*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim. Bạn đọc cân nhắc trước khi đọc!
Nội dung chính của phim Cô Dâu Hào Môn xoay quanh âm mưu đổi đời của một gia đình lao động bằng cách đóng giả làm người giàu. Qua đó, tôi có thể cảm nhận sự tương phản rõ ràng giữa hai giai cấp giàu - nghèo trong xã hội hiện nay. Trong khi gia đình bà Mộng Kỳ (NSND Hồng Vân), bà Phượng (Thu Trang) luôn diện những bộ cánh đắt đỏ, sống trong những căn biệt thự trăm tỷ với hàng đống người giúp việc thì nhà ông Hòa (Kiều Minh Tuấn) - bà Mạt (Lê Giang) phải bán vàng mã, tạp hóa.
Con trai họ là Lợi (Huy Anh) đang tắm thì bị cúp nước do chưa đóng tiền. Giày và vớ của anh rách rưới song chưa đủ khả năng mua mới. Lợi bèn cùng vợ là Giang (Minh Thảo) dàn cảnh ăn cắp hàng hiệu của Xuân Đào - Luna Đào (Quỳnh Lương). Không ngờ, cô ta chính là con gái của Mộng Kỳ - người chủ gia đình giàu có mà bà Mạt đang làm giúp việc.
Cô con gái độc nhất của bà Mạt là Tú Lạc (Uyển Ân) vì muốn bước chân vào hào môn, nên giả làm tiểu thư đài các, chinh phục “thái tử” bệnh viện tư Nguyên Vũ là Bảo Hoàng (Samuel An) - con trai bà Phượng. Để phi vụ lừa đảo này trót lọt, cô kéo cả gia đình mình vào cuộc.
Tôi có thể thấy, các nhân vật trong Cô dâu hào môn đều có khiếm khuyết, lỗi lầm, tật xấu. Nhóm người nhà giàu dẫu trịch thượng, hợm hĩnh nhưng cũng có góc tối đáng thương. Bà Phượng hay Mộng Kỳ đều thiếu vắng bóng dáng đàn ông bên cạnh nên xem quyền lực và tài sản là tất cả. Sau cùng, bà Phượng sau cùng còn thức tỉnh lòng trắc ẩn với những bệnh nhân nghèo. Còn gia đình bà Mạt tuy tham lam nhưng vẫn còn chút lương tâm, biết dừng tay đúng lúc. Ở đây, không có ai chiến thắng tuyệt đối. Quan trọng là họ nhận ra được những bài học nhân sinh và giá trị đích thực, và hiểu rằng tiền không mua được tất cả.
Chênh lệch địa vị, quyền lực là ranh giới mà phía nhà nghèo không thể vượt qua, dù chính miệng ông Hòa nói rằng: “Vì gia đình, tôi có thể vượt qua ranh giới”. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cùng biên kịch thể hiện ý tưởng này qua cách dàn dựng. Như trong một cảnh quay ở hồi cuối, khi bà Phượng và gia đình bà Mạt - ông Hòa đối đầu trực diện với nhau. Họ không ngừng đấu tố để vạch trần bộ mặt thật của đối phương. Rằng tiền bạc khiến cuộc sống họ trở nên bất hạnh và phải đi đến ngày hôm nay. Họ chỉ bất đắc dĩ mới phải làm ra nhiều chuyện ích kỷ. Ông Hòa có thể sòng phẳng ra điều kiện với bà Phượng nhờ mánh khóe, chiêu trò.
Tác phẩm kể vấn đề nóng hổi bằng giọng điệu hài châm biếm, cường điệu. Cuộc sống khu xóm nghèo của bà Mạt - ông Hòa được khắc họa chân thực với nhiều cú long-shot na ná với Bố già, Hẻm cụt hay Nhà bà Nữ - nơi những trận cãi vã chí chóe xảy ra như cơm bữa, hay tiếng loa tổ dân phố phát ra rả. Cảnh nhà bà Mạt tiếp đón nhà bà Phượng bằng “nhân dạng giả” cũng tạo tiếng cười sảng khoái.
Khả năng kiểm soát nhịp độ, diễn biến của Vũ Ngọc Đãng có sự lên tay, so với hai “đứa con tinh thần” gần đây nhất là Chị chị em em 2, Con nhót mót chồng khi trong khoảng gần hai tiếng, anh phối hợp giữa các thể loại từ gia đình, tâm lý, hài hước, kịch tính. Sự thay đổi lối kể của đạo diễn tương đối mượt mà, dẫu vẫn còn đôi lúc, anh lạm dụng thoại dông dài, có phần kịch theo kiểu Trong nhà ngoài phố. Nếu rút ngắn lại những đoạn trò chuyện ồn ào của nhà bà Mạt, thay vào đó, anh khắc họa nội tâm phức tạp của các nhân vật chính thì sẽ tăng “tính điện ảnh” cho phim hơn.
Các tình tiết bất ngờ (plot twist) dồn dập xuất hiện ở nửa sau. Khi tưởng chừng như kế hoạch của nhà bà Mạt sắp lộ tẩy thì những mánh khóe, chiêu trò của hai bậc “lão làng” giúp họ đảo ngược tình thế, thoát hiểm ngoạn mục. Dẫu vậy, sau tất cả, họ phải quay về nơi họ thuộc về. Trong khi đó, bà Phượng có những sự thay đổi tích cực, còn mẹ con Mộng Kỳ, Xuân Đào vẫn “chứng nào tật nấy” nên phải gánh chịu hậu quả thích đáng.
Nhưng tôi lại cảm động nhất với cách mà Bảo Hoàng (Samuel An) đối mặt với chân tướng thật của người con gái anh yêu bằng góc nhìn bao dung nhưng không quỵ lụy. Cái kết của cặp đôi Tú Lạc - Bảo Hoàng khá hợp lý, gây tiếc nuối nhưng phù hợp với tổng thể câu chuyện.
Diễn xuất chắc tay của những cái tên “hot” trong giới điện ảnh giúp tác phẩm gây ấn tượng. Kiều Minh Tuấn có nhiều không gian để phát huy lối diễn nội tâm, nhất là ở cảnh ông hỏi con gái mình có thật lòng yêu Bảo Hoàng không và đoạn “vạch mặt” bà Phượng đầy căng thẳng. Sao nam 36 tuổi dám chấp nhận “hy sinh cho nghệ thuật” khi tăng 15kg, nhuộm tóc bạc, hóa trang nếp nhăn, chấm đồi mồi lên mặt để nhập vai ông già 60 tuổi. NSND Hồng Vân vẫn duy trì chất điên, “lầy” như thời đóng Gái già lắm chiêu, còn Uyển Ân khiến tôi không thể ghét khi hóa thân thành cô gái nghèo lanh lợi nhưng cũng rất mực si tình.
Thu Trang nỗ lực rất nhiều để toát ra khí chất của người đàn bà thượng lưu luôn xem tiền bạc là tất cả sau loạt vai bình dân. Rõ ràng, “hoa hậu làng hài” không chỉ biết chọc cười khán giả. Trông diễn viên sinh năm 1984 khác lạ từ bên “trong ra ngoài” qua tác phẩm mới này. Samuel An tuy chưa đột phá nhưng lột tả tròn trịa nét nhu nhược, cam chịu, bất lực khi sống dưới cái bóng quá lớn của mẹ. Gương mặt điển trai của tài tử là thỏi nam châm hút fan nữ.
Tuy nhiên, kịch bản phim vẫn còn vài điểm chưa thỏa đáng. Bí mật động trời của mẹ con Mộng Kỳ - Xuân Đào bị bà Mạt “nắm thóp” có phần phi lý. Tuyến tình cảm của Bảo Hoàng với Tú Lạc phát triển khá chớp nhoáng, làm cho hai plot twist trong hồi cuối chưa mấy thuyết thuyết phục. Nhân vật Xuân Đào của Quỳnh Lương chưa được khai thác đúng mức và bản thân lối diễn cùng khả năng đọc thoại của nữ diễn viên sinh năm 1995 còn hơi cứng, gượng.
Nhìn chung, Cô dâu hào môn là dự án điện ảnh chỉn chu, tâm huyết của ekip làm phim. Vũ Ngọc Đãng tiếp tục chứng tỏ, anh là một trong những đạo diễn “bảo chứng phòng vé” hiện nay. Sau những tràng cười nghiêng ngả, người xem sẽ thấm thía nhiều bài học cuộc sống đầy giá trị khi bước chân ra khỏi rạp.
Cô dâu hào môn công chiếu Toàn quốc từ ngày 18.10.2024.
trao đổi - bàn luận
Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài