Tôi đọc được một câu nói rất hay rằng: “Hình thức thấu hiểu con người cao nhất mà ta có thể đạt được là tiếng cười và lòng trắc ẩn." - Richard Feynmanx. Khi người ta đã thực sự trải qua một vài cơn trầm cảm kéo dài, họ có thể không nhận ra rằng đã tự trang bị cho mình một phẩm chất tốt đẹp cực kỳ đáng mơ ước, đó là khả năng thấu cảm cao.
Khả năng thấu cảm cũng khá tương đồng với lòng trắc ẩn. Về cơ bản, người có lòng trắc ẩn có thể cảm nhận sâu sắc những nỗi thống khổ cũng như niềm hạnh phúc đang hiện diện trong cảm xúc của người khác và khao khát được cùng đồng điệu với họ. Chúng ta sử dụng khả năng thấu cảm để đặt bản thân mình vào trường hợp của người đó và bắt đầu tưởng tượng về những gì họ đã phải đối mặt. Ta suy tư và kiểm chứng về những trải nghiệm mà họ phải vượt qua. Cách chúng ta đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông và thấu hiểu cho những nỗi thống khổ của họ là trung tâm nghệ thuật của lòng thấu cảm.
Sự thấu cảm gợi lên bản chất ấm áp của một con người. Giá trị được thể hiện thông qua sự thấu cảm cũng bộc lộ những giá trị mà người một người có thể tạo ra và gửi gắm vào trong suy tư cũng như hành động của họ lên trường hợp của người khác.
Một câu hỏi đặt ra là “tại sao chúng ta không hề nhận lại được một lợi ích gì về mặt vật chất nhưng vẫn quan tâm và sẻ chia những trạng thái cảm xúc của mình với người khác?” Câu trả lời là “vì khi đó con người mới thực sự là con người”. Nó là minh chứng cho những giá trị nhân văn được tạo ra bằng trái tim chứ không phải bằng cái đầu. Nó chứng tỏ rằng chúng ta có thể tự hạ thấp lợi ích vật chất cá nhân để nâng tinh thần của mình lên một tầm cao cả hơn và biến những giá trị nhân văn thành một nghệ thuật cao quý.
Một người trầm cảm là một tâm hồn cô độc tột cùng. Tận sâu bên trong trái tim họ chất chứa những tâm sự nghiệt ngã không thể chia sẻ cùng ai vì nếu đã không cô đơn và luôn luôn sống trong hạnh phúc, họ đã không mắc phải căn bệnh trầm cảm đầy khổ sở.
Tuy nhiên bản thân họ lại không hề muốn được quan tâm theo những kiểu cách thông thường, họ không muốn tìm kiếm và gần gũi với những mối quan hệ hời hợt mang theo các dạng năng lượng lẫn lộn khác nhau vì chúng chỉ càng làm họ thêm bối rối.
Mong muốn của họ là được ở bên cạnh những người mà họ yêu quý để có thể cùng chia sẻ những giá trị tâm hồn bị chôn vùi sâu trong tiềm thức. Nhận thức bản năng của họ về người khác có thể bình thường như bao người nhưng khi được tiếp xúc và trò chuyện với những cá thể có cùng dạng năng lượng như họ, cùng mang một tư duy sâu sắc không có cơ hội để có thể bộc lộ ra ngoài, thì khả năng thấu cảm được thể hiện một cách rõ rệt.
Họ không thể ngừng lại khao khát được giúp đỡ người khác. Đó là một cám dỗ. Họ nhận thức được những nỗi thống khổ đang tồn tại xung quanh tâm trí của bản thân, họ muốn giải tỏa những căng thẳng và lo lắng. Họ muốn cứu rỗi chính mình ra khỏi những nỗi khổ đau thường trực. Nhưng họ không làm được.
Cứu cánh cho người trầm cảm chính là những con người cũng đang gặp phải một số tình trạng tồi tệ giống như họ. Có thể việc cứu rỗi cuộc đời người khác cũng khó khăn không kém gì tự sửa chữa cuộc đời mình nhưng họ không bận tâm nhiều vì phẩm chất tiềm tàng mà họ luôn mang trong mình là lòng trắc ẩn. Nhiều người chỉ giỏi đưa ra lời khuyên cho kẻ khác nhưng vấn đề của mình thì không bao giờ giải quyết được dễ dàng. Đó chính là những con người phải vật lộn với bệnh trầm cảm.
Tóm lại, đối với tôi thì người trầm cảm chính là vị thần hộ mệnh cho một người trầm cảm khác. Và ở trên tầng nhận thức cao cấp hơn, một người đã từng tự thân đối mặt rồi vượt qua trầm cảm có thể dang rộng vòng tay độ lượng của mình ra để cứu rỗi rất nhiều những con người đang phải vật lộn với nỗi thống khổ mang tên trầm cảm.
* Bài viết của Tian Yi chia sẻ tại box Cafe Danner
Khó khăn không đáng sợ, quan trọng là thần thái khi đối diện với thử thách, nếu bạn có những chia sẻ về hành trình vượt qua khó khăn , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận