Vỡ giọng, nổi mụn, hocmone thay đổi… là tất cả những gì mà mọi người đều đã trải qua ở giai đoạn dậy thì. Đó là lúc chịu nhiều biến đổi về mặt hình thể, tâm, sinh lý phức tạp nhất. Nhưng chưa là gì so với việc mỗi khi cảm xúc hay tinh thần bị tác động, bạn lại trở thành một thứ kì quái khác.
Vâng, đó là câu chuyện của Mei Lee trong bộ phim hoạt hình Gấu Đỏ Biến Hình (Turning Red), một cô bé đang trong giai đoạn dậy thì và biến thành một chú gấu trúc đỏ mỗi khi cơ chế cảm xúc bị ảnh hưởng, có thể là quá phấn khích, tức giận hay sợ hãi khi đối diện với gia đình.
Gấu Đỏ Biến Hình (Turning Red) theo chân cuộc sống của cô bé 13 tuổi, tên là Mei Lee, là một học sinh giỏi của lớp nên cô bé luôn khiến cha mẹ tự hào, cô có một hội bạn thân cá tính với ba cô gái gồm Miriam, Priya và Abby là những bé gái đang chập chững bước vào giai đoạn dậy thì.
Mei Lee luôn ngoan ngoãn và biết cách khiến bản thân hoàn hảo trong mắt gia đình, đặc biệt là với mẹ - Ming Lee. Có lẽ chính điều này vô tình tạo sự áp lực quá lớn với Mei mỗi khi đối diện với mẹ, tạo vỏ bọc là một đứa con ngoan, phụ mẹ chăm lo đền thờ tổ gia - Tôn Di. Trong mắt người mẹ, Mei chính là cả thế giới của bà và điều này như là một sự di truyền từ thế hệ trước trong dòng tộc. Vì thế Mei sẽ biến thành chú gấu trúc đỏ vào những khi có sự kích thích về cảm xúc. Chính rắc rối này khiến Mei phải học cách kiểm soát bản thân và làm quen dần với hình dáng đặc biệt này.
Chắc chắn một điều là không có quá nhiều phim về văn hóa Trung Quốc được Disney làm, nhưng phim nào ra mắt cũng đều mang đặc trưng riêng biệt. Tác phẩm lần này cũng không ngoại lệ khi đặt tình huống của một gia đình gốc Trung Quốc giữa một nền văn hóa phương Tây - Toronto, Mỹ.
Gia đình Lee là một gia đình Trung Quốc với phong tục thờ thánh mẫu Tôn Di, người có mối liên kết đặc biệt với gấu trúc đó, vì thế bất kì phụ nữ trong gia đình này dù thuộc thế hệ nào đi chăng nữa, khi đến giai đoạn dậy thì cũng phải trải qua hình dáng gấu trúc đỏ mỗi khi có sự tác động về cảm xúc và tinh thần.
Đạo diễn Domee Shi cũng chia sẻ rằng: “Mei là một cô bé bị kẹt giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây ngay giai đoạn dậy thì. Điều này không chỉ lý giải những thay đổi đang diễn ra trên cơ thể Mei, mà còn là mối quan hệ trong gia đình và bạn bè của cô bé”. Chính cách sắp xếp thú vị này tạo nên màu sắc Trung Hoa đậm đà cho bộ phim.
Song, theo chân gia đình Mei Lee, mọi cảnh vật trong không gian nhà cửa được bố trí rất chỉn chu và đậm nét truyền thống. Trang phục và cách trang điểm của các nhân vật đều tôn lên nét đẹp của người phụ nữ Trung Quốc, từ mẹ Ming, bà ngoại cho đến các người dì trong gia đình.
>>> Xem thêm: The Batman: Người Dơi của Robert Pattinson chinh phục cả fan Marvel
Điểm chung hầu hết của các bà mẹ châu Á là luôn ấn định hình tượng “con nhà người ta” điều này là điển hình cho việc so sánh năng lực của con mình với những đứa con khác, áp đặt hình tượng mẫu mực cho bọn trẻ. Cũng vì cái sự khập khiễng này mà đạo diễn đã thành công trong cách tạo nên hình tượng một bé gái luôn sống với hai tính cách trái ngược hoàn toàn, khi ở trường thì là một cô học trò hiếu động, tự tin và bứt phá ở mọi tình huống, khi về nhà thì lại mang một tâm trạng lo sợ, dè chừng trong bộ đồ phẳng phiu mỗi lúc diện kiến cha mẹ.
Bộ phim là một phép dụ ngôn cực kì tinh tế về kì kinh nguyệt đầu đời thông qua hình tượng một chú gấu trúc đỏ. Sẽ có những điều khó nói, khó bày tỏ với cha mẹ, đa phần các bé chỉ muốn một mình giải quyết vì hơn ai hết chính các bé là người hiểu bản thân mình đang cần điều gì nhất.
Mei Lee biết được rằng cô bé biến đổi mỗi khi trải qua cảm xúc tột độ, học cách điều hướng tình trạng khó hiểu này trong khi đối mặt với mối quan hệ dần thay đổi nhanh chóng với mẹ, cùng với những thăng trầm bất ổn khác ở tuổi vị thành niên.
Đó là sự khác biệt giữa các thế hệ với nhau, ngay cả mẹ Ming cũng đã từng rơi vào trường hợp này, điển hình là khi nghe bà ngoại của Mei gọi điện hỏi thăm về tình hình của cô bé, khác với dáng vẻ tự tin ngày thường, mẹ Ming lại lo sợ và có phần tránh né. Điều này chứng minh rằng ai trong chúng ta rồi cũng đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất của tuổi dậy thì, ai rồi cũng sẽ trưởng thành và nó là một điều gì đó thật đáng sợ!
Cách xây dựng cốt truyện dựa trên những tình huống rất là đời thường. Thậm chí những phản ứng của mỗi nhân vật trong phim đều thể hiện rõ tính cách Á Đông rõ ràng. Với tagline chính là “Growing up is a beast” (Tạm dịch: Trưởng thành thật đáng sợ) ẩn dụ cho việc trưởng thành sẽ là một cái gì đó rất ghê gớm và những thay đổi về mặt tâm sinh lý là điều mỗi người bắt buộc phải trải qua.
Tuổi dậy thì mỗi người luôn có những biểu hiện và nhiều điều mình vỡ lẽ, chắc chắn một điều luôn có là niềm đam mê nhất định về thứ gì đó, ở Mei thì cô bé cực kì hâm mộ các nhóm nhạc nam vì đơn giản cô bé đang trong giai đoạn tập làm người lớn. Hươu đến tuổi thì phải chạy, con gái đến tuổi thì sẽ biết yêu nên việc động lòng trước bạn khác giới là hình ảnh được đạo diễn khắc họa rõ nét, mỗi khi nhắc đến các bạn nam thì hai mắt cô bé long lanh sáng rực.
Đạo diễn cũng từng chia sẻ rằng: “Tôi muốn miêu tả các ban nhạc nam, bày tỏ lòng kính trọng đối với họ và biến họ trở thành một phần quan trọng trong câu chuyện của Mei, bởi vì đối với rất nhiều cô gái thì “boy-band” là nỗi ám ảnh âm nhạc đầu tiên của họ. Đó chỉ là nền tảng trong cuộc sống của họ, từ việc lớn lên, phát triển những cảm xúc này và cố gắng hiểu tất cả những thứ này đến từ đâu”.
Domee Shi muốn làm công lý cho các nhóm nhạc nam. Vì vậy, các nhóm nhạc nam thường bị mang tiếng xấu, bị những ông bố bà mẹ có ác cảm cho rằng họ là tác nhân tiêu cực của các cô gái tuổi teen, một lời chỉ trích rõ rệt về giới tính đối với những nhóm nhạc này.
Với mình, sự xuất hiện của một nhóm nhạc nam mang phong cách đầu những năm 2000 không chỉ làm nên dàn âm thanh tuyệt đỉnh cho bộ phim, mà còn là ẩn dụ cho tư tưởng hiện đại, rộng mở hơn của gia đình Mei Lee trong tương lai. Sự kết hợp giữa âm nhạc phương Tây và phương Đông ở cuối phim khi tất cả đi vào vòng tròn phá bỏ phong ấn là minh chứng cho việc đó. Dù chỉ là những chuyển động của hoạt hình nhưng khi các nhân vật diễn và hát thì mọi thứ như đang tạo ra một buổi hòa nhạc trước mắt mình vậy.
>>> Xem thêm: Gotham đầy rẫy tội lỗi, có lưới an toàn nhưng không bảo vệ được ai
Gấu Đỏ Biến Hình có một cốt truyện rõ ràng, xây dựng một cách cao trào và hướng giải quyết cực kì thú vị và hài hước. Nhịp phim đẩy một tiết tấu ổn định, không quá nhanh cũng không quá chậm. Xuyên suốt thời lượng phim, những cảnh quay đều được sử dụng những gam màu sáng bắt mắt và đặc biệt là màu đỏ được hòa trộn tinh tế vào những cảnh tại nhà của Mei Lee. Ngay cả toàn cảnh thị trấn về đêm, ekip sản xuất cũng tạo những gam màu đủ sáng để thấy rõ bao quát toàn cảnh khu vực của các nhân vật trong phim.
Gấu trúc đỏ là một phép ẩn dụ không chỉ cho tuổi dậy thì mà còn là những gì chúng ta thừa hưởng từ mẹ của mình và cách chúng ta đối phó với những thứ mà chúng ta thừa hưởng từ họ.
Không thể phủ nhận chăm sóc và nuôi dạy con cái là một trong những bổn phận tất yếu của cha mẹ. Thế nhưng nuôi dạy thế nào để mối quan hệ giữa các thế hệ vẫn được khắng khít với nhau đó vẫn là câu hỏi gây tranh cãi khá nhiều, một số người ưa chuộng phong cách dạy con theo “mẹ hổ” phương Đông, một số khác lại tán thành với việc cho con tự khám phá, thể hiện bản thân theo cách của “mẹ sói” phương Tây. Dù lựa chọn ra sao thì tương lai của con vẫn nằm ở mọi quyết định của con, cha mẹ chỉ là những người hỗ trợ tham khảo cùng con.
*Bài viết của Bánh Đúc gửi về DienAnh.Net.
Xem thêm thông tin và nhiều bài Review hay về Gấu Đỏ Biến Hình tại Thư Viện Phim.
Facebook - bình luận