Đến từ “cha đẻ” của Independence Day, 2012, The Day After Tomorrow, với sự tham gia của Patrick Wilson nhưng không còn đi bắt ma và “Miêu nữ” Halle Berry đã chán bay nhảy trên nóc nhà mà muốn phóng ra ngoài vũ trụ, Moonfall là tác phẩm tiếp theo của đạo diễn Roland Emmerich về đề tài tận thế.
Bản thân là một người khá mê dòng phim sci-fi nhất là những nội dung về thảm họa diệt thế, nhưng trước khi ra rạp tôi vẫn có chút dè chừng vì số điểm Cà Chua Thối xanh lè của Moonfall trên Rotten Tomatoes. Thậm chí, nhiều nhà phê bình còn thẳng tay cho tác phẩm này số điểm 0/5.
Bắt đầu với ý tưởng nguyên bản của bộ phim - mặt trăng rời quỹ đạo và thực chất nó là một vật thể rỗng, đang lao về phía trái đất và khiến con người tận diệt. Nghe có vẻ hấp dẫn đấy, nhưng để xem đạo diễn triển khai ra sao nè. Moonfall mở ra với phi hành gia Brian Harper - người vừa bị tống khỏi NASA, vợ ly hôn, đến quyền nuôi đứa con trai duy nhất cũng không có.
Sau khi phát hiện mặt trăng “ẩm ương” muốn “nuốt” cả trái đất, anh bất ngờ được giám đốc “bất đắc dĩ” của NASA (Halle Berry) triệu hồi để lên cung trăng, nhưng không phải để gặp chú Cuội mà là để thực hiện nhiệm vụ cứu nhân loại. Trên hành trình ấy, anh sẽ đồng hành cùng nữ giám đốc và người bạn mới quen - tiến sĩ không được ai công nhân - K.C. Houseman (John Bradley).
Ý tưởng thì có rồi, dàn sao cũng hùng hậu, chất lượng đấy nhưng sao Moonfall vẫn cứ vô lý, gượng gạo. Hiếm có bộ phim thể loại khoa học viễn tưởng, đề tài về thảm hoạ nào lại khiến tôi mệt mỏi vì quá dài dòng đến thế. Bộ phim dành gần như 2 hồi đầu chỉ để nói qua loa về thảm hoạ tương lai và xây dựng mối quan hệ giữa các nhân vật.
Nhưng cả hai mục tiêu này đều thất bại, bởi thông tin về cú va chạm giữa trái đất và mặt trăng quá ít ỏi, chúng ta cũng không được thông báo mức độ thảm hoạ của nó, nguy cấp đến thế nào. Rồi đùng một cái, sau vài dòng tweet tầm phào của một vị tiến sĩ không tên tuổi (K.C), dư luận thế giới bỗng xôn xao trong 1 nốt nhạc. Từ bao giờ mà một kẻ vô danh đăng trạng thái về tận thế trên mạng lại có sức ảnh hưởng lớn đến thế? Trong khi đó, tôi tin là ngoài kia, mỗi ngày có cả trăm, cả nghìn bài đăng kiểu vậy.
Nhưng đó cũng chỉ là phụ thôi, bởi vì đạo diễn muốn dành thời lượng lớn để xây dựng về cuộc sống của các nhân vật. Tuy nhiên, mỗi liên kết giữa họ rất nông, chỉ nằm trên bề nổi. Ví dụ như Brian Harper ban đầu hắt hủi, sau đó lại tin tưởng mỗi mình K.C chỉ vì lời anh dự báo đúng quá. Hay như tình cảm trong gia đình của vợ cũ Brian với người chồng mới, họ chỉ được giới thiệu là gia đình nhưng ít liên kết với nhau, bà Brenda còn sẵn sàng bỏ lại Sonny trong vụ thảm hoạ, nên những cảnh diễm tình đan xen giữa những lúc “nước sôi lửa bỏng” không làm tình cảm thêm thắm đượm, dạt dào mà chỉ khiến tôi thêm ức chế.
>>> Xem thêm: Án Mạng Trên Sông Nile: Khởi đầu dài dòng, cái kết chóng vánh
Quá nửa thời lượng phim, chúng ta vẫn không biết được mục đích rõ ràng của nam chính là gì. Khi được thuyết phục trở lại NASA, nơi anh từng ghét cay ghét đắng, Brian Harper đồng ý không phải vì anh muốn cứu thế giới mà chỉ đơn giản là đổi lại, họ có quyền lực để cứu con trai anh ra khỏi “nhà đá”??? Sự liên kết của Brian với tất cả các nhân vật hết sức lỏng lẻo, không rõ ràng. Anh hiện lên với hình ảnh một người đàn ông thất bại, nợ nần tiền nhà, không nuôi nổi con, chẳng bao giờ quan tâm nó đang làm gì nhưng hễ con trai hư là liền gào mồm lên kiểu “Cháu nó còn nhỏ”.
Rồi đến nhân vật K.C, anh chàng này là tiến sĩ, bằng cấp ra sao tôi còn chưa rõ nhưng điều tôi biết chắc là anh ta không có kinh nghiệm bay vào không giãn, lẫn có trong mình cả một danh sách dài các loại bệnh. Ấy thế mà chỉ qua cái gật đầu của nữ chính, sự nài nỉ của nam chính, anh liền được đưa lên mặt trăng. Không giỏi về mấy môn khoa học nhưng tui cũng biết để được NASA chọn làm người bay vào không gian, các ứng viên phải có bằng tiến sĩ toán/lý trở lên, chưa kể họ phải rèn luyện nhiều ngày tháng, tuyển chọn kỹ càng để tập với không gian ngoài trái đất. Vậy mà đùng cái, bộ ba chính của phim bay đi bay lại ra ngoài vũ trụ, rồi lên mặt trăng cứ như đi chợ.
Để rồi, chúng ta có cú twist cuối phim với đầy những sự phi lý, bên cạnh giả thuyết mặt trăng rỗng, người xem còn được biết chính AI của tổ tiên loài người tạo ra đã “tạo phản” trên mặt trăng và nhăm nhe đe dọa trái đất. Một sự lý giải mà tôi cho rằng xa rời thực tế, giống như được bịa ra chứ không hề có căn cứ khoa học hay cơ sở logic nào để tôi tin tưởng.
Cuối cùng, bộ phim khép lại trong một sự “dĩ hoà vi quý” nhất có thể. K.C vì chưa có gia đình nên mời anh hy sinh. Còn nam nữ chính đều có vợ chồng con cái rồi, thì cho người ta về trái đất làm người hùng, đoàn tụ sum vầy, thế đã đủ nhân văn chưa nào.
>>> Xem thêm Review Bẫy Ngọt Ngào: Spotlight này là dành cho Minh Hằng
Nhưng tôi thấy đó là một cái kết có hậu kiểu cũ kỹ. Giá như 1 trong 2 nhân vật chính là người hy sinh hay trái đất nổ tung như kiểu Don’t Look Up thì có phải chúng ta có một câu chuyện để đọng lại, suy ngẫm không. Suy cho cùng, tôi chẳng thể rút ra điều gì từ bộ phim này, có chăng cũng chỉ là chút tình cảm gia đình hơi hợt được xây dựng ở 2 hồi đầu.
Đã lâu lắm rồi tôi mới xem một bộ phim Hollywood dở cỡ này. Nên nhẹ nhàng tặng Moonfall số điểm 4/10 nhé. Con số 4 khích lệ kia là dành cho phần kỹ xảo tạm ổn áp thôi, còn lại phim vẫn chán như thường quý vị ạ.
Bài viết của Hoa Lê trên DienAnh.net
Hãy hít một hơi thật sâu và bấm theo dõi DienAnh.net ngay để chuẩn bị hành trang hóng hớt drama showbiz và cùng ngồi tám với tui nhé!
Facebook - bình luận