Đem về doanh thu hơn 200 tỷ đồng sau 9 ngày chiếu và đón nhận luồng phản ứng tích cực về nội dung, song Bố Già vẫn khiến tôi cảm thấy bức bối và chỉ muốn đưa tay giật bộ râu giả của Ba Sang. Không hiểu lý do gì, một bộ phim với mức kinh phí gần 1 triệu đô, không ngại vung tiền cho những góc quay đẹp mắt, những cú máy dài và khó, cần xây dựng bối cảnh đắt đỏ, tốn kém lại sử dụng một bộ râu “giả trân” như vậy. Tôi đoán rằng nó chính là nguồn cơn khiến nhiều khán giả cũng cảm thấy mất hứng trong rạp.
>>> Xem thêm: Trấn Thành khẳng định không có ý nói "xem Bố Già là có vấn đề tâm lý"
Trước hết, nói về Bố Già, tôi dành lời khen cho sự chỉn chu trong kịch bản. Cuộc sống gia đình của những con người trong nơi hang cùng ngõ hẻm giữa một đô thị hoa lệ được hiện ra chân thực, gần gũi. Tuy bộ phim đầy ắp những câu thoại, nhân vật nói quá dài và dai, thiếu khoảng trống để tôn lên vẻ đẹp của khung hình, nhưng dẫu sao Bố Già vẫn mang đến những xúc cảm và lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi mang đến câu chuyện về gia đình, tình phụ tử đầy xúc động.
Từ bối cảnh, trang phục, kịch bản cho đến diễn xuất, mọi thứ đều được Trấn Thành đầu tư, chăm chút rất tỉ mỉ và chân thực trừ bộ râu của anh. Có phải vì mải mê chăm sóc cho các nhân vật mà ông Ba Sang phải đeo đại một bộ râu giả hay không. Nhìn bộ râu mà tôi cảm thấy tức trong lòng, chỉ muốn đưa tay giật xuống. Bởi nó khiến mọi sự cố gắng hiện thực hóa bối cảnh dường như vô nghĩa. Nếu là sân khấu thì không nói nhưng với điện ảnh, bất cứ chi tiết “giả trân” nào cũng có thể khiến bộ phim mất điểm trong lòng người xem.
>>> Xem thêm: Bố Già của Trấn Thành có gì mà khiến sao Việt khóc "lụt" phòng vé?
Ông Ba Sang - nhân vật chính do Trấn Thành thủ vai là điểm sáng nhất trong bộ phim, với những góc quay cận. Những nét biểu cảm của nam diễn viên, thể hiện được diễn biến trong nội tâm nhân vật. Tất cả mọi thứ đều chân thực cho tới khi tôi nhìn vào bộ râu. Bản thân tôi nghĩ rằng không khó để nuôi một bộ râu thật, giúp hoàn thiện nhân vật hơn. Một sự đầu tư rất đơn giản như vậy cho nghệ thuật nhưng ê-kíp cũng không để ý, liệu bộ phim có đang quá dễ dãi với khán giả không?
Trên thế giới không thiếu những diễn viên nổi tiếng từng hy sinh nhiều hơn thế cho nghệ thuật. Như ngôi sao Hollywood gạo cội - Tom Hanks từng cạo đầu để đóng bộ phim về cuộc đời Elvis Presley. Ông sẵn sàng hy sinh mái tóc để nhập vai một cách tốt nhất, cho dù đó chỉ là vai phụ. Hay như nữ diễn viên Anne Hathaway, để tham gia phim Les Misérables, cô đã cắt mái tóc bồng bềnh của mình đến tận tai, chỉ với mục đích duy nhất là lột tả chính xác nhân vật đang đảm nhận.
Một nam nghệ sĩ khác khiến tôi ngưỡng mộ đó chính là Joaquin Phoenix. Ông chú U50 này có thể biến hóa thành đủ mọi thể loại vai. Cắt tóc, nuôi râu đã là gì, nam diễn viên còn lập chế độ ăn uống hà khắc để giảm 23kg nhằm phục vụ cho dự án phim như Gladiator hay Mary Magdalene.
Nam tài tử Hollywood yêu thích của tôi - Christian Bale - người từng khiến hàng triệu con tim thổn thức vì nhan sắc mỹ miều của mình cũng không ngại “hành xác”, giảm liền 30kg để vào vai gã thợ máy mất ngủ triền miên trong The Machinist. Sau dự án này, anh tiếp tục tham gia bộ 3 phim về Người dơi của Christopher Nolan. Điều này buộc anh phải tăng từ 55kg lên 80kg trong khoảng thời gian ngắn.
Những sự cố gắng để có thể hóa thân vào nhân vật của các ngôi sao trên thế giới khiến bản thân tôi cảm thấy ngưỡng mộ và cảm phục vô cùng. Chính sự hy sinh đó của họ khiến cho bộ phim trở nên chân thực hơn bao giờ hết, từ đó chạm tới và đánh thức cảm xúc của người xem.
Những lý do này khiến tôi cảm thấy có một sự thất vọng thoáng qua về bộ râu giả của Trấn Thành. Có lẽ bộ phim sẽ tuyệt vời hơn nếu có một bộ râu thật, hoặc ít nhất “không hề giả trân”.
*Bài viết do độc giả đóng góp với DienAnh.Net
Đừng quên cập nhật những thông tin mới nhất về làng giải trí Việt tại DienAnh.Net nhé!
Facebook - bình luận