Nhắc đến TVB, ngoài hàng chục bộ phim kinh điển xem đi xem lại không chán, thì Nhật Nguyệt khẳng định nhiều bạn còn nghĩ ngay đến thói tiết kiệm của nhà đài khi xài đi xài lại quần áo, trang sức cũ. Mà đã nhắc đến chuyện này thì sao mà thiếu được chén con gà, món đạo cụ xuất hiện trong hàng trăm bộ phim, từ cổ trang đến dân quốc hay hiện đại... Đến mức, người ta coi đây là "linh vật" của TVB, mang nó ra để trêu chọc nhà đài.
>>> Xem thêm: Quách Thiện Ni: Hoa hậu TVB hạnh phúc dù cưới trai nghèo, một tay chăm cả nhà chồng
Tuy nhiên, mới đây, Nhật Nguyệt lại đọc được một bài phân tích về chén con gà và minh oan cho TVB. Người ta khẳng định, lý do nhà đài dùng chén con gà không phải vì keo kiệt mà là bởi nó mang một ý nghĩa đặc biệt có giá trị to lớn về mặt văn hóa mà TVB luôn muốn lưu giữ.
Đầu tiên nói về kinh phí, hay chuyện tiết kiệm trước nhé. Thực tế, chén gà trống có thể coi là loại vật dụng có tên tuổi ở Quảng Đông và Hồng Kông nên giá không phải là rẻ nhất như người ta đồn đoán. Thực tế, vẫn có những loại bát trơn, không hoa văn mua theo lố còn tiết kiệm hơn rất nhiều. Vì vậy, yếu tố này không chính xác.
Hay nhiều bạn lầm tưởng TVB chỉ có một cái chén con gà và xài đi xài lại suốt 30 năm. Điều này cũng không hề đúng. Thực tế, nếu nhìn vào hình ở trên, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra cùng là con gà nhưng các họa tiết và nét vẽ không hề giống nhau. Điều này chứng tỏ, tổ đạo cụ TVB đã rất chỉn chu và cẩn thận, chỉ là chúng ta không hề nhận ra mà thôi.
Năm 2014, một chiếc chén con gà thời vua Thành Hóa nhà Minh đã được bán đấu giá thành công. Và người mua nó đã trả khoản tiền lên đến 280 triệu HKD (~815 tỷ đồng). Chỉ một cái chén nhỏ với họa tiết con gà đơn giản nhưng lại có giá trên trời, chừng ấy đủ để chúng ta biết, chén con gà không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị văn hóa rất lớn.
Lùi về quá khứ, chén con gà này cũng từng gây chấn động Hồng Kông vào năm 1980. Giá giao dịch của nó lớn đến mức khiến cả thế giới xôn xao. Và nhiều người phát hiện ra, "linh vật" này được TVB bắt đầu sử dụng trong Anh Hùng Xạ Điêu bản 1981.
Khi đó, cũng có nhiều câu chuyện dã sử xoay quanh cái chén con gà này và hoàng đế Minh Hiến Tông - Chu Kiến Thâm. Tương truyền, hoàng đế Chu Kiến Thâm khi nhìn thấy một bức tranh vẽ cảnh gà mẹ đưa các con đi ăn đã rất xúc động. Ông xót thương cho tuổi thơ đau khổ của mình khi cha là hoàng đế nhưng hết bị địch bắt rồi bị em nhốt vào lao, mẹ lại không thể bảo vệ mình. Ông sai thợ làm cái chén có cả gà trống, gà mái và gà con, tượng trưng cho gia đình hạnh phúc, hòa thuận, êm ấm mà bản thân luôn kỳ vọng.
Trong dân gian, chén con gà được lưu truyền với ý nghĩa tương tự là mong muốn gia đình luôn hòa thuận, ấm no và hạnh phúc. Vì cái chén tượng trưng cho cơm, có chén nguyên vẹn nghĩa là ngày ngày có cơm để ăn.
Còn con gà là loài vật tượng trưng cho sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Ngày ngày, người nông dân cứ canh lúc gà gáy sáng để ra đồng, chiều tối chờ gà lên chuồng mới nghỉ ngơi. Ở nhiều nơi, chén con gà trống còn được coi là "chén lập nghiệp", tượng trưng cho khát vọng làm giàu.
Suốt hàng trăm năm, thói quen này được nhiều gia đình lưu giữ. Những năm 60 ở Hồng Kông và Quảng Đông, đi đến đâu người ta cũng bắt gặp chén con gà, từ những quán ăn bình dân ở vỉa hè cho đến gian bếp của những gia đình bình thường.
Nó là ký ức, là tuổi thơ của hầu hết thế hệ khán giả TVB nên nhà đài vẫn luôn muốn giữ gìn giá trị dân gian và đưa chén con gà vào hầu hết các bộ phim của mình. Tuy nhiên, vì hoa văn con gà na ná nhau nên nhiều bạn lầm tưởng
>>> Xem thêm: Chén con gà 30 năm và những món đạo cụ là biểu tượng cho sự tiết kiệm của TVB
Thế mới thấy, chỉ là một cái chén với họa tiết con gà trống thôi mà đã ẩn chứa trong đó những câu chuyện dài đầy ý nghĩa. Và như thế, Nhật Nguyệt lại càng nể phục TVB cùng tổ đạo cụ của họ khi vẫn cố gắng giữ gìn văn hóa truyền thông và truyền tải nó thông qua các tác phẩm của mình.
*Bài đóng góp của Nhật Nguyệt gửi về DienAnh.Net
Là fan của TVB thì vào mạng xã hội DienAnh.net để xem thêm nhiều bài viết hay nha.
Facebook - bình luận