x

Đăng nhập

Comming soon...

Review phim

Việt

Đêm Tối Rực Rỡ: Ý tưởng hay đấy nhưng cứ lộn xộn, lê thê

Hoa Le 05:45 - 07/04/2022

Ra rạp với một tâm thế không có quá nhiều kỳ vọng, chính vì vậy mà Đêm Tối Rực Rỡ chẳng lấy đi của tôi chút thất vọng nào. Tuy nhiên, để hỏi tôi đây có phải một tác phẩm thành công rực rỡ như chính cái tên của nó hay không, thì tôi e rằng rất khó.

Vài ngày qua, cứ lướt mạng xã hội là những dòng tin tức về câu chuyện những cô cậu ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã có những chuyện không vui, để lại tiếc thương cho gia đình. Lý do cho sự việc đau thương ấy là bởi áp lực trong chuyện học hành, đôi khi là do thiếu sự thấu cảm, san sẻ, động viên từ phụ huynh.

Và thật trùng hợp làm sao, khi cốt lõi sâu xa của Đêm Tối Rực Rỡ lại bàn về vấn đề này. Tôi chợt nghĩ trong đầu: “Ôi sao mà phim này ra mắt đúng thời điểm quá”. Nhưng có thực sự chỉ là may mắn rơi đúng lúc, hay đây là một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu nhưng ai cũng xem nhẹ và ngó lơ?

Mượn câu chuyện về một đám tang tại Sài Gòn, nhưng đạo diễn Aaron Toronto không dùng chất liệu đó để kể cho chúng ta một câu chuyện tâm linh, dọa khán giả, mà truyền tải thông điệp về gia đình. Điểm đáng khen đầu tiên của bộ phim này có lẽ là xây dựng bối cảnh. 

Vốn là một người Bắc, nên đám tang trong trí nhớ của tôi là một ngày ồn ào, đông đúc, ảm đạm của những tiếng kèn trống, khóc than. Còn ở đây, một ngày tang sự của gia đình tại miền Nam lại phô trương, huyên náo của ánh đèn, lời ca, tiếng hát thâu đêm suốt sáng. Nên ngay sau khi xem xong tác phẩm, tôi đã phải hỏi người bạn gốc Sài Gòn và nhận được câu trả lời là bối cảnh quá sát với thực tế. Từ chiếc lư hương, cách bày trí bàn thờ, trang phục con cháu trong nhà mặc, đội kèn trống, gánh hát “bê đê” cho tới nghi lễ thắp nhang, đưa tiễn đều chuẩn không cần chỉnh. Như vậy là đủ hiểu vị đạo diễn người Mỹ này đã có sự đầu tư, tìm hiểu rất kỹ về văn hoá Việt Nam, để có thể tái hiện từng chi tiết chuẩn xác nhất lên màn ảnh. 

>>> Xem thêm: “Nữ hoàng ảnh lịch” Hiền Mai: Tuổi thơ lẫn hôn nhân đều sóng gió

Bên cạnh bối cảnh, diễn xuất cũng là một điểm cộng của bộ phim này. Hai ngôi sao gạo cội là Kiến An và Phương Dung cho thấy sự dày dặn kinh nghiệm khi điều khiển từng cử chỉ, ánh mắt cho tới đài từ. Nếu chú Kiến An diễn bằng mắt để toát ra vẻ lươn lẹo, xảo trá, đối xử tệ với vợ con thì cô Phương Dung lại có một đài từ tuyệt vời, linh hoạt khi vào vai người phụ nữ cáng đáng mọi chuyện trong gia đình. Không biết có phải là đồng biên kịch không mà sao tôi thấy nhân vật của Nhã Uyên có nhiều đất diễn và tâm lý vai Xuân Thanh của cô cũng có chiều sâu hơn hẳn. Chẳng bù cho vai của Xuân Trang - ông anh hai thở ra lời nào cũng như cải lương những năm 90, còn cô em Kim Bảo (Kim B) chuyên phá game, diễn rất gồng và gượng ép. 

Với 2 sự đầu tư chỉn chu trên, cộng với một ý tưởng khá ấn tượng khi xoáy sâu vào vết thương của người Việt qua một đám tang, tôi đã nghĩ đây sẽ là một bộ phim ấn tượng. Nhưng không. Sự non tay của cả đạo diễn lẫn biên kịch nhanh chóng được bộc lộ khi họ khiến bi kịch của một tang gia kéo dài lê thê, khiến tôi tự hỏi đây là đêm tối rực rỡ hay đêm dài bất tận. 

Không có lấy một khoảng lặng nào cho nhân vật, lúc nào họ cũng được bắt gặp trong tình trạng gào thét, khóc lóc, mắng nhau để rồi nhịp phim căng như dây đàn, còn khán giả như tôi chỉ thấy đau đầu chứ không thể dành lấy 1 giây đồng cảm với nỗi đau của nhân vật. 

Chủ đề của bộ phim vốn không mới, trên thực tế nó làm tôi nhớ đến Hạnh Phúc Của Một Tang Gia trong cuốn tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng. Bằng giọng văn trào phúng, đám tang của gia đình bỗng biến thành một bữa tiệc để con cháu trong nhà khoe mẽ, hú hí, vụng trộm. Còn ở đây, trong Đêm Tối Rực Rỡ, đám tang của ông nội lại là cơ hội để những bí mật gia đình được hiển lộ, những thói xấu xa, vị kỷ, tham lam của từng con người được phơi bày. Để rồi tất cả nhận ra, dù là ruột rà máu mủ nhưng họ chưa từng hiểu nhau.

Gia đình trong Đêm Tối Rực Rỡ là nơi hội tụ đủ mọi thói xấu của những người Việt đương đại: Những trò chơi thiếu lành mạnh, “đồ hàng”, đụng chân đụng tay vợ con, bệnh tâm lý, lừa dối, vụ lợi,... Từ đầu đến cuối, người cha trong gia đình là kẻ bị coi là tội đồ vì đem nợ nần, khổ đau về đổ lên vợ con. Nhưng suy cho cùng, ông cũng chỉ là nạn nhân của sự cưng chiều quá mức và đôi khi là sự “dạy dỗ” quá tay của người cha quá cố. Và tương tự với những người con trong gia đình ông. 

Rõ ràng, bộ phim này có một ý tưởng thú vị, mang dấu ấn riêng của đạo diễn lẫn văn hoá Việt Nam. Nhưng tiếc rằng, nhà làm phim quá ôm đồm, phô trương trong kịch bản. Nếu biết cách tiết chế liều lượng lại, tôi tin rằng bộ phim này sẽ dễ thở hơn rất nhiều. Điều này vô tình khiến tôi chuyển từ trạng thái động viên một đạo diễn làm phim đầu tay, sang khắt khe với một nhà làm phim non tay, vụng về, thiếu trải nghiệm sống. 

Chưa kể, có một điểm khiến tôi mệt mỏi vô cùng đó chính là nhạc phim. Không thể hiểu tại sao editor lại luôn cố nhét những đoạn nhạc điện tử vào những đoạn gay cấn rồi tung thêm hiệu ứng slow-motion vào. Phải chăng điều đó giúp phim kịch tính, cao trào hơn? Còn ở góc độ người xem, tôi chỉ thấy phim quá lạm dụng âm nhạc, ồn ào, đau đầu. 

>>> Xem thêm: NSND Minh Hằng: Đa tài, thanh công nhưng cô đơn lẻ bóng tuổi xế chiều

Tuy nhiên, Đêm Tối Rực Rỡ vẫn là một bộ phim dũng cảm, chỉn chu với một đề tài thú vị so với những phim giải trí thông thường, hoặc thậm chí là nhảm nhí, tầm xàm nội địa. Nên nếu bạn là một người yêu điện ảnh nước nhà, thì hãy ra rạp để thưởng thức bộ phim này một lần. 

*Bài đóng góp của Hoa Lê gửi về DienAnh.Net.

Đừng quên theo dõi fanpage DienAnh.Net để cập nhật tin tức mới nhất về làng giải trí nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Làm Giàu Với Ma: Phim kinh dị còn nhiều thiếu sót của Hoài Linh

Nga Cao

Nga Cao

“Làm giàu với ma" - phim có Tuấn Trần, NSƯT Hoài Linh đóng chính kết hợp phong cách tình cảm - gia đình với kinh dị.

Quỷ Ăn Tạng (Tee Yod): Vẫn giữ được sự rùng rợn của nguyên tác

Nga Cao

Nga Cao

Quỷ Ăn Tạng xứng danh là bộ phim kinh dị "nặng đô" đạt doanh thu cao nhất tại "Xứ Chùa Vàng", phim vẫn giữ được những điều cốt lõi của câu chuyện nguyên tác.

Quỷ Cẩu: Truyền tải được nhiều thông điệp nhưng làm kỹ xảo chưa tốt

Lindo

Lindo

Quỷ Cẩu có nội dung chỉn chu, quy tụ dàn diễn viên thực lực của cả hai miền Nam - Bắc nhưng phần hiệu ưng, kỹ xảo của phim được làm chưa thực sự tốt.

Một Mình Vẫn Ổn't: Tình đầu tan chảy chậm rãi với nhiều dư vị

Nga Cao

Nga Cao

Bộ phim gây ấn tượng với cốt truyện đơn giản nhưng gởi gắm nhiều thông điệp sâu sắc cùng hương vị tình đầu tan chảy chậm rãi trong từng thước phim.

Đế chế Napoleon: Thiên sử thi hoành tráng nhưng còn nhiều thiếu sót

Nga Cao

Nga Cao

Joaquin Phoenix đầy mê hoặc khi hóa thân thành hoàng đế nước Pháp lừng danh trong siêu phẩm của Ridley Scott - Đế chế Napoleon.

Cô giáo em là số một: Thiện chiến thắng ác trong môi trường học đường

Nga Cao

Nga Cao

Cô Giáo Em là Số 1 - Brave Citizen: Quá trình “thực hiện công lý” của cô giáo trung học mang đến cho khán giả những cảm xúc sảng khoái và dễ chịu.