Cảm xúc của mình sau khi xem Kẻ Thứ Ba khá là hỗn độn. Giữa những phản ứng trái chiều về bộ phim (đa số là chê) thì cá nhân mình thấy phim vẫn có những điểm sáng cần được nhìn nhận khách quan hơn.
Công tâm mà nói thì Kẻ Thứ Ba với mình không phải là một bộ phim hay, tuy nhiên ngoài những điểm trừ cần phải đề cập đến thì phim vẫn có những điểm cộng đáng được ghi nhận.
Nói sơ về nội dung thì Kẻ Thứ Ba là câu chuyện kể về những sự kiện diễn ra trong quá khứ qua sự tác động về mặt thời gian của Quang Kha (Han Jae Suk), Thiên Di (Lý Nhã Kỳ) và Kelly Đào (Kim Tuyến). Sau sự ra đi của vợ mình, Quang Kha vẫn không thể chấp nhận được sự thật nên đã tìm cách thay đổi vận mệnh. Không ngờ, anh đã phát hiện ra những sự thật đau lòng mà lẽ ra anh không nên biết đến.
Nói về điểm tốt, đầu tiên là diễn xuất của các nhân vật phụ Ali (Xuân Nghị) và Trứng Ngỗng (Hoàng Khôi). Tuy chỉ là vai phụ nhưng Ali và Trứng Ngỗng đã cứu vớt cả phim, xuất hiện chỗ nào là mắc cười chỗ đó. Trứng Ngỗng trong Kẻ Thứ Ba là nhân vật thông minh và có tác động khá nhiều vào mạch truyện.
Xét về cấu trúc kịch bản thì Ali và Trứng Ngỗng là kiểu helper, tức là những người bạn đồng hành để giúp đỡ nhân vật chính hoàn thành nhiệm vụ. Với mình, cả hai nhân vật phụ này đã làm rất tròn trịa vai diễn và cả vai trò của mình.
Nhân vật trong Kẻ Thứ Ba cũng vừa vặn, mỗi người có một vai trò, một nhiệm vụ khác nhau, mình thấy không bị thừa hoặc bù nhìn như một số bộ phim khác.
Kẻ Thứ Ba chọn bối cảnh Đà Lạt rất phù hợp với nội dung câu chuyện, tone màu cũng trầm ấm và dễ chịu. Một phần nữa là Đà Lạt rất “thơ” nên mình thấy dễ xuôi theo những câu chuyện có vẻ hơi phi thực tế như này hơn.
Kẻ Thứ Ba có yếu tố drama và làm tốt hơn so với một số phim Việt ra rạp gần đây. So với những phim tâm lý tình cảm của Việt Nam ra rạp gần đây như Ê Ông Già, Yêu Ha! hay Những Cô Vợ Hành Động thì thật sự là Kẻ Thứ Ba làm tốt hơn nhiều.
>>> Xem thêm: Teaser Kẻ Thứ 3: Lý Nhã Kỳ gặp biến, Han Jae Suk về quá khứ giải cứu
Mình chỉ nghĩ là nếu Kẻ Thứ Ba có thể phát triển thành phim truyền hình và tăng độ kịch tính lên chắc sẽ ổn áp và tạo được hiệu ứng tốt hơn.
Vì thứ nhất, dàn cast của phim này toàn là những gương mặt đã quá quen thuộc với khán giả Việt Nam như Lý Nhã Kỳ, Kim Tuyến, còn Han Jae Suk tuy là người Hàn Quốc nhưng cũng sở hữu lượng fan đông đảo từ những bộ phim trước đó.
Thứ hai là cốt truyện có drama nhưng dường như thời lượng của một bộ phim điện ảnh rất khó để biết chỗ nào nên dàn, chỗ nào nên siết thời lượng. Tâm lý nhân vật cũng chưa có đủ thời gian để phát triển và đẩy lên cao trào nên cả phim khá ngang.
Cuối cùng là những câu thoại. Tuy thoại trong Kẻ Thứ Ba có phần hơi sến sẩm nhưng để lại cho mình khá nhiều suy nghĩ ví dụ như câu câu: “Thiên đường có thật không?” Mình đoán là câu này nếu không thành trend thì cũng sẽ là câu nói mà ai coi phim xong cũng đem ra ghẹo nhau.
Kẻ Thứ Ba cũng đặt ra cho mình vấn đề về vận mệnh từ cụm từ “Amor Fati” (Yêu lấy định mệnh của chính mình). Theo như mình biết thì nó có liên quan đến chủ nghĩa khắc kỷ Seneca và hướng con người đến việc chấp nhận mọi thứ diễn ra trong thực tại để có thể sống một cách yên bình hơn.
Thật ra mình nghĩ Kẻ Thứ Ba bị chê nhiều là do những điểm trên bề mặt phim làm không tốt nên chưa gì đã tạo ấn tượng xấu với khán giả rồi. Nói về điểm trừ thì đầu tiên, cái mà chắc có lẽ ai xem xong cũng có thể cảm nhận được là Kẻ Thứ Ba rất hạn chế về thoại và diễn xuất. Cả Han Jae Suk, Lý Nhã Kỳ và Kim Tuyến, mình thấy không ai thật sự tạo được điểm nhấn với vai diễn của mình trong Kẻ Thứ Ba.
Do Han Jae Suk là người nước ngoài nên phải lồng tiếng, mà lồng không khớp coi hơi sượng. Lồng tiếng cho Han Jae Suk hay nhưng mà nó theo hướng sân khấu và truyền hình quá nên hơi ô dề, không được tự nhiên. Diễn xuất của Han Jae Suk ổn nhưng cứ bình bình, chưa có điểm bứt phá và không khác gì với những vai diễn trước.
Lý Nhã Kỳ thoại hơi điệu, đóng cũng hơi điệu luôn. Mình thấy từ ngôn ngữ hình thể, biểu cảm gương mặt cho đến nét diễn tâm lý, mọi thứ Lý Nhã Kỳ đều xử lý hơi thái quá. Mấy cảnh lẽ ra cảnh bi mà Lý Nhã Kỳ đóng thành ra tưởng đâu diễn hài.
>>> Xem thêm: Nhìn lại chặng đường diễn xuất của Han Jae Suk trước Kẻ Thứ 3
Kim Tuyến diễn tròn vai nhất nhưng chưa có gì nổi bật và khác biệt so với Kim Tuyến trong các bộ phim khác. Cảnh đầu phim, Kim Tuyến đóng vai VJ Radio khiến mình hơi thất vọng. Mình thấy cảnh đó Kim Tuyến vấp thoại, khựng thoại và diễn xuất không được tự nhiên cho lắm, thật sự là nó chưa ra được vibe của một người dẫn chương trình audio luôn.
Mình nghĩ một điểm góp phần khiến cho diễn xuất của nhân vật có phần hơi sượng như vậy là do thoại. Thoại của tuyến nhân vật chính sến, rất sến. Thoại của tuyến nhân vật phụ thì bị dài dòng, dư thừa, không có ý nghĩa gì ngoài việc kéo dài thời gian.
Kẻ Thứ Ba nhồi quá nhiều chi tiết, gieo được mà gặt không được thành ra thắt nút nhiều quá mà gỡ không ra nó rối nùi. Rối ở đây không phải là hack não khiến mình không hiểu mà là hiểu nhưng vẫn thấy nó vô lý.
Phim có mỗi một cảnh sử dụng kỹ xảo thôi. Kỹ xảo cảnh laptop rơi xuống nước khá là ảo ma canada, không biết là kỹ xảo năm bao nhiêu luôn. Thêm nữa là tthời gian trong Kẻ Thứ Ba đan xen giữa quá khứ, hiện tại cộng thêm những cảnh flashback nên hơi rối, chưa có trật tự.
Kẻ Thứ Ba có twist nhưng mình thấy twist cuối hơi nhẹ và hơi dễ đoán, nhiều cái vô lý và hơi sắp đặt. Việc chỉ giải thích hết tất cả mọi chuyện qua voice off từ bức thư khiến mình thấy chưa thật sự thỏa mãn.
Nói chung tổng thể Kẻ Thứ Ba mình thấy là làm chưa tới, diễn xuất cũng còn nhiều khuyết điểm, câu chuyện thì còn nhiều chỗ vô lý nhưng thật sự phim khiến mình suy nghĩ về hai chữ “vận mệnh” khá nhiều.
Tuy không hay nhưng nó cũng đã phần nào chạm được đến cảm xúc của mình, cho mình được bài học về sự chấp nhận và “Yêu lấy vận mệnh của mình”. Với mình thì đây không phải là một thông điệp mới nhưng đã được truyền tải một cách nhẹ, mới lạ và thấm thía.
Bài viết được Lọ Lem gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về Kẻ Thứ Ba tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận