Mỗi lời nói, hành vi, thái độ hoặc cử chỉ của chúng ta, dù nhỏ bé thôi nhưng đôi khi lại có thể nói lên được phẩm chất, tính cách, nếp sống của cả một con người. Cổ nhân thường luôn được ca ngợi là những người biết cách đối nhân xử thế, khiến người đời nể phục và rút ra cho mình những bài học đắt giá đến tận ngày nay.
1. Luôn suy nghĩ trước khi nói
Đừng để lời nói của mình vô tình làm ảnh hưởng đến người khác, có khi cũng chính là ảnh hưởng đến chính mình. Có câu “họa từ miệng mà ra”, trước khi nói điều gì, hãy dành thời gian suy xét thật kỹ để tránh xảy ra những điều phiền phức không đáng có. Trong cuộc sống hằng ngày, giao tiếp là điều không tránh khỏi giữa người với người. Tuy nhiên nên cân nhắc lời nói và phải biết điều nào nên nói điều nào không nên. Bởi đôi khi nói nhiều chưa chắc đã mang lại nhiều lợi ích.
Đặc biệt, đừng bao giờ lấy những điều bí mật của bản thân hoặc người khác ra trở thành đề tài nói chuyện cho mình và những người khác. Hãy luôn sáng suốt và thận trọng trong lời nói, cách nói chuyện. Có như thế thì người khác mới đánh giá cao chúng ta. Nên phân biệt việc nào quan trọng và việc nào có thể dùng để “tán gẫu”.
Lời nói như con dao 2 lưỡi, phải biết lúc nào nên im lặng
2. Đặt chữ “tín” lên hàng đầu
Chúng ta có thể nói dối lần đầu tiên, hoặc đến lần thứ hai, mọi người sẽ bỏ qua hoặc tha thứ. Nhưng nếu việc này tiếp tục xảy ra và lặp đi lặp lại quá nhiều lần, người thiệc thòi chỉ có chính mình mà thôi. Trong công việc, chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu, phải tạo dựng được lòng tin thì mọi người mới còn muốn tiếp tục đồng hành cùng chúng ta.
Tuy nhiên, không chỉ riêng trong công việc, cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng sẽ gặp và tiếp xúc với rất nhiều người. Việc giữ chữ tín cho mình chính là cách mình tôn trọng bản thân và người khác. Bởi vì người xưa có câu “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, đừng biến mình thành một người mà bất kỳ khi nào nhắc đến, người xung quanh cũng khua tay lắc đầu vì “không đáng tin”. Người trung thực, giữ chữ tín sẽ luôn được người khác yêu mến, kính trọng.
Uy tín là phương tiện để đánh giá năng lực của một người
3. Giữ thể diện cho người, cũng là giữ cho mình
Chúng ta đừng lầm tưởng, một khi “hạ bệ” được ai đó, làm họ mất mặt trước đám đông sẽ mang đến cho mình nhiều sự nể phục. Việc làm mất thể diện của một người khác sẽ chỉ khiến người xung quanh nhìn chúng ta bằng một ánh mắt e dè. Làm mất thể diện người khác, cũng là đánh mất thể diện của chính mình.
Một người tinh tế thật sự, là người biết lúc nào nên thể hiện thái độ, đóng góp ý kiến một cách kín đáo. Không nhất thiết phải để tất cả mọi người cùng biết, đặc biệt không để người khác rơi vào khó xử. Người thông minh, độ lượng sẽ luôn chừa cho người khác một đường lui, không ép họ vào đường cùng.
Tôn trọng cá nhân và giữ thể diện cho người khác
4. Đừng tức giận vì những chuyện nhỏ nhặt
Nếu chúng ta luôn thể hiện ra cho những người xung quanh thấy được mình là một người dễ cáu gắt, khó gần thì điều đó vô tình sẽ khiến chúng ta trở thành một người dễ làm người khác bị ảnh hưởng lây. Đừng nên vì những điều nhỏ mà để cảm xúc lấn chiếm cả lý trí. Người dễ phẫn nộ sẽ dễ làm hỏng đại sự vì không biết kiềm chế lẫn quản lý cảm xúc.
Việc nhanh chóng tức giận, nổi nóng chỉ vì một vài chuyện nhỏ bé sẽ gây ảnh hưởng đến bản thân lẫn những người xung quanh. Khiến cho việc quan trọng nhất khó có thể thành công. Ngược lại cảm xúc tiêu cực sẽ khiến chúng ta khó tập trung. Hãy học cách quản lý cảm xúc thật tốt và tất nhiên, làm người không nên quá dễ tức giận. Người khác sẽ dễ dàng có được điểm yếu của bạn.
Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh
5. Phải biết từ chối đúng lúc
Đứng trước những lời chiêu dụ, cám dỗ…thì phải biết nói lời cự tuyệt. Hòa nhã không đúng lúc sẽ dễ dẫn đến thiệt thòi cho chính mình mà chuyện lớn cũng khó có thể thành công. Thay vì miễn cưỡng “làm vui lòng người khác” hãy nghĩ cho bản thân mình trước tiên, học được cách nói từ chối. Người thẳng thắn sẽ dễ dàng khiến người khác nể phục.
Trong cuộc sống, mọi việc tốt lành không đơn giản tự nhiên mà đến, chúng ta nên giữ cho mình một cái đầu lạnh, biết phân biệt đúng sai khi đứng trước những sự việc rối ren hoặc những lợi ích cá nhân. Từ chối đúng lúc sẽ mang đến cho chúng ta nhiều lợi ích hơn là mặc kệ mọi thứ và miễn cưỡng đồng thuận rồi làm không đến đâu.
Biết lúc nào là thời điểm tốt để chối từ
Kết: Học hỏi là một quá trình không có đích đến, mỗi ngày chúng ta cố gắng tiếp thu thêm nhiều điều hay, có như thế bản thân mới có thể dần hoàn thiện. Con người không có ai hoàn hảo nhất, nhưng những cách đối nhân xử thế đơn giản sẽ khiến chúng ta trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Facebook - bình luận