Công tử Bạc Liêu lấy cảm hứng từ giai thoại về “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy (1900-1974). Chọn đề tài coming of age, phim khai thác nhiều về tình phụ tử giữa Ba Hơn (Song Luân) và Hội đồng Lịnh (NSƯT Thành Lộc), cũng như quá trình trưởng thành của Ba Hơn. Tác phẩm của Lý Minh Thắng mở đầu bằng cảnh Ba Hơn đi du học ở Pháp về và khoe với gia đình về những tấm bằng mà anh có được khi ở Pháp.
Ngoài ra, anh cũng đề xuất ý muốn mua một chiếc máy bay riêng nhưng lập tức bị cha bác bỏ và nặng lời la mắng. Thay vào đó, cha ép anh tiếp quản ngân hàng đầu tiên của Việt Nam.
Ưu điểm của Công tử Bạc Liêu nằm ở khâu xây dựng bối cảnh, tạo hình. Ngôi nhà của gia đình Hội động Lịnh cũng chính là nơi Trần Trinh Huy từng sinh sống. Ê-kíp tận dụng nội thất, không gian, khiến cảnh quay mang đậm màu sắc retro.
Trong phim, Ba Hơn nhiều lần diện những bộ vest đắt đỏ, đi giày oxford, đội mũ phớt fedora, trông sành điệu và tôn lên sự giàu có, chất chơi của nhân vật. Bảy Loan (Đoàn Thiên Ân), cô Sáu (Kaity Nguyễn), “Bạch công tử” Tư Phát (Công Dương) cũng không ít lần “lên đồ” bắt mắt. Khán giả cũng có dịp chiêm ngưỡng chiếc máy than nghe nhạc, đồng hồ quả quýt cổ xưa.
Đạo diễn Lý Minh Thắng sử dụng nhiều gam màu sáng, màu da người và màu ám xanh để tạo hiệu ứng thị giác. Bối cảnh ngoài trời tập trung ở những con phố nhỏ với phân cảnh nhóm nhân vật từng qua lại với Ba Hơn cùng nhau đồng lòng ngăn ngân hàng đóng cửa, hoặc khi Ba Hơn và cô Sáu giáp mặt người phụ nữ đứng tuổi (Kiều Mai Lý).
Công tử Bạc Liêu liên tục nhấn mạnh vào độ “chịu chơi” của Ba Hơn thông qua việc anh dám đứng ra làm những chuyện chưa ai làm như tổ chức đấu xảo sắc đẹp, mua máy bay, tổ chức đánh quyền, đốt tiền nấu chè hay “vung tiền” khắp nơi theo đúng nghĩa đen. Để rồi khi bắt đầu gặp những thất bại đầu tay, Ba Hơn tưởng chừng suy sụp. Lúc này, người cha luôn nặng lời với anh xuất hiện và nâng đỡ anh dậy.
Tôi ấn tượng nhiều câu thoại đầy từng trải và triết lý của Hội đồng Lịnh nói với Ba Hơn, chẳng hạn như: “Trần Đắc Lịnh tao không đánh vào mông mày thì ra đường mày bị đánh vô mặt”, “Tiền mồ hôi nước mắt phải có cái giá trị thực thì mới lâu bền được”, “Dám chấp nhận thất bại để không biến thành kẻ bất tài”... Thật may mắn cho Ba Hơn khi anh vừa có một người cha và cũng là một người thầy ở bên cạnh trong quá trình gây dựng tiếng tăm của mình gặp trắc trở. Đến cuối phim, Ba Hơn vẫn còn… ngông đấy, nhưng anh biết nghĩ cho người khác hơn và cũng học cách trân quý sản nghiệp của gia đình hơn.
Các diễn viên trong phim diễn xuất ổn thoả, nổi bật nhất là Song Luân và NSƯT Thành Lộc. Chiếm đa số thời lượng, Ba Hơn đánh dấu sự tiến bộ của “cụ Sinh” với lối diễn phóng khoáng, tỉ mỉ, lột tả cái ngông, cái “trẻ trâu”, không kém phần hào hoa, lịch lãm của nhân vật. Còn Thành Lộc thể hiện sự lý trí, thủ cựu, nghiêm khắc của người đứng đầu gia tộc họ Trần, nhưng vẫn đầy hiền từ trong những cảnh thể hiện tình phụ tử. Nét cực đoan, độc tài trong tính cách Hội đồng Lịnh được “phù thủy sân khấu” khắc họa kỹ, như cách ông quát tháo, đòn roi với Ba Hơn.
Vai cô Sáu không làm khó được Kaity Nguyễn. Nhân vật em gái hiền lành, luôn thương yêu gia đình tạo cảm giác dễ chịu mỗi khi xuất hiện. Lần đầu đóng điện ảnh, Hoa hậu Đoàn Thiên Ân tròn vai, tuy không lên hình nhiều. Cô làm toát ra vẻ nghệ sĩ, duyên dáng, sang trọng của Bảy Loan. Công Dương điển trai, và hợp với hình tượng Bạch công tử quyền quý. NSƯT Hữu Châu cũng khiến tôi ấn tượng bởi độ “cáo già” của Bá Hộ.
Công tử Bạc Liêu là lời động viên cho những người trẻ đang vấp phải khó khăn đến mức từng có, hoặc đang định bỏ cuộc. Phim cũng tái hiện một thời kỳ đầy biến động của Sài Gòn. Đây thực sự là một tác phẩm giải trí mà bất kỳ ai hứng thú với văn hóa - lịch sử đất nước nên thưởng thức.
Công tử Bạc Liêu công chiếu Toàn Quốc kể từ ngày 6.12.2024.
* Bài viết của Nga Cao chia sẻ tại box Phim Việt Nam
Facebook - bình luận