Một người khi xem bộ phim kinh dị thì muốn cảm nhận về điều gì? Hồi hộp và sợ hãi chăng? Nhưng đó lại là thứ mà Karem, The Possession (Karem, Vật Chứa Tử Thần) thiếu sót nhất trong cách truyền tải lần này.
Dựa vào một cậu chuyện có thật năm 1984, kể về sự cố quỷ dị của một gia đình khi chuyển đến chỗ ở mới. Đó là Abraham Briseño – Mariana Briseño và những đứa con của mình. Họ có một cuộc “du hành” từ Hoa Kỳ đến Mexico và làm quen với ngồi nhà mới, trang viên mới nhưng ẩn chứa vô số điềm chẳng lành.
Nơi đây từng cất giấu những bí mật về vụ án mạng kinh hoàng, hiển nhiên ngôi nhà cũng bị ám bởi những vong hồn vất vưởng từ sự cố năm xưa. Đó cũng là nguyên nhân hình thành lên bối cảnh chính của Karem, Vật Chứa Tử Thần.
>>> Xem thêm: Trailer Sát Thủ Nhân Tạo 2: Lee Jong Suk chiếm trọn tâm điểm
Karem, con gái út trong gia đình luôn phát hiện những hiện tượng kỳ bí nơi đây. Cụ thể là cô bé đã nhặt được một món đồ chơi cổ quái và một cuối nhật ký có lẽ từ người chủ của căn nhà. Kể từ đó, Karem dường như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chỉ muốn suốt ngày bầu bạn bên những thứ lạ kỳ đó và một bóng ma mang tên Naro.
“Đáp lại” tình cảm của người bạn mới, Naro đã ban phát cho Karem một nguồn sức mạnh có thể điều khiển từ xa. Nhưng đó lại không phải chủ ý tốt đẹp gì, đằng sau là cả một âm mưu thâm độc của một tên quỷ dữ muốn lợi dụng cô bé để làm chuyện hại người.
Tác dụng phụ của nguồn sức mạnh khiến Karem dần trở nên bất ổn, cả gia đình đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của một vị linh mục để tháo gỡ những mối nguy tiềm tàng đó.
Dễ dàng thấy được Karem, Vật Chứa Tử Thần có một motif chuyện cũ kỹ đến nhàm chán, cứ cảm tưởng rằng bộ phim được làm từ năm 1984 chứ không còn là lấy ý tưởng từ thời điểm đó nữa, lối kể chuyện đã đi vào lạc hậu và sáo mòn.
Lấy đối tượng nạn nhân là một trẻ vị thành niên với những bức bối tâm lý từ sự cô lập cùng việc chịu áp lực của bạn bè đồng trang lứa. Từ đó, đứa trẻ tìm đến việc tránh xa hiện thực tồi tệ kia mà chìm đắm vào thế giới khác, nơi mà sự bắt nạt không hiện hữu, chỉ có những tâm tình thấu đáo.
Vẻ ngụy trang như vậy hoàn toàn chiếm được lòng tin của Karem, con quỷ dữ muốn lợi dụng vào nỗi đau trong tiềm thức của “con mồi” và tạo ra một sự bấu víu cho những tâm hồn đó, để họ hoàn toàn phụ thuộc vào nó mà tự dấn thân vào cái bẫy hắn đã đặt ra.
Thoạt nhìn có vẻ đây là một ý tưởng khá thú vị đó chứ, nhưng sai lầm đầu tiên của Karem, Vật Chứa Tử Thần là chọn một hướng đi ngớ ngẩn, thậm chí còn cho mình cảm giác thật sự bộ phim đang làm phiền đến người xem.
Từ việc đặt để nạn nhân vào một vụ “tai nạn” khuôn mẫu, đến việc giải quyết vấn đề bằng những thủ pháp trừ tà không có gì đặc sắc. Hai “đối tượng” được sử dụng nhiều nhất trong việc làm phim kinh dị hàng thập kỷ qua đã dẫn đến kết quả Karem, Vật Chứa Tử Thần là bộ phim gây mệt mỏi và thất vọng trên màn ảnh.
Bộ phim lần này còn khiến mình ngao ngán vì sự tái diễn của những khuôn sáo thể loại méo mó trong câu chuyện của vị đạo diễn. Thay vì góp phần vào mục đích gợi mở cho người xem, Harry Bedwell lại dập tắt toàn bộ những suy luận về bộ phim bằng cách tận dụng những tình tiết mà “nhắm mắt” cũng có thể đoán được. Nghĩa là mình có thể biết trước được những gì sắp xảy đến của bộ phim và hoàn toàn kiểm soát được trí tưởng tượng của bản thân.
Không những thế, kịch bản phim còn đầy rẫy những tình huống phi logic, nhiều cảnh xảy ra nhưng lại không có lời giải thích phù hợp khiến tính thực tế của Karem, Vật Chứa Tử Thần gần như không có gì ngoài việc bắt nguồn cảm hứng từ một sự kiện ngoài đời thường.
Mình không phủ nhận nỗ lực tái hiện lại khung cảnh xưa cũ của bộ phim nhưng điều đó là chưa đủ, cả trang phục và bối cảnh hiện lên đều rất mờ nhạt, không có dấu ấn gì về những vết xước của thời gian tồn đọng lên những vật dụng kia.
Mặt khác, hiệu ứng hình ảnh cũng không giúp bạn sợ hãi, thậm chí còn khiến bạn bật cười vì kỹ xảo “khum hề giả trân” nữa kia. Việc lạm dụng khi cố gắng đưa âm thanh để tạo thành những cái “bẫy cảm xúc” gây giật mình, hay nói cách khác là jumpscare mà không có chủ đích cũng là một trong những điều khó hiểu mà Karem, Vật Chứa Tử Thần mang lại cho trải nghiệm hơn 86 phút ngồi trước màn ảnh của mình.
>>> Xem thêm: Sát Thủ Nhân Tạo 2: Không quá tệ nhưng "lép vế" phần 1 về mọi mặt
Về diễn xuất, dàn diễn viên có tiếng tăm ở Mexico bao gồm Daniel Martinez và Dominika Paleta nhưng lại có màn trình diễn không đáng tin càng tô điểm hơn cho kịch bản thảm họa của Bedwell. Raquel Rodríguez, cô bé đóng vai nhân vật chính Karem cũng lộ rõ vẻ “đuối sức” trong việc đảm đương vai diễn “nặng đô” lần này.
Và đó là tất cả những trải nghiệm xấu mà bộ phim Karem, Vật Chứa Tử Thần đã truyền tải đến với mình. Còn bạn, có cảm nhận gì về bộ phim thì để lại bình luận bên dưới nhé.
* Bài viết của Salonpas chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn là người đam mê thể loại kinh dị và loạt tác phẩm phim Âu Mỹ , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Karem, The Possession (Karem, Vật Chứa Tử Thần) ? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận