Tôi từng được một người khuyên rằng: Tăng năng suất không có nghĩa là làm việc nhiều hơn, mà là ít hơn. Như Henry Ford đã từng tuyên bố: "Năng suất được cải thiện có nghĩa là ít mồ hôi của con người hơn chứ không phải nhiều hơn". Tôi thấy câu này rất đúng đấy.
Năng suất làm việc là tập trung hơn chứ không phải làm nhiều hơn
1. Sự phân tán tư tưởng khi làm việc
Một trong những sai sót mà chúng ta thường hay mắc phải đó là chèn quá nhiều đầu việc không quan trọng vào lịch trình hằng ngày. 8 giờ sáng đến 8 giờ tối chật chội những mối lo toan vụn vặt không cần thiết. Điều này tạo ra áp lực và căng thẳng quá mức. Bởi vì tư duy cũ của ta thường cho rằng cần cù chăm chỉ làm nhiều việc cùng lúc sẽ đem lại thành công to lớn. Tuy nhiên, thực tế đôi khi xảy ra kết quả ngược lại. Trừ khi bạn là nhà khởi nghiệp hay doanh nhân điều hành công ty.
Đừng đa nhiệm, hãy thiết lập quyền ưu tiên cho công việc của mình
Thực hiện đa nhiệm sẽ không đem lại nhiều lợi ích, mà nó còn là nguyên nhân chính gây nên căng thẳng kéo dài. Hãy tập trung vào “chiều sâu” của những buổi họp, các hoạt động thiết yếu, ưu tiên những kết quả quan trọng trước. Loại bỏ những cuộc nói chuyện và việc vặt vãnh không đem lại kết quả trong bức tranh lớn của cuộc đời bạn.
2. Loại bỏ những xao nhãng không cần thiết
Chúng ta đều thường xuyên đối mặt với những sự phân tán bởi đây đang là thời đại của công nghệ và tốc độ cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, đừng lấp đầy khoảng thời gian trống bằng cách thêm những đầu việc nhỏ, thay vào đó hãy chọn các công việc ưu tiên và học cách nghỉ ngơi, thư giãn.
Một tâm trí tập trung toàn bộ vào công việc thực sự quan trọng và thiết yếu, giúp bạn hoàn thành dự án sớm hơn, tạo nhiều thời gian rảnh và thậm chí còn đem lại chất lượng cao cho các kết quả đạt được.
Loại bỏ những nguồn gây mất tập trung như mạng xã hội, các cuộc trò chuyện phiếm
Trong khoảng thời gian dành năng lượng cao nhất và tập trung nhất vào tiến trình làm việc, hãy tắt tất cả thông báo và hạn chế sử dụng điện thoại, email, mạng xã hội không cần thiết. Nếu làm việc ở môi trường công sở, đeo tai nghe là cách khả thi để cho người khác biết rằng bạn không có nhu cầu đàm luận.
Năng lượng cao thì làm việc sẽ dễ dàng đạt hiệu quả cao
3. Thiết lập những công việc ưu tiên
“Không một ai là quá bận rộn. Đó chỉ là sự sắp xếp của các kế hoạch được ưu tiên mà thôi". Sai lầm số một về quản lý thời gian là nghĩ rằng bản thân mình cần phải làm tất cả. Trên thực tế, quy tắc 80/20 áp dụng cho toàn bộ lĩnh vực trong cuộc sống và chỉ 20% hành động của chúng ta là thực sự quan trọng. Thời gian còn lại được dành để làm những việc không hiệu quả hoặc không có ý nghĩa. Đối với một số cá nhân, loại bỏ các nhiệm vụ là vô cùng khó khăn.
Việc khiến bản thân bận rộn với những công việc tầm thường sẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng đó không phải là cách bạn đạt được sự vĩ đại. Nếu bạn muốn tăng năng suất và cải thiện hiệu quả làm việc, hãy quản lý thời gian của mình.
Nếu không có danh sách những việc ưu tiên, bạn sẽ càng đánh mất thời gian suy nghĩ về nó mà thôi
Thiết lập các ưu tiên và loại bỏ các nhiệm vụ không liên quan. Hãy tự trả lời hai câu hỏi đơn giản: Nhiệm vụ này có quan trọng không? Và nó có khẩn cấp không? Nếu việc cần làm là quan trọng và khẩn cấp, bạn nên dành cho nó sự ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu điều đó không quan trọng hoặc không khẩn cấp, bạn có thể cân nhắc loại bỏ nó.
4. Thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trước
Công việc nào sẽ tạo ra nhiều thay đổi và mang lại kết quả tốt nhất cho bạn trong ngày hôm nay? Trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ lên chi tiết các bước thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành nó trong khoảng thời gian sớm nhất, ngắn nhất vào đầu buổi sáng.
Có danh sách việc quan trọng và việc ít cần thiết, bạn sẽ không lãng phí thời gian
Đối với nhiều người, thì điều này khiến họ cảm thấy thoải mái và thư giãn nhất xuyên suốt một ngày làm việc bởi thứ khó nhằn đã được hoàn thành. Bởi vì năng lượng tích cực của chúng ta đạt cực đại vào đầu mỗi ngày. Cuối ngày là lúc để thư giãn và nghỉ ngơi.
Năng lượng của chúng ta càng thấp thì kết quả của công việc càng tệ hại. Hãy đầu tư một ít thời gian vào cuối mỗi buổi chiều để lên danh sách những việc quan trọng cần làm trước tiên vào buổi sáng của ngày hôm sau. Đây là thói quen của rất nhiều tỉ phú trên thế giới và bạn cũng nên dùng để tăng hiệu suất làm việc cho mình.
Khởi đầu ngày mới bằng danh sách công việc và chuẩn bị năng lượng tích cực cho mọi quá trình
Kết: Tôi khuyên bạn hãy bắt đầu ngày mới bằng những mục tiêu và kiên trì theo đuổi mục tiêu ấy tới cùng. Khi áp dụng 4 kỹ năng như bài này, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ hoạt động một cách khoa học hơn, hiệu quả hơn và có động lực để tiếp tục guồng quay cuộc sống mà không biết mệt mỏi.
*Bài đóng góp của thành viên mạng xã hội DienAnh.Net.
Facebook - bình luận