình trong việc khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình. 

Longshot được sử dụng cho các phân cảnh đối thoại, tranh cãi giữa hai cha con.

Thật sự với một thằng cục súc như mình thì phim khiến mình chảy nước mắt không dưới hai lần, mình thừa nhận chuyện đó. Biết làm sao được khi mình cũng trạc tuổi cậu Quắn trong phim, cũng có những người cha, người mẹ hằng ngày tần tảo vì mình. Nói thật mình thấy mình quá sướng, cuộc sống mình dễ dàng lắm, nhưng mình ý thức được nó dễ dàng bởi vì cha mẹ đã gánh đi phần khó khăn cho mình rất nhiều.

Đi làm về có cơm ăn, quần áo có người giặt… cho nên thời đại học lúc nào mình cũng rất nể phục các bạn sinh viên cùng lứa phải xa nhà lên đây học tập, họ không có cha mẹ ở cạnh họ vẫn có thể sống tốt và trưởng thành được. Và các bạn có thể không rơi nước mắt khi xem phim, bạn có nhận ra được một sự thật là dù bạn có kiếm ra bao nhiêu tiền, dù bạn có làm gì đi nữa, bạn cũng không thể ngăn được một sự thật là cha mẹ của ta ngày một già đi và rồi sẽ không còn ở bên cạnh ta không? 

Sự thật luôn ở đó, chỉ là chúng ta vô tình quên nó đi nên chúng ta vẫn hời hợt, vẫn thiếu sự yêu thương với cha mẹ chúng ta hằng ngày, mà thậm chí chúng ta còn không biết. Bộ phim sẽ cho ta thấy được những cảnh hết sức đời nhưng là viễn tưởng ngay trong chính đời sống thật của ta, như việc: ta không thể nói ta thương cha mẹ thế nào, ta khó nói lời xin lỗi với cha mẹ như thế nào, và ta có thể làm đến những gì để có thể giữ cha mẹ ta lại càng lâu càng tốt. Nhiều lắm, nhiều thứ chúng ta không làm được lắm và chính vì vậy, mình tin rằng rất rất nhiều người cũng thấy người cha người mẹ của mình trong đó, thấy từng sợi tóc ngày một bạc hơn, thấy từng cái ho ngày một nhiều hơn.

Đến một lúc nào đó, cha mẹ sẽ không còn biết phương hướng mục tiêu của bạn là gì nữa để dạy dỗ chỉ bảo, tất cả những gì họ có thể làm là cầu mong cho bạn luôn khỏe mạnh và ngày một già đi.

Từ lúc ra trường đi làm tới nay, thật sự không nhiều lần đâu, nhưng mỗi lần mình thay đổi chỗ làm, ngày đầu tiên mình đi làm ở chỗ mới, các bạn biết mẹ mình làm gì không, mẹ chẳng nói chẳng rằng gì cả, chỉ âm thầm đi thắp nhang rồi đốt một nén nhang kêu mình thắp lên bàn thờ...

Còn rất nhiều khuyết điểm ở Bố Già như xử lý tình huống chưa chuẩn, hay tình tiết drama có phần cố tình hơi nặng nề, nhưng mình tin rằng bỏ qua những thứ ấy, Bố Già là một câu chuyện đủ đời, đủ đậm, đủ sâu để bạn có thể nhìn lại những vị đấng sinh thành của mình mà hiểu ra rằng… chúng ta còn rất nhiều thời gian, nhưng cha mẹ thì không. Và chính vì lẽ đó, Bố Già không phải một bộ phim hoàn hảo, nhưng là một thông điệp hoàn hảo dành cho bất cứ ai còn có người thân bên cạnh.

Vậy Hà Hồ có nói: "Phim này nếu ai không đi coi chứng tỏ sống rất hời hợt với cuộc đời" là sai. Nhưng thật ra nếu bạn đang sống hời hợt, đang cảm thấy hời hợt, đang cảm thấy không yêu thương cha mẹ mình thì hãy đi xem phim này, biết đâu bạn sẽ bớt hời hợt hơn?.

Bởi vì nay họ còn đó, mai họ đã đi rồi...

Bố Già - 9.0/10

Bố Già có đáng xem không?

“Mình thấy phim rất đời, nên nếu không kỳ vọng nó quá cao siêu thì chắc chắn sẽ chạm đến được trái tim người xem.”

“Anh Trấn Thành diễn xuất rất hay, rất đa tài nhưng mình nghĩ anh ấy chỉ nên dừng ở các lĩnh vực ấy thôi ạ, đừng lấn sân sang ca sĩ làm gì, hát nghe như sắp tắt thở.”

“Theo mình, phim chỉ ở mức tạm được chứ không phải hay. Thấy mọi người review thần thánh hoá. Nhiều chỗ thiếu logic và không giải quyết được vấn đề, dài dòng nữa. Vẫn đáng để mọi người mua vé ra rạp xem giải trí nha. Nhưng đừng tin quá vào những lời PR phim rồi khi xem sẽ thấy không như mong đợi ý.”

* Bài viết do độc giả gửi về DienAnh.Net.

Đừng quên cập nhật những thông tin mới nhất về làng giải trí Việt tại DienAnh.Net nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Làm Giàu Với Ma: Phim kinh dị còn nhiều thiếu sót của Hoài Linh

Nga Cao

Nga Cao

“Làm giàu với ma" - phim có Tuấn Trần, NSƯT Hoài Linh đóng chính kết hợp phong cách tình cảm - gia đình với kinh dị.

Quỷ Ăn Tạng (Tee Yod): Vẫn giữ được sự rùng rợn của nguyên tác

Nga Cao

Nga Cao

Quỷ Ăn Tạng xứng danh là bộ phim kinh dị "nặng đô" đạt doanh thu cao nhất tại "Xứ Chùa Vàng", phim vẫn giữ được những điều cốt lõi của câu chuyện nguyên tác.

Quỷ Cẩu: Truyền tải được nhiều thông điệp nhưng làm kỹ xảo chưa tốt

Lindo

Lindo

Quỷ Cẩu có nội dung chỉn chu, quy tụ dàn diễn viên thực lực của cả hai miền Nam - Bắc nhưng phần hiệu ưng, kỹ xảo của phim được làm chưa thực sự tốt.

Một Mình Vẫn Ổn't: Tình đầu tan chảy chậm rãi với nhiều dư vị

Nga Cao

Nga Cao

Bộ phim gây ấn tượng với cốt truyện đơn giản nhưng gởi gắm nhiều thông điệp sâu sắc cùng hương vị tình đầu tan chảy chậm rãi trong từng thước phim.

Đế chế Napoleon: Thiên sử thi hoành tráng nhưng còn nhiều thiếu sót

Nga Cao

Nga Cao

Joaquin Phoenix đầy mê hoặc khi hóa thân thành hoàng đế nước Pháp lừng danh trong siêu phẩm của Ridley Scott - Đế chế Napoleon.

Cô giáo em là số một: Thiện chiến thắng ác trong môi trường học đường

Nga Cao

Nga Cao

Cô Giáo Em là Số 1 - Brave Citizen: Quá trình “thực hiện công lý” của cô giáo trung học mang đến cho khán giả những cảm xúc sảng khoái và dễ chịu.