Tôi từng tự hỏi rằng: Tại sao con người lại nhắm nghiền mắt khi họ khóc, khi cầu nguyện, trong lúc hôn và những lúc mơ mộng? Và có người đã trả lời cho tôi rằng: những điều tuyệt vời nhất chỉ có thể được cảm nhận bằng trái tim chứ không thể chỉ nhìn bằng đôi mắt.
Nỗi khổ đau cũng vậy. Nó không có tiếng nói, nhưng âm thanh của nó có thể vang vọng đến tận sâu trong tâm hồn của một con người khác, thông điệp của nó vẫn sẽ được truyền tải thông qua những ánh nhìn nhưng việc cảm nhận nó bằng cả trái tim lại là mảnh đất riêng để nỗi khổ đau thực sự được đồng cảm chân thành.
Chúng ta thương hại người khác khi họ kể cho ta nghe về những vấn đề khiến họ khổ sở, một phần có thể vì ta đã từng trải qua cảm giác đó hoặc có thể nhờ vào lòng cảm thông để thấu hiểu được những nỗi đau mà ta biết rằng đến cuối cùng ta sẽ có lúc cũng phải đối mặt với chúng một cách đầy cay đắng. Lý do cho điều này bởi chúng ta là con người, chúng ta có một trái tim và một tấm lòng đức hạnh.
Chúng ta dễ dàng tha thứ và bỏ qua lỗi lầm cho người khác vì biết rằng có thể vào một lúc nào đó chính bản thân chúng ta cũng sẽ mắc phải một sai lầm tương tự và cũng cần được chân thành thứ tha. Chúng ta không thể kiểm soát được các sự kiện xảy đến với cuộc đời mình theo cách ta mong muốn. Nhưng cái chúng ta có thể đặt toàn bộ dưới quyền chi phối của bản thân chính là hành động và thái độ đối với các sự kiện đó.
Khi một chuyện bất ngờ xảy ra và nằm ngoài phạm vi tự tay chúng ta có thể điều khiển được, hãy chấp nhận rằng ta sẽ phải bước đi theo một chiều hướng mới và tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa. Hãy thực hiện những hành vi có trách nhiệm trước tiên, rồi sau đó cố gắng loại bỏ ham muốn phải kiểm soát mọi thứ.
Liệu những tháng ngày đầy đau khổ đã qua có mang đến phần thưởng cho chúng ta là một cơ hội được gặp lại người mà ta đã dành trọn vẹn thương yêu trong quá khứ hay không. Hãy bình tĩnh chấp nhận và đặt kỳ vọng của mình vào một sự thật rằng người đó đã ra đi và tất cả những gì ta có thể làm ngay lúc này đây là kiểm soát thái độ của bản thân để quyết định những hành động đúng đắn.
Hãy lựa chọn việc trở nên tích cực bằng lòng biết ơn những giây phút người ta yêu thương vẫn còn hiện diện bên cạnh mình, những tháng năm hạnh phúc mà người đã ban tặng cho ta bằng sự có mặt của họ trong cuộc đời này. Hãy tôn vinh họ bằng những hành động cao đẹp nhất: Gợi tên người yêu trong một cuộc gặp gỡ thân mật với người mà cả ta và người yêu cùng quen biết, nhắc đến họ như là một điều kỳ diệu ta đã từng có trong đời và không quên gửi gắm lời cảm ơn chân thành đến họ mỗi khi ta có cơ hội được làm việc đó.
Chúng ta sẽ chạm được vào bình yên bằng con tim chân thành của mình nếu biết cách biến nỗi buồn thành hạnh phúc và làm hết sức có thể để cảm kích người đã đến rồi đi trong cuộc đời ta. Chấp nhận nhẹ nhàng và cố gắng thêm lần nữa là cách tốt nhất để biến ham muốn được kiểm soát thành hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống.
Bi kịch sẽ luôn là điều hiển nhiên phải xảy ra. Chắc chắn như thế và vấn đề là chúng ta sớm hay muộn gì cũng phải đối mặt với bi kịch bởi đó là điều tất yếu của cuộc sống. Muốn trưởng thành, phải chấp nhận bi kịch. Hãy lặng lẽ cảm ơn người đã rời bỏ bạn vì nhờ có họ, bạn sẽ nhận ra rằng trên đời này không hề thiếu những con người tốt đẹp, phẩm chất cao quý và cũng đang mở lòng đón nhận tất cả những gì thuộc về bản chất của bạn như người xưa đã từng.
Rất may mắn rằng, cơ chế tâm lý đặc biệt về cảm xúc sẽ khiến ta luôn nghĩ tốt và bảo vệ đến cùng những giá trị đẹp đẽ nhất của người ta từng yêu thương dù họ có nhẫn tâm bỏ rơi ta theo cách tồi tệ đến thế nào đi chăng nữa. Việc chúng ta nên làm là đừng bao giờ giữ tâm lý trả thù. Hãy chấp nhận nhẹ nhàng và bỏ qua để hi vọng vào một sự khởi đầu mới ở tương lai tốt đẹp hơn.
* Bài viết của Trương Di chia sẻ tại box Cafe Danner
Hạnh phúc giản đơn chỉ bằng tâm thái nhẹ nhàng chấp nhận, nếu bạn có những suy tư về cuộc đời , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận