“Mẹ kế - con chồng" - mối quan hệ đặc biệt này từ trước đến nay vẫn thường được các bộ phim truyền hình Việt Nam khai thác. Tuy cùng một kiểu nhân vật nhưng tôi thấy, mỗi tác phẩm lại được xây dựng một cách khác nhau. Điển hình như 5 “bà mẹ kế" mỗi người một vẻ của các bộ phim VTV dưới đây!
Minh Hương - 11 Tháng 5 Ngày
Thu (Minh Hương) của 11 Tháng 5 Ngày cho tôi cảm giác vô cùng cảm mến và khâm phục. Vì yêu ông Vinh (bố Tuệ Nhi), cô đã ra sức vun vén, chăm sóc cho ông lẫn bà nội Nhi. Tuy nhiên, Thu lại nhận về thái độ chẳng mấy tôn trọng phía con của người yêu, thậm chí Nhi vì phản đối mối quan hệ này mà bỏ nhà ra đi.
Để cứu vớt tình cha con của ông Vinh và Nhi, Thu cố tránh né người yêu. Cuối cùng thì nàng tiểu thư cũng hiểu ra mọi chuyện và chấp nhận Thu. Câu nói của người mẹ kế - Thu khi đối diện với con chồng khiến tôi thực sự xúc động: “Chị chưa từng nghĩ sẽ thay thế được vị trí của mẹ em”. Có thể thấy, Thu là một người phụ nữ hiểu lý lẽ và rất xứng đáng có được hạnh phúc.
>>> Xem thêm: NSND Như Quỳnh và những người bà phim VTV là những giai nhân một thời
Ngọc Lan - Mặt Nạ Gương
Giờ vàng VTV hiện tại còn có sự xuất hiện của một bà mẹ kế khác. Đó là Diễm (Ngọc Lan) trong Mặt Nạ Gương. Chỉ nhìn vào tạo hình sắc lạnh của nữ diễn viên thôi là tôi đã thấy nhân vật này không hề đơn giản rồi. Nhưng càng xem phim tôi càng phải sợ hãi trước sự mưu mô của Diễm.
Diễm là vợ sau của ông Nghị - một bác sĩ thẩm mỹ nổi tiếng. Người phụ nữ này luôn xem chồng là nơi để bà bòn rút tiền, chiều theo những sở thích tốn kém, hoang phí của mình. Bà Diễm tỏ vẻ thảo mai trước mặt Hoa - con gái riêng của chồng nhưng sau lưng thì chỉ muốn ra tay với cô nàng cho hả dạ.
Chưa hết, Diễm còn tham lam đến mức muốn độc chiếm gia tài của bố con Hoa. Nhìn vào người phụ nữ này, tôi nghĩ người ta nói “mấy đời mẹ kế mà thương con chồng” quả là có lý do. Nhìn sự phân biệt đối xử giữa Hoa với Mai - con gái ruột của bà ta mà tôi cảm thấy tội thay cho ông Nghị, chứ còn Hoa thì cũng có ưa gì bà ta đâu.
Thân Thuý Hà - Nếu Còn Có Ngày Mai
Nếu Còn Có Ngày Mai là tác phẩm lấy bối cảnh thời xưa lấy không ít nước mắt của tôi khi xem. Mà nhân vật khiến tôi cảm thấy bất bình nhất chính là Sáng (Thân Thúy Hà) – bà mẹ kế trơ tráo và cay nghiệt. Nói riêng về người diễn viên này, cô ấy luôn đóng rất xuất sắc những dạng vai phản diện, khiến người khác ghét, ví dụ như gần đây tôi xem phim Lưới Trời cũng không thể ưa được những hành động mà cô đối xử với em gái của chồng.
Trong phim Nếu Còn Có Ngày Mai, chính Sáng là người đã chen vào gia đình đang êm ấm của Dần. Sự xuất hiện của cô khiến mẹ bé Duyên phải ra đi trong tức tưởi. Ấy vậy mà không một chút ăn năn, sau khi vợ cả của Dần mất, người đàn bà này đối xử với con riêng của chồng thậm tệ với những lời sỉ vả hàng ngày và những lần vung tay quá trán.
Hồng Diễm - Cả Một Đời Ân Oán
Mẹ kế hiền lành đã là quý nhưng đến mức đáng thương như Hồng Diễm ở Cả Một Đời Ân Oán thì đúng là một câu chuyện hiếm. Trong phim, cô vào vai Dung - một người phụ nữ hiền dịu. Cô kết hôn cùng với Đăng (Mạnh Trường) - công tử giàu có đã 1 lần đò và có 1 đứa con trai.
Dung luôn cố gắng vun vén cho gia đình và chăm lo cho con riêng của chồng. Thế nhưng, thằng nhóc chẳng ưa gì Dung và dưới sự chống lưng của bà nội, nhiều lần tỏ thái độ với cô. Mọi hành động xuất phát từ ý tốt của Dung đối với cậu nhóc luôn bị mẹ chồng xem là ức hiếp. Tôi thấy sau vai diễn này, khán giả hẳn có một cái nhìn hoàn toàn khác về người mẹ kế.
Chắc hiếm khi nào có được những vai diễn khác biệt về nhân vật này giống Dung của Hồng Diễm trong phim Cả Một Đời Ân Oán nhỉ. Bởi thế nên lúc xem phim, tôi cảm thấy một sự đa chiều trong góc nhìn của người đạo diễn, đúng là đôi khi ta phải có hướng đi khác để tạo nên nhiều màu sắc cuộc sống, chứ xây dựng mẹ kế đáng ghét, cay nghiệt thì cũng… thường quá.
Diệu Hương - Bánh Đúc Có Xương
Ra mắt năm 2014, bộ phim Bánh Đúc Có Xương đã tạo nên cơn sốt khi xóa tan mọi định kiến về mối quan hệ mẹ kế con chồng. Tác phẩm này xoay quanh cuộc sống của Bảo Khánh (Diệu Hương đóng) sau khi kết hôn với người đàn ông từng đổ vỡ hôn nhân và có con riêng.
Người mẹ kế tốt bụng này phải vượt qua mọi khó khăn, vừa ra sức thuyết phục đình gia đình, vừa đối mặt với đủ chiêu trò của con chồng. Đã vậy, vợ cũ của chồng còn bàn mưu tính kế với con gái để đối phó với cô.
Đây cũng là bộ phim duy nhất lấy người mẹ kế làm trung tâm để làm câu chuyện chính của bộ phim. Cũng vì thế, lúc xem phim thì đôi khi tôi có cảm giác gượng ép về nhân vật, thiếu đi sự tự nhiên như phim Cả Một Đời Ân Oán - cũng là xây dựng hình ảnh đẹp cho người mẹ kế. Tuy nhiên, Bánh Đúc Có Xương vẫn rất được khi tạo ra một góc nhìn cảm động về một người phụ nữ, dù về làm vợ sau nhưng rất mực nhẫn nhịn và lấy được tình cảm của khán giả.
>>> Xem thêm: So kè diễn xuất nữ chính VTV - Phương Oanh, Lương Thu Trang, Khả Ngân
Hình tượng “mẹ kế” trên phim dù là “lắm mưu nhiều kế" hay hiền lành, dễ mến thì đều để lại cho tôi một ấn tượng rất riêng. Tuy cách xây dựng nhân vật không giống nhau nhưng tôi thấy, các tác phẩm trên đều có câu chuyện rất hay và kịch tính đúng không nè!
Sự muôn màu muôn vẻ của phim ảnh là vậy đó, nên tôi nghĩ nhiều người muốn đóng phim, hoặc nhiều diễn viên yêu công việc của mình vì ở đó, họ có những hoá thân khác nhau, sống cuộc đời của những người khác, hiểu và cảm nhận được từng sự khó khăn. Cũng giống như nhân vật mẹ kế, mỗi kịch bản có một hướng đi khác nên tôi cho rằng, người diễn viên sẽ thấu hiểu hơn cho đối tượng này.
*Bài viết của Thi Zun trên DienAnh.Net.
Hãy ghé ngay qua trang mạng xã hội DienAnh.Net để đọc thêm nhiều bài viết hay ho nhé!
Facebook - bình luận