Đối với những ai đặt tham vọng cao xa, điều duy nhất họ luôn nghiền ngẫm mỗi tối trước khi đi ngủ chính là thứ đơn giản nhất nhưng lại chiếm ý nghĩa quan trọng nhất: Tự xét lại hành vi trong ngày của chính mình. Muốn thay đổi thế giới thì trước hết phải hoàn thiện bản thân. Tối kỵ tột bậc là chỉ trích người khác trong khi lỗi lầm của mình còn chưa nhận thấy. Hành động đổ lỗi cho người khác và né tránh trách nhiệm cá nhân chỉ càng kéo chúng ta thụt lùi ngày một sâu.
Lỗi lầm của mình còn chưa nhận thấy làm sao có thể thay đổi thế giới?
1. Tự trách mình nhiều hơn, ít đổ lỗi người khác
Hãy dành một ít phút nghiễn ngẫm về thói quen này: “Khi có xung đột, tranh chấp với những người xung quanh thì phản ứng đầu tiên trong đầu chúng ta có phải là đổ lỗi cho họ?” Thực tế cho thấy rất ít cá nhân có năng lực tự xem xét khuyết điểm để thay đổi. Thay vào đó, họ luôn cố gắng chỉ tìm kiếm nguyên nhân khiến cho tình trạng tồi tệ xảy ra lên người khác.
Trong gia đình lại càng chứng kiến nhiều hoàn cảnh như vậy. Vợ chồng mâu thuẫn chỉ vì một hiểu lầm nho nhỏ, không ai nhường ai. Thậm chí cả hai bên đều biết rõ là bản thân mình mắc lỗi nhưng hành vi lại không được điềm đạm, bình tĩnh mà nói ra những lời cay nghiệt cho đối phương. Từ đó dẫn đến những kết thúc đầy hối tiếc.
Mâu thuẫn nhỏ trở thành lớn cũng chỉ bởi cái tôi cá nhân quá to
Trong môi trường doanh nghiệp, đôi khi chúng ta không thể tránh khỏi sai sót khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, ta có thể tìm kiếm mọi lý do để đổ lỗi cho đồng nghiệp hay cho môi trường khách quan bên ngoài, chứ ít khi tự vấn bản thân và nhận trách nhiệm về mình. Trên thực tế, trong cuộc sống hay bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, bản thân mình phải là người nhìn ra sai sót đầu tiên, từ đó mới suy nghĩ đến cách gỡ rối những vấn đề hóc búa.
Phần lớn nguyên nhân gây nên phiền phức xuất phát từ cách chúng ta vận hành cuộc sống chứ không hẳn đến từ môi trường bên ngoài. Chỉ cần thay đổi thói quen và tập tính kỷ luật, nhận trách nhiệm, cuộc sống sẽ ngày càng thăng hoa và bản thân chúng ta cũng được hưởng không khí bình an đến từ sự tôn trọng của mọi người. Dùng lòng độ lượng, khoan dung để đối tốt với người khác, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Sống có kỷ luật và trách nhiệm, bản thân sẽ ngày càng thăng hoa
2. Hoàn thiện bản thân bằng cách xem xét tâm trí chính mình
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Chúng ta có thể nhìn thấy vạn vật nhưng lại không tự mắt chứng kiến chính mình. Điều khó làm nhất trên đời chính là tự xem xét, sửa đổi thân tâm.Việc này cũng giống như tự soi gương, nhìn vào đó phản tỉnh khuyết điểm và sửa chữa lỗi lầm. Nhờ đó chúng ta sống trên đời mới mới mong mọi điều tốt đẹp.
Khó khăn thách thức trên đường đời chỉ như gió thoảng mây bay nếu chúng ta biết rõ mình sai ở đâu, cần sửa đổi chỗ nào. Không than thân trách phận, oán trời trách đất. Không đổ lỗi, cay nghiệt người khác. Phần lớn những vấn đề rắc rối đều xuất phát từ tâm tính của chúng ta mà ra.
Muốn cuộc sống tốt đẹp, trước hết hãy thay đổi chính mình
Hãy bình tĩnh đối mặt từ việc nhỏ cho đến chuyện lớn. Chỉnh sửa sai lầm, biến khuyết điểm thành ưu thế. Nguyên nhân do đâu mà nảy sinh vấn đề, làm gương cho chính mình trước rồi hãy nghĩ đến chuyện thay đổi cuộc sống người khác. Chỉ bằng cách soi xét bản thân mỗi ngày, chúng ta mới có thể tiến bộ và đón nhận nhiều may mắn hơn trong cuộc sống.
3. Muốn trở nên ưu tú, phải biết kiểm điểm hành vi
Benjamin Franklin là thành viên của nhóm “Bố Già” sáng lập ra nước Mỹ hùng mạnh. Ông là một nhà văn, nhà phát minh lỗi lạc và là một chính trị gia vĩ đại. Tuy nhiên, dù được cả thế giới ngưỡng mộ nhưng ông vẫn phát hiện ra bản thân thường xuyên mắc phải 13 khuyết điểm nghiêm trọng. Ông ngay lập tức lên kế hoạch thay đổi ngay những hành vi thiếu sót và tự đào luyện chính mình vượt qua thử thách, đó là: Lãng phí thời gian, thường hay xao nhãng, tranh cãi những chuyện nhỏ nhặt với người khác, lo lắng về điều chưa xảy ra…
Đào luyện bản thân trở thành người ưu tú
Ông tạo cho mình quyển nhật ký khắc phục thiếu sót và ghi lại những lời nói, hành vi trong ngày. Đến tối trước khi đi ngủ sẽ tự vấn bản thân về các khuyết điểm, lần lượt hằng tuần phải loại bỏ hoàn toàn duy nhất một điều ra khỏi cuộc sống cho đến khi không còn bất cứ điều gì ngáng chân ông trên con đường phát triển bản thân.
Chúng ta đôi khi được mọi người khen ngợi về những ưu điểm của mình và cho rằng bản thân đã thực sự toàn diện. Nhưng thực tế cuộc sống luôn nảy sinh những vấn đề cần phải giải quyết, tính xấu từ đó cũng sẽ bộc lộ theo hướng này hoặc hướng khác, chỉ là ta có nhận ra và tự kiểm điểm bản thân ngay lúc đó không mà thôi. Những người chấp nhận lỗi sai, thấy được thiếu sót, sẵn sàng thay đổi, không bào chữa cho bản thân, là những cá nhân kiệt xuất. Họ chẳng những tự mình vươn lên mà còn dang tay giúp đỡ rất nhiều người khác vượt qua sóng gió.
Khắc phục thiếu sót, tự mình vượt qua sóng gió
Kết: Mạnh Tử viết: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” – mang hàm nghĩa “Khi hành động mà không có kết quả, hãy quay lại tìm nguyên nhân ở chính mình” . Đường đời dài đằng đẵng có không ít những đoạn gập ghềnh khó khăn. Biết nhìn lại bản thân, không đổ lỗi cho người khác, cố gắng hoàn thiện chính mình mỗi ngày, đó là những điều làm nên cuộc sống tươi đẹp nhất.
Facebook - bình luận