Khi truyện cổ tích Tấm Cám nhuốm màu kinh dị

tiendat.nguyen 09:00 - 19/09/2024

Cám - “Đứa con tinh thần” mới nhất của bộ đôi mạo hiểm xây dựng dị bản của Tấm Cám, khi giữ lại phần lớn những tình tiết mà ai cũng thuộc nằm lòng nhưng đã biến tấu một cách độc đáo theo phong cách kinh dị sở trường. Chính điều này thu hút tôi cũng như khán giả từ những phút đầu tiên. 

 Bằng giọng kể (voice-over) ở tông  trầm, tôi được giới thiệu rằng tổ tiên của ông Hai Hoàng (Quốc Cường), chưởng lý của làng Hương và cũng là cha của hai chị em: Tấm (Rima Thanh Vy) - Cám (Lâm Thanh Mỹ) đã lập giao kèo với Bạch Lão. 

 Rằng để đổi lấy sự giàu sang và phú quý, cứ mười năm, một trinh nữ phải được hiến tế cho con quỷ xấu xa này. Vì gương mặt quái dị ngay từ khi sinh ra, ông Hai Hoàng luôn hắt hủi Cám và sớm lập kế hoạch dâng tế cô bé cho Bạch Lão khi “đến hẹn lại lên”. Một phần mở đầu cực kì độc đáo của Cám phải không?

 Tất nhiên ai là fan của truyện cổ tích, họ vẫn sẽ cảm thấy được an ủi khi những tình tiết quen thuộc được giữ lại, chẳng hạn như: Thái tử cho dân nữ thử hài, Cám chặt cây thị, Tấm nuôi cá bống, nhặt thóc - gạo, dì ghẻ Kế ăn cơm mắm thịt con gái mình, bắt tép… Song, chúng “tái xuất” qua những khung hình đậm chất điện ảnh và tà mị. 

 Chưa dừng lại ở đó, để tạo sự mới mẻ, tính cách bốn nhân vật chính Tấm, Cám, ông Hai Hoàng, dì ghẻ - bà Kế (Thúy Diễm) cũng được xây dựng theo phong cách “bình cũ rượu mới”. Ông Hai Hoàng vốn chết ngay từ đầu trong truyện cổ tích, nay “sống lại” và đóng góp nhiều trong việc thúc đẩy diễn biến phim. 

 Ông Hai Hoàng là hình mẫu cho chế độ gia trưởng thời phong kiến, gián tiếp đẩy cuộc đời của những phụ nữ xung quanh ông vào bi kịch và chính ông cũng phải trả giá. Tác phẩm cũng nhiều lần nhấn mạnh đến sự xấu xí của Cám và vẻ đẹp của Tấm, cùng cái nhìn đầy định kiến về vẻ đẹp nội tâm - vẻ đẹp bề ngoài của người đời, nhằm làm nổi bật sự tương phản giữa cái thiện - ác trong mỗi tha nhân. 

Đến cuối phim, một plot twist đã đánh đổ hai khái niệm tưởng chừng đối nghịch này, khiến người xem không khỏi cảm khái và thương cho thân phận người phụ nữ bị trói buộc bởi “cái lồng” công-dung-ngôn-hạnh, đặc biệt là chữ “dung”.

 Phim Cám không quên khắc họa tập quán, phong tục, như trò chơi đánh đu, cách làm món xôi gói lá sen… đậm nét dân gian. Ưu điểm của tác phẩm là ở khâu tạo hình. Với thế mạnh về thể loại kinh dị, êkíp khắc họa thành công không gian lạnh lẽo của làng Hương. 

Đồng thời, hình ảnh nhân vật lột da, buổi lễ dâng tế trinh nữ, hay lớp hóa trang gương mặt quái thai của Cám, Bạch Lão được dàn dựng rất đáng sợ. Nhà làm phim cũng đầu tư vào yếu tố phục trang với các cổ phục như: Áo đối khâm, viên lĩnh, tứ khâm, giao lĩnh lần lượt lên hình và bám sát lịch sử.

 Bộ đôi “song Thanh”: Lâm Thanh Mỹ và Rima Thanh Vy có màn diễn xuất lên tay hẳn so với các tác phẩm trước. Sau khi bị nhìn rõ bộ mặt thật của cha, Cám của Lâm Thanh Mỹ dần trở nên độc ác, điên loạn, ánh mắt vì thế cũng man dại, tàn độc hơn. Diễn viên sinh năm 2005 hoàn toàn có thể có một tương lai xa sau những gì biểu hiện. 

  Rima Thanh Vy cũng có 10 phút cuối “lật mặt” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng ngoạn mục, cùng một phân cảnh “nóng” táo bạo sẽ được nhắc đến nhiều trên màn ảnh rộng năm nay. Cả hai tạo ra chemistry đặc sắc với đủ cung bậc cảm xúc. Đặc biệt là trong những thước phim tình cảm,  Lâm Thanh Mỹ và Rima Thanh Vy trông như một cặp chị em ruột thực sự ở ngoài đời.

 Ngoại trừ tuyến chính của Tấm và Cám, các tuyến vai: ông Hai Hoàng, bà Kế, thái tử (Hải Nam), bà Tầm (NSƯT Ngọc Hiệp), ông Cả (Mai Thế Hiệp), thằng Bờm (Doãn Hoàng) đều được khắc họa tròn trịa. Tuyến vai mới thằng Bờm cũng gây bất ngờ thú vị. Quốc Cường, Thúy Diễm, NSƯT Ngọc Hiệp thuộc phái thực lực. 

Họ làm bật được nhân vật, đặc biệt là trong những cảnh “hắc hóa” hoặc phát điên. Hải Nam và Doãn Hoàng khá tiềm năng, dù đất diễn không nhiều. Ngoại hình điển trai của họ là điểm nhấn có thể khiến fan nữ chú ý.

 Tựu chung lại, Cám một tác phẩm chỉn chu và có chất lượng cao, gây tò mò vì dám mạo hiểm làm mới truyện cổ tích nổi tiếng. Ê-kíp đã có những tiến bộ khâu biên kịch, lẫn các thủ pháp dàn dựng mang tính điện ảnh. Tôi đánh giá cao nỗ lực của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân tâm huyết với thể loại kinh dị lấy chất liệu dân gian.

 Cám công chiếu Toàn Quốc từ 20.9.2024.

trao đổi - bàn luận

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài