Tấm Cám là truyện cổ tích nổi tiếng trong kho tàng văn hóa dân gian và có chỗ đứng nhất định trong lòng mọi thế hệ độc giả. Hình tượng nàng Tấm thanh thuần, lương thiện, Cám - dì ghẻ độc ác, hay ông Bụt nhân hậu đã quá quen thuộc nay được “nhào nặn” qua lăng kính khác lạ, rùng rợn và ám ảnh hơn. Bộ đôi Trần Hữu Tấn - Hoàng Quân quả thật biết tạo ra những bất ngờ thú vị.
Trong Cám, điểm khác biệt đầu tiên dễ nhận ra nhất chính là việc cha của hai chị em Tấm (Rima Thanh Vy) - Cám (Lâm Thanh Mỹ) là ông Hai Hoàng (Quốc Cường) “sống” ngay từ đầu thay vì bị “khai tử” như nguyên tác. Ông Hai còn là Trưởng Lý làng Hương nên rất có uy quyền.
Trong gia đình, ông tỏ rõ sự thiên vị với Tấm và ghét bỏ Cám vì vẻ ngoài xấu xí của cô bé. Thậm chí, ông còn ghét lây vợ mình là bà Kế (Thúy Diễm) vì bà đẻ ra thứ “quái thai” làm ông xấu hổ với dòng họ, bà con.
Khi gia đình gặp cướp, Tấm, Cám, bà Kế đều bị thương, nhưng ông Hai chỉ bôi thuốc cho mỗi Tấm. Chưa dừng lại, ông còn sẵn sàng hợp mưu với Bờm (Doãn Hoàng) hòng đẩy Cám trở thành vật tế cho Bạch Lão (NSƯT Hạnh Thúy) để bảo toàn mạng sống và giữ lấy sự giàu sang. Đây là nhân vật khiến khán giả ức chế bởi vừa gia trưởng, độc đoán, ích kỷ và tàn nhẫn.
Bà Kế cũng là nhân vật được “hô biến” khá nhiều. Thay vì cưng chiều vô độ Cám như nguyên tác, trong bản phim điện ảnh này, bà rất cay nghiệt với Cám vì cô bé làm bà chịu chung cảnh bị chồng hắt hủi do tội “đẻ con xấu”.
Cứ hễ không vừa ý, bà bắt Cám phải nhặt “thóc cho ra thóc, gạo cho ra gạo”. Không những thế, bà Kế cũng hay tỏ vẻ thân thiết với Tấm để lấy lòng ông Hai chứ không hề “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ đẻ mà thương con chồng”. Toàn bộ những chua chát của bà hầu như chuyển hết từ Tấm sang cho Cám trong phim này.
Ngoài ra, nhân vật Bờm, vốn không có trong nguyên tác cũng đóng một vai trò khá nặng ký trong Cám. Anh ta có mẹ xuất thân từ kỹ viện. Để lấy lại danh dự cho bà, Bờm nhận tiền của ông Hai Hoàng và diễn màn kịch có tình ý với Cám rồi đẩy cô trở thành vật tế cho Bạch Lão. Sau này, Cám (khi bị Bạch Lão chiếm xác) có màn trả thù Bờm rất ghê rợn.
Ông Bụt nhân từ, phúc hậu luôn xuất hiện và hỏi Tấm “vì sao con khóc?” cũng trở thành Bạch Lão - con quỷ xấu xa luôn thèm khát vẻ đẹp xuân sắc của nàng. Bạch Lão đã lập giao kèo với tổ tiên ông Hai Hoàng từ rất lâu. Hắn sẽ khiến cho dòng họ này luôn giàu sang, phú quý. Đổi ngược lại, cứ mười năm một lần, một trinh nữ trong dòng họ phải dâng tế cho hắn. Nghe đáng sợ quá phải không?
Tất nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là mối quan hệ đầy “đất” sáng tạo giữa Tấm và Cám cũng được nhà làm phim khai thác triệt để. Tấm - Cám của Cám luôn rất yêu thương, quấn quýt nhau. Tấm biết em mình luôn sống trong mặc cảm, tự ti vì ngoại hình nên luôn bảo bọc, che chở cho em trước ánh mắt xỉa xói của người đời. Ngược lại, Cám cũng rất thương chị Tấm.
Chẳng hạn như đầu phim, cô bé còn đổ tép của mình cho Tấm thay vì chiếm hết tép của Tấm như trong truyện. Đây là một phân đoạn thay đổi rất hay của đạo diễn và nhà sản xuất nhằm tô bật “nhân chi sơ tính bổn thiện” của Cám.
Tôi cũng nhớ rõ những cảnh “đắt” nhằm thể hiện tình cảm tốt đẹp giữa hai chị em Tấm - Cám. Đó là cảnh ông Hai Hoàng bảo Cám đi lạc (mà thực ra là ông đã hiến tế Cám cho Bạch Lão), Tấm vẫn nằng nặc đi tìm em vì sợ em bị cọp ăn thịt. Ngoài ra, còn có khoảnh khắc Tấm xin cho Cám đi thử giày chung với mình và cứng rắn bảo nếu cha không cho cô bé đi, thì Tấm cũng sẽ ở nhà luôn.
Tình yêu thương của người chị nơi Tấm đạt cao trào ở hồi cuối tác phẩm. Dẫu lúc này, Cám đã bị Bạch Lão chiếm dụng cơ thể và giết người như ngóe, nhưng chỉ cần nghe giọng van vỉ nức nở của Cám là Tấm đã yếu lòng không ra tay với cô bé nữa. Chính lòng từ bi, đầy yêu thương ấy khiến Tấm mất luôn thân xác của mình. Trong nguyên tác, Tấm cũng chết dưới tay Cám, nhưng cách chết thì khác.
Tiếp theo, hãy cùng tôi nhìn lại những điểm bám sát truyện cổ tích của Cám. Tình tiết quan trọng là tất cả các dân nữ tập trung thử hài vẫn giữ nguyên. Thái tử (Hải Nam) bảo rằng ngay từ lúc nhặt giày là đã biết chủ nhân của nó là người mà chàng tìm kiếm.
Tiếp theo, trong ngày giỗ đầu của ông Hai Hoàng, Cám cũng bảo Tấm lên cây hái cau rồi cô ả đứng ở dưới dùng dao chặt cây. May là bà Ba Tầm (NSƯT Ngọc Hiệp) can thiệp kịp thời nên Tấm mới toàn mạng. Một tình tiết nữa cũng khá đáng nhớ là Cám cũng ăn sống thịt con cá Bống, đánh dấu bước chuyển trong tình cảm chị em Tấm Cám rạn nứt sau khi Cám “hắc hóa”.
Kinh dị nhất là đoạn Tấm làm mắm cá chưng thịt Cám cho bà Kế ăn vẫn có. Tất nhiên lúc này, đây là Tấm “hàng giả” - tức là phiên bản Cám và Bạch Lão chiếm đoạt được xác Tấm làm vậy. Cám muốn trả thù người mẹ ruột luôn xa lánh, cay nghiệt với mình bấy lâu. “Lớp vỏ” vẫn được giữ nguyên, còn “cái nhân” bên trong là thay đổi. Cuối cùng, cảnh Tấm “hàng thật” hóa thành cây thị sau khi chết vẫn xuất hiện, như đúng với tâm tình của nàng với Thái tử sinh thời.
Tôi cho rằng những thay đổi của đạo diễn Trần Hữu Tấn - nhà sản xuất Hoàng Quân rất táo bạo, thú vị, hoàn toàn lật đổ những suy nghĩ, định kiến của khán giả bấy lâu dành cho những nhân vật quen thuộc. Dù sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng không thể phủ nhận, tác phẩm điện ảnh thành công trong việc lôi kéo tò mò của công chúng, đồng thời khẳng định tên tuổi của bộ đôi trong dòng phim kinh dị lấy chất liệu từ văn hóa dân gian.
Cám công chiếu Toàn Quốc từ 20.9.2024.
trao đổi - bàn luận
Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài