Khử Nghiệp là phim hành động giật gân đến từ Hà Lan với một sắc thái hoàn toàn mới. Xem xong phim, điều đọng lại trong mình không phải là những pha đuổi bắt, trốn tìm gay cấn mà là bài học nhớ đời về lời xin lỗi ngay và luôn.
Mọi mâu thuẫn trong phim đều xuất phát từ việc thiếu vắng đi lời xin lỗi trong tình huống đơn giản thường ngày. Hans (Jeroen Spitzenberger) cùng vợ là Diana (Annie Pheifer) và hai cô con gái Milou (Roosmarijn van der Hoek), Robine (Liz Vergeer). Khi trót va phải xe của người đàn ông trung niên tên Ed (Willem de Wolf) trên đường cao tốc, vì không chịu xin lỗi nên vợ chồng Hans đã được cụ dạy cho bài học nhớ đời.
>>> Xem thêm: Khử Nghiệp: Phim không có gì ngoài mấy pha xử lí cồng kềnh, xem mà tức
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ có lúc mắc những sai lầm và lời xin lỗi là cách để thể hiện sự hối lỗi của bản thân. Tưởng chừng như là câu chuyện được cường điệu hóa về lời xin lỗi nhưng dưới góc nhìn của văn hóa Hà Lan, nơi mà phim Khử Nghiệp ra đời thì câu chuyện lại truyền tải những thông điệp vô cùng ý nghĩa.
Hà Lan là một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới. Với người dân nước này, giáo dục và đặc biệt là giáo dục lối sống được đặt lên hàng đầu. Tấm gương điển hình hóa được thể hiện qua phim đó là nhân vật Ed.
Ed là một nhân vật chuyên đi “dạy dỗ” những kẻ trót gây nghiệp hay nói đúng hơn là những thanh niên cư xử vô lễ với ông. Mở đầu phim, mình khá ấn tượng với phân đoạn Ed “thăm hỏi” nam thanh niên trót va xe đạp vào xe của cụ. Thanh niên này đã phải trả giá cho sự vô lễ trước đó mặc cho mọi sự trốn chạy hay van xin.
Phim cũng đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật khi tất cả các nhân vật đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, các nguyên tắc ứng xử chung. Cụ Ed luôn luôn đảm bảo không vượt quá tốc độ trên cao tốc và vượt làn đường mặc cho hàng tá xe xếp hàng dài phải chờ mình. Diana và hai con gái thì luôn í ới nhắc Hans về hậu quả khi anh trót vượt đèn đỏ hay lạng lách quá cây số.
>>> Xem thêm: Khử Nghiệp tung trailer kinh dị, khi quả báo đến sớm hơn bạn nghĩ
Với hai nhân vật nhỏ tuổi nhất như Milou và Robine, tinh thần “công dân gương mẫu” ấy cũng được thể hiện rõ qua cảnh giành máy tính bảng trên xe. Hai cô bé chí chóe nhau không phải chỉ để giành thiết bị giải trí mà còn bởi nguyên tắc “không được chơi game quá 60 phút một ngày” do bố mẹ đặt ra. Và thậm chí là từ đầu đến cuối phim, câu khẩu hiệu “Chào mừng đến với trường học” cũng được xuất hiện liên tục nhằm nhắc nhở về tinh thần giáo dục.
Thoạt đầu xem trailer, mình đã tự hỏi rằng liệu Ed có đang làm quá lên khi truy tìm Hans bởi một lí do vô cùng “xàm xí” là bọc đầu xe trên cao tốc. Nhưng nhìn lại phim, Ed đã cho Hans rất nhiều cơ hội khi sử dụng nhiều biện pháp để cảm hóa sự cứng đầu của anh.
Ed đã năm lần bảy lượt đề nghị Hans xin lỗi từ trong cửa hàng tạp hóa cho đến trên xe bên vệ đường. Lỗi lầm nào cũng cần được thứ tha và có cơ hội sửa chữa. Điều khiến Ed quyết định “khử nghiệp” Hans không phải là bọc đầu trên cao tốc mà là chính là thái độ sống của anh.
Hans liên tục dùng lời lẽ để thể hiện sự cố chấp của mình mặc cho vợ con anh cũng nhìn thấy sai lầm của anh. Khi bị hù đến tái mét mặt mày, anh cũng chỉ miễn cưỡng xin lỗi với một thái độ khiến người khác bực bội hơn. Sự chịu đựng của Ed đã quá giới hạn, ông chỉ đành thốt ra “Lời xin lỗi của anh đã quá muộn”.
Yếu tố giáo dục từ gia đình cũng được thể hiện khá rõ trong phim. Vì không tìm được Hans nên Ed đã đến nhà mẹ anh hòng mắng vốn “sương sương”. Ông đã hỏi bà rằng liệu những lỗi lầm con cái gây ra thì bố mẹ chúng có phải chịu trách nhiệm. Nét tính cách bướng bỉnh, nóng vội của Hans phần nào bị ảnh hưởng từ mẹ anh khi chính bà luôn gọi điện thoại hối thúc con trai mặc cho anh đang bận bịu lái xe.
Ở đoạn kết phim, không ai có thể tìm ra Ed mà ông đã trà trộn vào lực lượng y tế và tiếp cận với Milou và Robine. Vì Ed nhận thấy hai cô bé là những trang giấy trắng chưa bị ảnh hưởng bởi cách hành xử kì quặc của bố mẹ chúng nên đã quyết định bỏ qua cho cả hai. Ông đã chốt hạ rằng “Các cháu không có lỗi, lỗi là ở bố mẹ các cháu”.
Cái kết dành cho Hans khiến mình khá bất ngờ, Khử Nghiệp trở thành truyện cổ tích với luật hoa quả mang tính tuyệt đối. Sự vô lễ đi kèm với bản tính cố chấp của Hans sẽ không bao giờ được chấp nhận. Hai tính cách đó nếu cùng xuất hiện sẽ hủy đi nhân cách con người.
Câu chuyện ẩn dụ tại cửa hàng tạp hóa của Ed là lời cảnh báo cho sự bất lực trong gia đình của Hans. Như chú chuột lớn trong câu chuyện, Hans luôn dùng vợ con làm cái cớ che đậy mọi tội lỗi của mình. Hans dường như không thể làm chủ và luôn luôn dưới cơ các thành viên trong gia đình, kể cả hai cô con gái. Thay vì thừa nhận sự bất lực của chính mình, anh luôn luôn tìm cách đổ lỗi và gây gổ với những người xung quanh.
Khử Nghiệp là phim mang đậm nét tính cách đặc trưng của con người Hà Lan khi yếu tố giáo dục lối sống được đặt lên hàng đầu. Lời xin lỗi tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng lại hay bị bỏ quên trong cuộc sống hiện đại. Đây chắc chắn sẽ là bài học nhớ đời cho cả gia đình Hans từ nay về sau. Xì Bàng cũng ghi lòng tạc dạ bài học từ cụ Ed về thái độ sống khi phạm phải sai lầm. Còn bạn ấn tượng nhất với điều gì khi xem phim, hãy comment bên dưới cho mình biết nhé.
*Bài viết của Xì Bàng gửi về DienAnh.Net
Xem đầy đủ thông tin và review hay về Khử Nghiệp tại Thư Viện Phim và Phim Hay Sắp Chiếu nhé.
Facebook - bình luận