Cô dâu hào môn: Châm biếm về thói phông bạt và sự trịch thượng

tiendat.nguyen 20:01 - 18/10/2024

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim. Bạn đọc cân nhắc trước khi đọc!

Cô dâu hào môn là dự án điện ảnh mới nhất do Vũ Ngọc Đãng chỉ đạo, Will Vũ sản xuất, xoay quanh một gia đình nghèo khó vì muốn làm thông gia với hào môn mà đóng giả làm người giàu.

 Chủ đề chính của tác phẩm châm biếm, mỉa mai gia đình bà Mạt (Lê Giang), ông Hòa (Kiều Minh Tuấn), Tú Lạc (Uyển Ân), Lợi (Huy Anh) vì muốn đổi đời mà không ngừng giả dối; cũng như thói trưởng giả, khinh người của bà Phượng (Thu Trang) và mẹ con Mộng Kỳ (NSND Hồng Vân) - Xuân Đào (Quỳnh Lương). 

 Đầu tiên, cô con gái Tú Lạc vận dụng đủ mọi chiêu trò, mánh khóe gây ấn tượng với thiếu gia bệnh viện tư Bảo Hoàng (Samuel An) - con độc nhất của bà Phượng. Chưa dừng lại, cô phối hợp mẹ là bà Mạt tiếp cận bà Phượng. Họ còn tìm đến với “thầy bà” phong thủy để vờ móc nối Bảo Hoàng với Tú Lạc khi biết bà Phượng nôn nóng muốn Bảo Hoàng thành gia lập thất. 

 Đỉnh điểm là, họ gây ra vụ chập điện tại nhà bà Mộng Kỳ (NSND Hồng Vân) nhằm “chiếm” căn biệt thự trăm tỷ, đón tiếp nhà trai đến gặp mặt. Bà Mạt vận đồ của chủ nhân - Mộng Kỳ, Tú Lạc diện các bộ cánh của con gái bà ta là Xuân Đào. Tưởng chừng, nhà bà Phượng “sập bẫy”. Bảo Hoàng cũng không ngần ngại đeo chiếc nhẫn kim cương vào tay của Tú Lạc. Nhưng sự đời không đơn giản như thế.

Nhìn chung, toàn bộ kế hoạch của nhà bà Mạt được kể thông qua lối kể châm biếm, trào phúng của ekip làm phim, nhằm khiến khán giả có thể nhìn rõ ra ham muốn đổi đời của những con người “dưới đáy xã hội”, đồng thời phê phán thói “trưởng giả” của giới siêu giàu. Chẳng hạn trong một cảnh ở hồi đầu, Mộng Kỳ ăn chùm nho đắt đỏ và nói: “bằng lương tháng bà Mạt”

 Còn bà Mạt trong quá trình rửa nho thì bôi… phân chú cún của Mộng Kỳ lên nho cho chủ ăn. Quả là không bên nào vừa. Bên nào cũng có những tật xấu, khuyết điểm riêng. Sự phân hóa giàu - nghèo tiếp tục được thể hiện ở cảnh bà Phượng không ngừng móc mỉa cô gái cặp bồ với Bảo Hoàng chỉ là phường “new rich” khiến cô ta tức giận bỏ đi.

Chính việc nhóm người giàu luôn nhìn phần còn lại bằng “nửa cặp mắt” cũng khiến nhóm nhà nghèo phải “phông bạt” cho thỏa thói hư vinh, vớt vát sĩ diện bằng sự tự hão huyền hay do nhóm nhà nghèo ham muốn đổi đời nên buộc phải “phông bạt” nhằm tiếp cận nhóm nhà giàu? Có lẽ là cả hai. Tôi cảm thấy góc nhìn của biên kịch và đạo diễn khá trung lập và hài hước khi không phán xét ai đúng - ai sai. Cô dâu hào môn không ngừng cho hai bên đối đầu lẫn nhau, vạch trần những cái sai của bên kia, đồng thời ngụy biện cho bản thân bằng những lý do nghe rất phù hợp.

 Ở đây, ông Hòa chỉ vì không có 100 triệu mà phải đi cướp giật, vào tù. Chồng bà Phượng thì bị tài xế xe ba gác quẹt trúng, cướp sạch tiền rồi bị bỏ mặc đến chết, khiến bà sau này luôn cảm thấy “chỉ có quyền lực, tiền bạc đem lại cảm giác an toàn”. Ai cũng có nỗi khổ để trở nên ích kỷ, tàn nhẫn. 

Còn mẹ con Mộng Kỳ - Xuân Đào đại diện cho nhóm nhà giàu kệch cỡm, có những thú vui khá bệnh hoạn. Bà Mộng Kỳ kết hôn ba lần nhưng vẫn muốn kết hôn thêm vì muốn “tìm người đàn ông giúp tài sản mẹ tăng lên gấp đôi”. Khi bà phát hiện nhà bà bà Mạt “mượn tạm” căn villa, bà lớn lối gọi cảnh sát vì muốn đám người nghèo hèn kia “ở tù một thập kỷ”. Không ngờ, “sở thích” tai quái của mẹ con Mộng Kỳ bị bà Mạt vạch trần, phản đòn lại: “cho mẹ con nhà bà ở tù bốn thập kỷ luôn”. 

 Cái kết của bộ đôi mẹ con “báo thủ” này rất thích đáng. Bà Phượng thì thức tỉnh kịp lúc. Nhà ông Hòa - bà Mạt cũng không còn mơ mộng viển vông. Dụng ý của ekip làm phim rất rõ ràng: Ranh giới giữa giàu - nghèo là không thể vượt qua và xóa nhòa chỉ bằng trí trá, mưu hèn kế bẩn. Tình yêu chớm nở của Bảo Hoàng - Tú Lạc cũng có phần nào là rung động thật sự đấy, nhưng họ không thuộc về nhau. Họ không thể sống đời với nhau khi mà mục đích ban đầu chỉ là gian dối và đóng kịch. Nếu Bảo Hoàng không phải là “thái tử” bệnh viện tư nổi tiếng, Tú Lạc liệu có yêu anh? Còn Bảo Hoàng, anh sẽ cãi lời mẹ để kết hôn với cô gái không “môn đăng hộ đối”? Tất nhiên câu trả lời là không!

 Suy cho cùng, Cô dâu hào môn thành công trong việc châm biếm thói hư tật xấu của con người khi đứng trước mãnh lực đồng tiền. Có lúc, nhóm người nghèo (nhà bà Mạt) phải khoác lên chiếc áo không vừa với mình cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Dù che đậy thế nào, họ vẫn không thể thay đổi bản chất và xuất thân của họ. Thay vì gồng mình đóng vai người khác, tại sao không sống hạnh phúc với chính mình? Còn nhóm người giàu (bà Phượng, Mộng Kỳ, Xuân Đào) có thực sự vui vẻ, thanh thản? Hay họ phải dùng tiền để vá víu, lấp đầy những khoảng trống trong lòng đến mức “vật chất hóa” con người?

 Cô dâu hào môn công chiếu Toàn quốc từ ngày 18.10.2024.

trao đổi - bàn luận

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài

Bài Cùng chuyên mục

Cô Dâu Hào Môn: Tiếng cười trào phúng về giàu nghèo

Cô Dâu Hào Môn: Tiếng cười trào phúng về giàu nghèo

Phim Cô Dâu Hào Môn có phần ý tưởng thú vị và khai thác dưới góc nhìn hài hước, châm biếm nhằm phản ánh sự tương phản giữa nhóm người giàu - nghèo.