Nhiều chương trình Việt không chỉ tập trung vào mục đích giải trí mà còn tôn vinh văn hoá, ngôn ngữ dân tộc. Đây vốn là một tín hiệu đáng mừng nhưng tôi nào ngờ ở chính các chương trình này lại tồn tại những lỗi sai khó chấp nhận.
Vua Tiếng Việt
Trong tập 28, chương trình Vua Tiếng Việt đã khiến tôi được phen tá hoả khi để lộ lỗi sai khó chấp nhận. Chuyện là ban tổ chức đã đặt câu hỏi cho người chơi chọn phương án đúng giữa hai phương án "trậm trễ" hay "chậm chễ". Người chơi đã chọn đáp án là "chậm chễ" và MC Xuân Bắc khẳng định đó là câu trả lời đúng.
Khi chương trình phát sóng, người xem đã vô cùng bất ngờ vì thực tế trong tiếng Việt không có từ nào viết là "trậm trễ" hay "chậm chễ". Câu hỏi của ban tổ chức ngay từ đầu đã sai rồi.
Đây là một lỗi sai thực sự khó chấp nhận vì với những lỗi như thế này, ban tổ chức hoàn toàn có thể tránh được nếu chịu khó tra từ điển. Một chương trình khi phát sóng luôn qua nhiều khâu, vậy mà để một lỗi sai tồn tại ngay trên sóng.
Điều đó cho thấy ê kíp của chương trình không chỉ chủ quan mà còn cẩu thả, huy động kiến thức theo trí nhớ. Một chương trình tôn vinh tiếng Việt mà lại có lỗi chính tả thì thực sự nực cười.
Tôi được biết trong tập 29, Vua Tiếng Việt đã chạy dòng đính chính phía dưới màn mình về lỗi sai chính tả ở tập 28. Cách giải quyết này của chương trình quả thực chẳng hợp lý tí nào vì đâu phải ai xem tập sai chính tả cũng xem tập tiếp theo có lời đính chính.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Vua Tiếng Việt dính sạn. Trong một tập trước đó, Vua Tiếng Việt đã yêu cầu người chơi lựa chọn một trong hai cách viết “dúm dó” hay “rúm ró”. Đáp án chính xác được BTC đưa ra là “rúm ró”.
Tuy nhiên sau đấy, nhiều người cho rằng ban tổ chức đã nhầm lẫn giữa khái niệm “chính tả” với “phương ngữ”. Từ “dúm dó" vốn không hề sai và nó vẫn tồn tại trong khá nhiều cuốn từ điển.
Trong một tập khác, nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, Vua Tiếng Việt đã ra đề sai khi nói từ "lang lổ" là cách viết sai chính tả. Bởi theo nhiều cuốn từ điển thì “lang lổ” và “loang lổ" là hai từ gần nghĩa. “Lang” chỉ những đám trắng loang lổ trên bộ lông hoặc ngoài da, còn “loang” chỉ những vết bẩn, vết ố lan và thấm dần ra.
>>> Xem thêm: Nghề nghiệp của Thuỳ Tiên và dàn hậu Việt trước khi nổi tiếng
Trăm Năm Sân Khấu
Trăm Năm Sân Khấu là talkshow hiếm hoi nhằm khơi gợi tình yêu của công chúng với các loại hình sân khấu dân tộc, đặc biệt là cải lương. Tuy nhiên ngay từ những số đầu tiên, tôi thấy chương trình đã nhận về những chỉ trích.
Điều gây ồn ào nhất chính là cách dẫn dắt của host là biên kịch Bình Bồng Bột. Anh bị nhận xét là có thái độ thiếu tôn trọng các nghệ sĩ gạo cội khi liên tục ngồi dựa lưng, gác chân, chĩa mũi chân vào khách mời.
Đặc biệt, nam MC còn thường hay hỏi những câu hỏi không đúng đắn trong chương trình. Điển hình như trong số trò chuyện với NSND Kim Cương, Bình Bồng Bột đã đặt câu hỏi có phần kém duyên: "Vì mình hát dở nên mới chuyển sang kịch nói phải không cô?". Nữ nghệ sĩ khi được hỏi đã lập tức đổi biểu cảm, cô nghiêm mặt và phản bác quan điểm này.
Chấn động nhất là trong tập của NSƯT Hữu Châu, Bình Bồng Bột đã nhắc đến cố nghệ sĩ Thanh Nga một cách thiếu tinh tế, rằng: "Cải lương á, con thấy đời sống của nó tương đối ngắn ngủi. Chẳng hạn mình lấy cô Thanh Nga làm ví dụ, cô sống một đời sống rất ngắn". Trong khi đó, NSƯT Hữu Châu là cháu ruột nghệ sĩ Thanh Nga.
Chưa hết, Trăm Năm Sân Khấu còn bị tố ố đã sử dụng cảnh quay từ dự án Hát bội 101 của Hiếu Văn Ngư mà không xin phép trước và sử dụng không đúng mục đích. Ngay sau đó, phía chương trình đã lên tiếng xin lỗi và gỡ cảnh quay về hát bội của Hiếu Văn Ngư ra khỏi chương trình.
>>> Xem thêm: Đức Phúc và dàn sao Việt bị chèn ép thuở còn đi học
Tất nhiên những lỗi sai trên đều là sự cố không ai mong muốn. Tuy nhiên, tôi thấy những lùm xùm ấy cũng đã phần nào làm mất đi mục đích tốt đẹp ban đầu mà chương trình hướng tới.
* Bài viết của Thi Zun chia sẻ tại box Giải trí châu Á
Nếu bạn quan tâm NSƯT Hữu Châu hay những ngôi sao Vbiz khác , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận