Dạo gần đây, dân tình không khỏi xôn xao trước phát ngôn của Tiến sĩ Khoa học Đoàn Hương khi đụng chạm tới các cuộc thi nhan sắc, thẳng thắn khuyên người trẻ “đừng mơ về nghề hoa hậu”. Phát ngôn này của nữ Tiến sĩ khiến cho một loạt Hoa hậu, Á hậu đã đồng loạt đăng tải hình ảnh với dòng caption là các câu ca dao, tục ngữ về cách ăn nói kèm hashtag #AnNoiCoDuyen (ăn nói có duyên), như một cách để phản pháo vấn đề.
Trong vấn đề này, tôi chẳng bênh ai vì rõ ràng để định ra người đúng kẻ sai là điều rất khó. Quả thật lời nói của vị Tiến sĩ Khoa học rất nặng nề, nhưng có nhiều điều bà nói cũng hợp lý. Nhất là trong một buổi định hướng tương lai cho sinh viên, thì lời khuyên của bà đâu có thừa.
Rõ ràng, chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế rằng hiện nay các cuộc thi nhan sắc như một hình thức tiến thân của các cô gái trẻ. Họ bon chen để được đi thi Hoa hậu, nhiều người khi đạt được một danh hiệu rồi thì nhanh chóng lấy chồng, yêu đại gia hoặc dấn thân vào showbiz, bỏ dở chuyện học hành hoặc mặc kệ trách nhiệm với xã hội - thứ mà họ đã liên tục hứa hẹn khi chưa được chạm tới vương miện. Về lâu về dài, khán giả dần dần mất đi niềm tin vào các cuộc thi nhan sắc lẫn các người đẹp.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, không phải ai đi thi Hoa hậu cũng vì danh vọng, tiền tài. Rất nhiều trong số đó là những người phụ nữ thông minh, có học thức và luôn theo đuổi con đường tri thức chân chính. Và đó cũng là số ít những Hoa hậu mà tôi cảm thấy yêu mến, ngưỡng mộ.
Hoa hậu Việt Nam 1988 - Bùi Bích Phương
Năm 1988, khi còn đang là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh của Đại học Tổng hợp, Bùi Bích Phương (1971) đã chinh phục ngôi vị Hoa hậu Việt Nam đầu tiên bằng nhan sắc ngọt ngào và nền tảng học vấn tốt. Sau khi đăng quang, cô nhận học bổng toàn phần di học Hàn Quốc và theo học Thạc sĩ Quản trị Kinh Doanh tại Đại học Quốc gia Seoul. Khi trở về nước, cô trở thành cán bộ đối ngoại của Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật.
Thay vì thi nhan sắc để tiến thân, Hoa hậu Việt Nam như một nơi để người đẹp thử sức và chứng minh vẻ đẹp ngoại hình lẫn trí tuệ của bản thân. Nên tôi không lấy làm lạ khi cô quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học tập và trở thành một vị Thạc sĩ tài năng, đóng góp cho quê hương đất nước.
Hoa hậu Việt Nam 1990 - Nguyễn Diệu Hoa
Đây có lẽ là người đẹp có học vấn khủng nhất và thành công nhất trong lịch sử Hoa hậu Việt Nam. Người đẹp Nguyễn Diệu Hoa thử sức với cuộc thi nhan sắc khi còn là sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Cô vốn xuất thân trong gia đình gia giáo, có truyền thống giáo dục nên chẳng ngạc nhiên khi cô lựa chọn chăm chỉ học tập sau khi đăng quang.
Mà đâu chỉ học 1-2 trường, sau khi hoàn thành chương trình tại Đại học Ngoại ngữ, người đẹp tiếp tục học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Viện Công nghệ châu á (AIT) Thái Lan. Sau đó, cô lập gia đình và sinh con. Tuy nhiên, nàng hậu vẫn không từ bỏ đam mê học tập mà cố gắng giành được tấm bằng Tiến sĩ. Đồng thời, cô cũng là người đẹp thông thạo nhiều ngôn ngữ nhất, cô có thể nói lưu loát tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Ấn và tiếng Thái như người bản xứ.
>>> Xem thêm: Dàn người yêu mới của hội bạn Chi Pu - Quỳnh Anh Shyn hậu drama
Hoa hậu Việt Nam 1996 - Nguyễn Thiên Nga
Khi còn là sinh viên năm 2, Đại học Ngoại thương TP.HCM, người đẹp Nguyễn Thiên Nga tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1996 và đăng quang ngôi vị cao nhất. Cô sở hữu đôi mắt to tròn, sống mũi cao cùng gương mặt thon gọn, khiến bao trái tim say mê. Sau đó, cô tiếp tục trở thành đại diện của Việt Nam đi thi Hoa hậu Hữu nghị Thế giới năm 1999 do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức.
Không chỉ xinh đẹp, mà Nguyễn Thiên Nga còn là cô gái thông minh, mạnh mẽ, quyết đoán và hiểu biết sâu rộng. Đến năm 2001, cô quyết định sang Mỹ du học và theo đuổi ngành Kinh tế tại Đại học San Jose, rồi lấy luôn tấm bằng Thạc sĩ danh giá tại đây.
Hoa hậu Việt Nam 2004 - Nguyễn Thị Huyền
Trong số các Hoa hậu Việt Nam, Nguyễn Thị Huyền có lẽ là người khiến tôi có nhiều thiện cảm nhất bởi cô sở hữu vẽ đẹp dịu dàng, nữ tính, phúc hậu đậm chất Á Đông. Hồi đăng quang Hoa hậu Việt nam 2004, người đẹp đang theo học trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Thời điểm đó, tôi nghĩ rằng nhiều người đã bắt đầu tận dụng cơ may đi thi nhan sắc để dấn thân vào showbiz, nhưng Nguyễn Thị Huyền lại chọn sang Anh du học, theo đuổi ngành báo chí tại Đại học Middlesex (London) với học bổng toàn phần. Trở về nước, cô vẫn tiếp tục làm nghiên cứu sinh để lấy bằng Tiến sĩ.
Hoa hậu Việt Nam 2012 - Đặng Thu Thảo
Hồi mới đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2012, “thần tiên tỷ tỷ” Đặng Thu Thảo từng bị bạn cùng lớp đăng đàn tố cáo không thi tốt nghiệp hệ trung cấp mà vẫn có bảng điểm. Sau đó, người đẹp đã phải lên tiếng giải thích rõ ràng rằng cô xin đặc cách thi tốt nghiệp sớm hơn và được nhà trường thông qua.
Mặc dù khởi đầu không mấy suôn sẻ, nhưng đến thời điểm hiện tại, người đẹp Bạc Liêu đã có trên tay tấm bằng Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh. Thậm chí, chương trình của nàng hậu theo học được dạy 100% bằng tiếng Anh, nên đủ biết trình độ của cô như thế nào rồi.
>>> Xem thêm: Hoa hậu Mai Phương Thúy và hành trình 15 năm thay đổi nhan sắc
Nhìn những tấm gương Hoa hậu trên, tôi có thể khẳng định rằng không phải cứ ai đi thi nhan sắc hay đăng quang đều học hành không ra gì, chỉ lăm le đi tìm cơ hội đổi đời. Nhưng mà dường như số lượng người đẹp có học thức cao quá ít ỏi, khiến khán giả chưa thể tin tưởng hoàn toàn. Chừng nào những người đẹp chứng minh được bất cứ ai trong số họ cũng có nhan sắc lẫn tri thức và tinh thần trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, thì mới bớt đi định kiến về các cuộc thi nhan sắc. Hãy trả lại sự trong sạch và thuần khiết cho ngôi vị Hoa hậu và các đấu trường nhan sắc, đây không nên được coi là cái “nghề” hay chỗ để ai đó đổi đời chỉ sau một đêm.
*Bài viết của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net.
Facebook - bình luận