x

Đăng nhập

Comming soon...

Review phim

Việt

Review Người Tình: Năm 2022 rồi mà vẫn làm phim kiểu 1900 hồi đó

Hoa Le 10:45 - 16/02/2022

Khi dòng credit cuối cùng vụt qua màn hình, tôi đã thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng bộ phim Người Tình đã kết thúc. Đây không phải Người Tình (L’amant) kinh điển một thời, cũng chẳng phải Người Tình Sputnik (Haruki Murakami) mà tôi biết, mà đó là một Người Tình hết sức xa lạ, khó hiểu và lỗi thời. 

Trước khi đến rạp, tôi được biết tác phẩm của đạo diễn Lưu Huỳnh có một số phận khá lận đận, khi phải mất 5 năm mới được công chiếu. Đáng lẽ ra bộ phim được quay từ năm 2016 này phải được chiếu từ năm 2018 rồi nhưng do không được Hội đồng trung ương kiểm duyệt nên bộ phim đành “nằm kho”, mãi đến năm 2021 mới được “thả xích”. 

Dẫu như vậy, bộ phim vẫn được đến với khán giả cùng hình hài khá “nguyên vẹn”, đầy đủ những cảnh “lăn giường” mà ở đó Minh Tú phô diễn toàn bộ nét đẹp hình thể của mình. Phải công nhận một điều, hiếm phim Việt nào có những màn “bung lụa” thiêu đốt ánh nhìn đến như vậy. Thậm chí, xem những cảnh táo bạo này, nữ chính Minh Tú ngồi trước tôi còn phải che mặt, dựng người lên mấy lần, là đủ hiểu sự “chơi lớn” của đạo diễn đến đâu. 

Nhưng thực sự ngồi trong rạp, xem những cảnh phim ấy, tôi gần như vô cảm vì sự “phô bày” ấy chỉ là cái vỏ ngoài để che đi một kịch bản trống rỗng, thô cứng và lỗi thời. Liệu có thể lấy câu chuyện bị hoãn chiếu đến 5 năm ra để biện minh cho sự cũ rích này không? Câu trả lời với tôi là “KHÔNG”. 

Tư duy lỗi thời ấy thể hiện trong cách đạo diễn truyền tải thông điệp về phụ nữ lẫn cộng đồng LGBT. Người Tình như đi ngược hoàn toàn đối với các bộ phim về nữ quyền suốt nhiều năm qua của điện ảnh Việt. Sao đến năm 2022 rồi, vẫn còn một bộ phim nhìn về người phụ nữ với ánh mắt xem thường, rẻ rúng đến vậy? Những người phụ nữ hiếm hoi trong bộ phim đều có thân phận nhỏ bé, thấp hèn: Người mẹ giá của Sơn sống bằng nghề bán bánh chuối ở chợ, cô gái “bán hoa” làm mẫu vẽ cho Hưng và ngay cả nữ chính Diễm Tình của Minh Tú cũng chẳng có thân phận rõ ràng. Cô bị Sơn chửi là “gái” nhưng vẫn tự hào với điều đó? Thật khó hiểu! 

>>> Xem thêm: Nhà Không Bán: Đề tài cũ nhưng khai thác tâm lý nhân vật tốt

Từ đầu đến cuối, tôi vẫn không thể biết Diễm Tình có thực sự từng “hành nghề” hay không bởi chẳng có chút hint nào về tiểu sử của cô. Cách cô bước vào khung hình rồi bay màu đều lãng xẹt như nhau. Cô gần như chưa bao giờ có sự phản kháng, được nắm thế chủ động nhưng rồi để bản thân bị xoay như chong chóng bởi hai gã đàn ông không có chút quyền lực nào? 

Rõ ràng, sau khi trở thành phu nhân của hoạ sĩ giàu có, làm bà chủ cửa hàng áo dài trên đường Pasteur (Sài Gòn), cô hoàn toàn có quyền được quen những người bề thế hơn, nhưng đạo diễn lại bắt người phụ nữ ấy phải quay về yêu một gã người yêu cũ làm tài xế taxi, tính khí hèn yếu. Nếu tôi là Diễm Tình, chắc chẳng bao giờ có mùa xuân đó đâu. Chưa kể, từ đầu đến cuối, nhân vật của Minh Tú mặc dù có vai trò chính trong câu chuyện nhưng gần như cô không có mục đích hay động lực gì cho hành động của mình. 

Cú twist duy nhất trong phim nằm ở cuối hồi 3, đạo diễn lật ngửa ván bài, cho chúng ta biết Diễm Tình (Minh Tú) thực chất là nữ phụ đam mỹ chứ không phải nữ chính ngôn tình như mọi người lầm tưởng. À mà tôi nghĩ chắc chẳng ai bị đạo diễn đánh lừa đâu, bởi vì kịch bản quá dễ đoán, plot twist xưa như trái đất. Đến đây, tôi lại khó hiểu lần thứ hai khi thông điệp về cộng đồng LGBT cũ mòn. 

Nếu người ta nói về chuyện người thuộc giới tính thứ 3 không được đối đãi công bằng ở một miền quê xa xôi nào đó, cách đây cả vài chục năm thì tôi còn tạm chấp nhận được. Nhưng tôi nghĩ năm 2017, mọi người đã có cái nhìn cởi mở hơn rất nhiều với cộng đồng LGBT, nhất là nội thành Sài Gòn. Cứ nhìn vào bộ phim gần đây như Thưa Mẹ Con Đi (2019), Song Lang (2018) mà xem, cùng là nói về tình yêu đồng giới nhưng câu chuyện của họ nhẹ nhàng như một lát cắt đời sống, đi sâu vào nội tâm nhân vật để thấu cảm với họ. 

Hay một bộ phim về LGBT mà tôi cực thích đó là Lô Tô - ra mắt cùng năm với Người Tình, lấy cảm hứng từ phim tài liệu Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng, đó là một câu chuyện đặc biệt, một hành trình mà tôi nghĩ là đáng để kể. Còn câu chuyện của Sơn trong Người Tình đi vào lối mòn mà các đạo diễn Việt đã từ bỏ rất lâu: Nhân vật chính phát hiện mình là người đồng tính, bị “xanh lá”, phải sống khổ sở, gồng mình. Đến đây, tôi lại thấy một lệch lạc tiếp theo khi đạo diễn đề cập đến câu chuyện của người thuộc cộng đồng LGBT. Nhân vật Sơn đi tìm con người thật của chính mình bằng cách tranh đi hạnh phúc của người khác. Để rồi hồi cuối của phim, cứ chìm đắm trong những vụ chộp giật, tưởng là ly kỳ nhưng vô lý. 

Ngoài ra, nhân vật nam chính là Hà Việt Dũng cũng là người đàn ông thiếu cá tính, thiếu lập trường, bị người khác dễ dàng thao túng. Anh là mấu chốt của vấn đề nhưng lại thiếu liên kết với nữ chính Diễm Tình. Nói là yêu vợ nhưng Hưng (Hà Việt Dũng) dễ dàng đi gặp gỡ qua lại những cô gái khác, thả thính họ khi vừa nói chuyện vài câu. Để rồi đến khi Diễm Tình mất, anh lại ngày đêm khắc hoạ chân dung của cô. Từ đầu đến cuối phim, tôi cũng chẳng biết anh và Sơn (Đức Hải) quen nhau kiểu gì mà hai người một kẻ nghèo rớt mồng tơi, một người giàu nứt đố đổ vách lại có thể làm bạn lâu năm, để rồi nảy sinh tình cảm?

Chưa hết đâu, thoại của bộ phim này cũng khiến tôi sởn da gà vì sến sẩm, già cỗi. Ví dụ như đoạn mở đầu khi Diễm Tình và Hưng thả thính nhau hay lúc Sơn bộc bạch tình cảm với Hưng. Chưa kể, đài từ của các nhân vật đôi khi chưa thuyết phục. Nhiều lúc tôi không thể nghe rõ nhân vật Sơn đang nói gì, phải đọc phụ đề phía dưới, nên thành ra phát hiện ê-kíp làm phim dịch phụ đề tiếng Anh bị sai. Hay cách mà Hà Việt Dũng diễn, giống như anh đang bị đạo diễn ép đọc thoại, nên giật cục, ngắt nghỉ không theo một mạch cảm xúc nào. Ngay đến cả Minh Tú, cô cũng không cho thấy thần thái của một thiếu phu nhân. Nhân vật Diễm Tình gói gọn trong 2 biểu cảm: Một là tức giận, gào miệng; hai là buồn bã, co rúm.

Cuối cùng, các cảnh quay còn khiến tôi cảm tưởng như camera man phải cầm tay không, không có chống rung hay gimbal nên hễ máy di chuyển là rung lắc, tiền đình thực sự. Hình ảnh phô diễn hình thể nhân vật không cần thiết. Lằn ranh giữa phản cảm và nghệ thuật rất mong manh. Không phải cứ phô bày ra một người phụ nữ đẹp thì có thể ép người khác gọi đó là nghệ thuật. Việc lạm dụng quá nhiều cảnh mùng mền, tôi cho là không cần thiết bởi nó chẳng thể hiện được thêm tính cách nhân vật, hay bộc lộ được tình trạng mối quan hệ của họ. 

>>> Xem thêm: Chuyện Ma Gần Nhà: Xem xong không dám uống nước mía, ghé chung cư cũ

Nói tóm lại, Người Tình là một nỗi buồn rũ rượi của phim Việt. Tôi hy vọng rằng kể từ đây, xin đừng đạo diễn nào nhìn về người phụ nữ lẫn cộng đồng LGBT theo một góc nhìn lạc hậu như thế.

Bài viết của Hoa Lê trên DienAnh.net

Hãy hít một hơi thật sâu và bấm theo dõi DienAnh.net ngay để chuẩn bị hành trang hóng hớt drama showbiz và cùng ngồi tám với tui nhé!

Facebook - bình luận

Bài Cùng chuyên mục

Trẻ trâu không đùa được đâu: Đậm chất rock, tình cảm “gà bông”

Nga Cao

Nga Cao

Trẻ trâu không đùa được đâu là bộ phim Thái Lan xây dựng câu chuyện về thiếu nhi và thanh thiếu niên. Tác phẩm có nhiều điểm đáng nhớ dù tồn tại thiếu sót.

Paris Has Fallen: Bộ phim hành động cực đã, cuốn hút từng tập trên K+

Hải Lệ

Hải Lệ

Lấy bối cảnh Paris, các tập phim Paris Has Fallen trên K+ xoay quanh âm mưu của một kẻ khủng bố cực đoan với kế hoạch đe dọa an ninh quốc gia và chính phủ Pháp.

Công tử Bạc Liêu gần gũi với thế hệ gen Z như thế nào?

Nga Cao

Nga Cao

Phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu - Tác phẩm mới của Song Luân hứa hẹn thu hút đối tượng khán giả gen Z vì khắc họa tính cách nam chính Ba Hơn trẻ trung, gần gũi.

Làm Giàu Với Ma: Phim kinh dị còn nhiều thiếu sót của Hoài Linh

Nga Cao

Nga Cao

“Làm giàu với ma" - phim có Tuấn Trần, NSƯT Hoài Linh đóng chính kết hợp phong cách tình cảm - gia đình với kinh dị.

Quỷ Ăn Tạng (Tee Yod): Vẫn giữ được sự rùng rợn của nguyên tác

Nga Cao

Nga Cao

Quỷ Ăn Tạng xứng danh là bộ phim kinh dị "nặng đô" đạt doanh thu cao nhất tại "Xứ Chùa Vàng", phim vẫn giữ được những điều cốt lõi của câu chuyện nguyên tác.

Quỷ Cẩu: Truyền tải được nhiều thông điệp nhưng làm kỹ xảo chưa tốt

Lindo

Lindo

Quỷ Cẩu có nội dung chỉn chu, quy tụ dàn diễn viên thực lực của cả hai miền Nam - Bắc nhưng phần hiệu ưng, kỹ xảo của phim được làm chưa thực sự tốt.