Bộ phim Đèn âm hồn lấy cảm hứng từ Chuyện Người Con Gái Nam Xương - câu chuyện thứ mười sáu trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, vốn có chỗ đứng nhất định trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Điều nay tạo nên sự tò mò cho tôi để tham dự buổi ra mắt phim mới đây ở TP.HCM.
Dự án điện ảnh đầu tay của đạo diễn Hoàng Nam xoay quanh nhân vật Thương (Diễm Trang). Trong thời gian chờ chồng đi chiến tranh về, cô đã chơi trò nói chuyện với chiếc bóng cùng con trai là Lĩnh. Cô bảo với đứa trẻ là chiếc bóng đó chính là cha cậu. Nhưng không ngờ, trong dịp tình cờ, Lĩnh nhặt được một cây đèn và vô tình gọi lên một linh hồn tà ác là chiếc bóng này, gieo rắc nỗi sợ cho Thương và dân làng.
Bà đồng Liễu (Hoàng Kim Ngọc) nhận ra linh hồn tà ác ấy có thể là kẻ cô từng quen biết. Cùng lúc, sau nhiều năm ở chiến trường, chồng Thương là Đinh (Phú Thịnh) trở về. Nghe theo lời ngây thơ của đứa con chưa từng gặp mặt, anh sỉ nhục mắng nhiếc Thương lăng loàn, khiến cô uất ức nhảy sông tự vẫn.
Theo cảm quan của tôi, Đèn âm hồn chăm chút khâu bối cảnh, tạo ra không gian bí ẩn, với những con đường làng tăm tối và cánh rừng trúc u ám không thấy lối thoát… Khi cần khai thác đại cảnh, phim dùng flycam để bao trọn vẻ đẹp vùng Cao Bằng. Đèn âm hồn được quay tại địa danh nổi tiếng của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng như: rừng dẻ cổ thụ, thác Bản Giốc, Mắt Thần Núi, thác Cò Là… Màu phim ám xanh xám, tạo ra cảm giác rùng rợn, lạnh lẽo thường trực.
Ngoài ra, tôi đánh giá ê-kíp cũng vận dụng khá tốt chất liệu văn hóa dân gian quen thuộc vào phim, tương tự Kẻ ăn hồn ra mắt vào năm 2023. Ví dụ như khi nhân vật Liễu ngâm bài thơ Quả mít của Hồ Xuân Hương, hay nhóm thanh niên chơi trò cầu cơ ở nghĩa địa…
Những phân cảnh Liễu làm phép trục vong, hoặc lúc cô xuống Chốn tâm thức gợi nhắc đến những siêu phẩm kinh dị ăn khách như Quật mộ trùng ma hay Insidious. Các cảnh này gây cảm giác kích thích, lôi cuốn, nhất là khi được lồng ghép trong một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa hiện sinh, phù hợp với thời kì phong kiến - thời kì mà người phụ nữ chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi.
Trong phim, đạo diễn Hoàng Nam cài cắm những tập tục của người Việt như thờ cúng tổ tiên, giải thích tầm quan trọng của bát hương trong nhà, lý do tạo nên những “cô hồn” vất vưởng không chốn dung thân. Bên cạnh đó, những hoạt động tâm linh như cầu cơ, trục vong, thế giới cõi âm… cũng được khai thác mạnh, làm rõ nét chứ không mang tính qua loa.
Những nhân vật chính được khắc họa khá rõ nét. Cặp vợ chồng Thương - Đinh thu hút tôi vì có sẵn nguyên mẫu để tham khảo và biên kịch cũng mạnh dạn sáng tạo, thêm thắt các khía cạnh mới. Ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình vợ chồng được nhấn nhá vừa vặn thông qua bộ đôi này.
Song song đó, câu chuyện của Liễu cũng có sức hấp dẫn tương đương, dẫn đến plot twist (bước ngoặt) ở hồi cuối. Hành trình vén màn sự thật đằng sau chiếc đèn âm hồn khá li kì. Chân tướng mọi việc được dẫn dắt từ cảnh mở màn, khi một cô gái chửa hoang bị dân làng ngâm lồng heo quăng xuống sông.
Bàn về diễn xuất, Hoàng Kim Ngọc mang đến màn trình diễn xuất sắc khi vào vai bà đồng Liễu đầy quyền lực và cũng rất giàu lòng thương người. Chị ta có thể mở cánh cổng âm dương, kết nối những người đã khuất với những người còn sống ở nhân gian. Không những vậy, bà đồng Liễu còn có thể làm các lễ trục vong, chiến đấu với ma quỷ và cả chữa bệnh bằng thuốc cho mọi người. Đây là nhân vật đại diện cho tiếng nói nữ quyền, khi nhiều lần thể hiện sự mạnh mẽ không thua kém đấng nam nhi.
Tôi thực sự bất ngờ với lối diễn của chị vì cũng ngót ngét 6 năm Hoàng Kim Ngọc mới quay lại đóng phim, kể từ sau Về Nhà Đi Con. Chị có chia sẻ trong buổi họp báo, rằng dù đã tốt nghiệp trường lớp diễn xuất nhưng lâu quá không đóng phim thì bản thân như tân bình. Chị phải luyện tập rất nhiều các động tác của một bà đồng trong các buổi tế lễ, trục vong, khấn bái… cho nên tôi thấy lên phim, mọi thứ rất mượt mà như thể đây là công việc hàng ngày của Hoàng Kim Ngọc.
Em trai của bà đồng Liễu do Tuấn “Mõ” đóng cũng là một điểm sáng bất ngờ. Dù chỉ là người phò tá chị gái, là nhân vật phụ của phim nhưng anh Hường đã mang đến tiếng cười duyên dáng cho người xem, tưởng chừng như bạn đang ngồi xem Táo Quân vào dịp giao thừa với những mảng miếng ấn tượng, vừa đủ chọc cười mà cũng không quá lố lắng.
Cá nhân tôi sau khi xem phim xong, tôi kỳ vọng hai chị em bà đồng Liễu - Hường sẽ được khai thác tiếp ở những phim sau vì còn nhiều đất để làm, cũng như lực diễn rất tốt ở Hoàng Kim Ngọc và Tuấn “Mõ”. Họ làm tôi nhớ đến bà đồng Elise (Lin Shayne) trong series Insidious. Từ một nhân vật phụ đã trở thành tuyến chính và làm nên thành công của loạt phim kinh dị ăn khách bậc nhất của Hollywood. Vậy nên, Việt Nam cũng có thể tạo nên một series tương tự như thế.
Phú Thịnh diễn tốt bất ngờ trong cảnh cao trào, thể hiện khía cạnh dữ dội và độc ác chưa từng xuất hiện trong các vai diễn trước. Tuy nhiên, tôi nghĩ bạn ấy cần luyện tập thêm nét diễn khi thoại, cũng như định hướng trở thành một diễn viên hành động sẽ giúp Phú Thịnh sáng hơn.
Diễm Trang tạo nhiều rung cảm truyền thống với hình ảnh nền nã, dịu dàng trong lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh. Còn NSƯT Quang Tèo, NSƯT Chiều Xuân… cũng để lại dấu ấn mỗi khi lên hình. Bên cạnh đó, tôi có lời khen cho hai diễn viên tên Khang - Đình Khang và Hạo Khang trong phim Đèn Âm Hồn. Họ chỉ là những nhân vật phụ nhưng với sự kính nghiệp, trau dồi và kỹ năng diễn xuất thần nên giúp cho phim có điểm nhấn.
Với Đình Khang, tôi còn nhớ anh này gây ấn tượng mạnh với khán giả trong Tết Ở Làng Địa Ngục, giúp một vai diễn Đại “điên” không quá nổi bật trong truyện đã trở nên xuất sắc trong bản truyền hình. Đến với phim tâm linh Đèn Âm Hồn, Đình Khang tiếp tục tỏa sáng ở phân cảnh bị “nhập hồn đoạt xác”, trở nên “hắc hóa” thành một người xấu và tấn công những nhân vật chính. Từ ánh mắt hiểm độc đến những pha hành động, Đình Khang đều thuyết phục tôi.
Còn với Hạo Khang, “bé An” của Đất Rừng Phương Nam nay đã lớn và ngày một điển trai, nâng cấp diễn xuất. Đây là lần đầu tiên Hạo Khang đóng phim kinh dị tâm linh cũng như có sự thay đổi “hắc hóa” trong nhân vật nên sẽ khiến người xem thấy thú vị.
Nhìn chung, Đèn âm hồn vẫn làm tốt vai trò của một phim tâm linh, tuy nhiên phim chưa bứt phá nếu so với Kẻ ăn hồn - tác phẩm có nhiều điểm tương đồng vì động cơ của tuyến phản diện chưa đủ “đô”. Màn giáp chiến giữa hai phe thiện - ác cũng thiếu sức nặng so với ⅔ câu chuyện trước đó. Song, tôi thấy phim vẫn thu hút khán giả vì tận dụng tốt chất liệu dân gian, đem đến những thông điệp ấn tượng về tình cảm gia đình, tình nghĩa vợ chồng.
Đèn âm hồn sẽ khởi chiếu vào ngày 7.2.2025 tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc.
* Bài viết của Nga Cao chia sẻ tại box Mọt phim Review
Facebook - bình luận