Có lẽ từ đầu năm cho đến giờ, hiếm có bộ phim kinh dị châu Á nào mà khiến Wukong hài lòng, gợi nhiều sự tò mò cho mình như Linh Hồn Vũ Nữ. Thoạt đầu cứ ngỡ bộ phim của Indonesia sẽ đi vào lối mòn quen thuộc với những cách cường điệu hay jumpscare vô nghĩa như nhiều tác phẩm khác, nhưng Linh Hồn Vũ Nữ lại biết cách tạo nhiều bí ẩn từ chính cốt truyện, khiến mình tò mò muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Linh Hồn Vũ Nữ là tác phẩm được chuyển thể từ bài viết từ một tài khoản Twitter tên là Simple Man, kể về sáu học sinh đi thực hiện dự án công ích tại một ngôi làng hẻo lánh. Trong số đó, Nur (Tissa Biani) được cho là luôn gieo duyên với thần linh, được các ngài phù hộ, cô luôn cảm thấy có điều gì đó không ổn nơi đây.
Tất nhiên, đúng như những gì người dân nói, nơi đây không chỉ tồn tại một mà là 2 ngôi làng. Ngôi làng thứ hai chính là nơi trú ngụ của các linh hồn, không thể nhìn bằng mắt thường. Và cả 6 người không biết được rằng đây là vùng đất dưới sự cai trị của Badarawuhi – một linh hồn vũ nữ.
Trước khi đi vào đánh giá chi tiết bộ phim, mình xin chia sẻ một số cảm nhận của mình khi xem những tác phẩm do các nước Đông Nam Á thực hiện trong nhiều tháng gần đây. Chắc chắn một điều, các tác phẩm Hollywood thường sẽ tạo nhiều dấu ấn về nhiều yếu tố hơn so với các tác phẩm châu Á.
Nếu chỉ tính trong những nước Đông Nam Á mà mình từng theo dõi, duy chỉ có mỗi Hàn, Thái và Nhật là có được lượng phim kinh dị hấp dẫn nhất. Chính vì thế, khi xem các tác phẩm của Indonesia hay các nước láng giềng, mình sẽ không đặt quá nhiều kỳ vọng để có một trải nghiệm điện ảnh “an toàn” nhất.
Với Linh Hồn Vũ Nữ cũng thế, mình xem đây là đơn thuần là một tác phẩm kinh dị với những tính chất hù dọa, huyền bí quen thuộc, vì vậy cách nhìn của mình về bộ phim hoàn toàn tích cực và thoáng hơn.
Một trong những điều mình thấy hầu hết 90% các bộ phim kinh dị đều sử dụng đó là hiệu ứng hù dọa bất ngờ (jumpscare). Tuy nhiên, để ý đi! Những bộ phim mà có cốt truyện lỏng lẻo và luôn khiến bạn hoang mang, thì sẽ đầy rẫy những pha hù dọa này. Mục đích là nhà làm phim muốn tận dụng như một chiếc “phao cứu sinh” nhằm đánh lừa mình về mức độ kinh dị của cốt truyện.
Chính vì vậy, với một người “sành kinh dị” như mình, nếu một bộ phim mà chứa quá nhiều yếu tố hù dọa nhưng lại không gây mức độ “hú hồn” cực cao hay quá mức cần thiết, thì chắc chắn tính kinh dị cực kỳ tệ.
Linh Hồn Vũ Nữ của Awi Suryadi tuy có chứa đựng yếu tố này nhưng thực chất lại hoàn toàn tạo được sự bất ngờ cho mình. Đặc biệt ở những phân cảnh mà “thế lực tâm linh” xuất hiện, bối cảnh và mạch phim đều làm một cách từ tốn và không khoa trương để mình biết “thứ gì đó đang xảy ra”, cho đến khi bất giác xuất hiện thì lại khiến mình không ngừng gào thét lên.
Mình thấy ảm giác khi xem Linh Hồn Vũ Nữ, ít nhiều giống với việc bản thân được trải nghiệm trong một ngôi nhà ma cùng lũ bạn, có nhiều phân đoạn tưởng chừng sẽ phải giật nảy người lên nhưng hóa ra lại không có gì và ngược lại.
>>> Xem thêm: Trailer Linh Hồn Vũ Nữ: Hoảng vía với bối cảnh và âm thanh
Thực sự điều này không chỉ làm trải nghiệm điện ảnh của mình thú vị mà còn tự mình hù mình nữa chứ! Bánh Đúc nghĩ, nếu những ai không quen coi những tác phẩm kinh dị của Thái, Nhật hay Hàn, thì bạn có thể thử với Linh Hồn Vũ Nữ, một chút vui nhộn đan xen với những điều kịch tính.
Việc lựa chọn Aulia Sarah đóng vai Badarawuhi là điều đúng đắn. Từ biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể và thậm chí cả những vóc dáng của cô ấy, cũng gợi lên những gì mà tác giả Simple Man khắc họa trên bản gốc.
Nói về mặt kỹ xảo điện ảnh, mình nghĩ cần phải dành những tràng pháo tay cho các nhà làm phim khi tận dụng các chất liệu cổ kín, tông màu tối phù hợp với điều kiện làng quê, toát lên được chất truyền thống. Bên cạnh đó, việc tạo nên những luồng ánh sáng yếu khiến mình có thể cảm nhận được sự bí bách của các nhân vật khi bị bủa vây bởi các thế lực tâm linh, hắc ám.
Linh Hồn Vũ Nữ không phải là một bộ phim đơn giản, có tin đồn nhà sản xuất đã chi tới 15 tỷ Rupiah (tương ứng với 23 tỷ đồng) cho bộ phim này. Vì vậy, nếu kỹ thuật quay phim và phông nền được sử dụng có chất lượng cao thì chắc chắn không có gì đáng ngạc nhiên.
Nói về diễn xuất, các diễn viên của Linh Hồn Vũ Nữ như đã thổi hồn vào các nhân vật. Đáng kể nhất là Tissa Biani thủ vai Nur, một người theo đạo Hồi, có nét điềm tĩnh và ngây thơ. Bên cạnh đó là Adinda Thomas thủ vai Widya, tạo cho một sự sợ hãi nhất định mỗi khi nhân vật xuất hiện. Điển hình là cảnh phim tóc rơi ra từ miệng của Widya. Xem mà muốn “són” tại chỗ luôn!
>>> Xem thêm: Conan - Nàng Dâu Halloween: Tựa phim như một cú lừa, diễn biến dễ đoán
Điểm cộng là vậy. Thế điểm trừ là gì? Chính vì Linh Hồn Vũ Nữ là một tác phẩm được làm lại dựa trên một câu chuyện lan truyền trên Twitter, nên mình nghĩ những ai đã đọc qua sẽ không còn bất ngờ với nội dung chính của phim.
Nếu thật sự để trải nghiệm xem không bị nhàm chán, mình nghĩ mọi người nên cảm nhận trực quan và tưởng tượng bản thân đang trải nghiệm trong chính bối cảnh của các nhân vật.
Tóm lại, Linh Hồn Vũ Nữ hoàn toàn là một bộ phim tạm ổn, mang sắc cổ điển cùng với những chất liệu dân gian, bộ phim hoàn toàn tạo nên những phút giây bí ẩn và khiến mình phải tò mò khám phá câu chuyện chính của các nhân vật.
* Bài viết của Wukong chia sẻ tại box Mọt phim Review
Nếu bạn thích thể loại kinh dị, bí ẩn hay những câu chuyện chứa đựng thế lực siêu nhiên , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Linh Hồn Vũ Nữ? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận