Cùng làm về đề tài sinh tồn và khai thác môi trường sinh thái, sự khác biệt của Shark Bait (Mồi Cá Mập) so với các bộ phim trước đó như The Reef hay Open Water là tạo hình chân thật của nhân vật chính “hung thần đại dương” và trang phục táo bạo khi bị truy đuổi của nhóm nhân vật trung tâm.
Shark Bait (Mồi Cá Mập) theo chân một nhóm du khách nghỉ dưỡng cuối tuần ở Mexico. Sau một đêm tiệc tùng thịnh soạn trên bãi biển, vì phấn khích muốn được dạo chơi trên bãi biển, những người này đã lấy trộm hai chiếc cano phản lực làm phương tiện di chuyển.
Trong tình trạng không tỉnh táo và thiếu kiểm soát, họ đã vô tình gây ra tai nạn. Chính điều này đã tác động đến một con cá mập gần đó. Cá mập đã trỗi dậy tìm kiếm những con mồi và những người trong chuyến đi đó bỗng nhiên trở thành “mồi” cho cá mập.
Sự cố xảy đến khi Greg (Thomas Flynn thủ vai) bị gãy chân. Sự chấn thương này nặng nề đến nỗi xương của anh đã tiếp xúc đến nước mặn. Tình trạng của Greg lúc này cực kỳ yếu ớt. Còn những nhân vật còn lại lúc này thì đang trong tình trạng nguy hiểm, có thể bị đánh gục bất kỳ lúc nào.
Hoàn cảnh của cả đám càng trở nên khó khăn hơn khi phát hiện đường bờ biển của Mexico rất khó đoán. Dường như nó không nằm trong tầm nhìn của họ. Cả đám người bị mắc kẹt giữa rất nhiều điểm mù không thể tìm được lối ra.
Trong lúc không khí vô cùng căng thẳng đó, Kansas Nat (Holly Earl thủ vai) đã phát hiện ra bạn trai của mình là Tom (Jack Trueman thủ vai) có điều gì mờ ám với Milly (Catherine Hannay thủ vai). Tam giác tình yêu giữa Kansas Nat, Tom và Milly chính là điểm tạo thêm kịch tính cho Shark Bait trước tình thế vốn dĩ đã vô cùng nguy hiểm.
Sau khi xem Shark Bait, mình phải đặt ra rất nhiều câu hỏi: “Tại sao con cá mập phải tiếp tục truy đuổi đám bạn?”, “Làm sao khách du lịch của Nat lại đi xa đất liền trên chiếc ván trượt bay?”... chưa kể là một số vấn đề mang tính thời đại một chút, không chỉ riêng trong Shark Bait mà còn trong cả các bộ phim sinh tồn như “Tại sao những kẻ ngu ngốc cứ tự tách mình ra?”.
>>> Xem thêm: Chuyện Ma Đô Thị: Ý tưởng hay nhưng cách triển khai lại dở
Việc cá mập nhất quyết truy cùng đuổi tận đám bạn mình nghĩ đó chính là cái giá mà họ phải trả vì đã thực hiện hành vi sai trái và lỡ “đắc tội” với thiên nhiên. Cuộc truy đuổi đáng sợ cùng những pha đớp mồi gây cấn của hung thần đại dương cũng chính là những pha kịch tính tạo nên sức hấp dẫn cho Shark Bait.
Về việc khách du lịch lại có thể đi xa đất liền trên chiếc ván trượt bay tới giờ mình vẫn chưa lý giải được nhưng mình nghĩ một phần là do cấu trúc của mặt ván tiếp xúc dưới nước phù hợp để di chuyển. Hai nữa là nhà làm phim cố tình sử dụng một kỹ thuật trong cách viết kịch bản là “thay đổi chức năng đạo cụ” để biến món đồ vốn được sử dụng với mục đích này lại có thể được sử dụng với mục đích khác. Nhưng việc đám người có thể đi xa vậy trên chiếc ván mà không có được lời giải thích rõ ràng từ phim cũng khiến mình cảm thấy hơi “ảo”, chưa tin được lắm.
Việc tại sao những kẻ ngu ngốc thường tách mình ra thì không chỉ Shark Bait, đa số phim sinh tồn mình từng coi đều như vậy. Mình nghĩ là khi ở trong trạng thái nguy hiểm, thường thì người trong cuộc sẽ phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, vậy nên sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Lúc đó cũng ít có thể giữ được sự bình tĩnh để nói chuyện nhẹ nhàng.
Khi ý kiến của mình bị phản bác và dùng lời lẽ không hay về nó thì rất dễ gây ra mâu thuẫn, chạm đến tự ái. Những khi như vậy thì sẽ có những người tự tách mình ra khỏi tập thể. Những người đó chỉ có 2 dạng, một là những kẻ ngốc, hai là người anh hùng chút nữa sẽ quay lại cứu cả đám.
Hình ảnh “hung thần đại dương” trong Shark Bait được tạo hình khá chân thật, mình thấy nhìn cứ như mấy tấm ảnh chụp cá mập ngoài đời thực chứ không nghĩ nó hoàn toàn được sáng tạo từ bàn tay của những người họa sĩ 3D. “Hung thần đại dương” được chăm chút rất kỹ từng đường nét, từ màu da, thân hình đến từng chiếc răng.
>>> Xem thêm: Trailer Shark Bait: Hình ảnh, âm thanh ổn nhưng nữ chính chưa nổi bật
Điểm khá thú vị trong Shark Bait mình thấy là các nhân vật trung tâm của câu chuyện đều mặc bikini trong cuộc chiến sinh tồn với “hung thần đại dương”. Lý do là bị “đánh úp” bất ngờ quá nên đánh phải lao vào cuộc chiến với outfit đi biển đó. Điều này vừa kích thích sự thèm khát săn mồi của cá mập, vừa tạo độ khó cho các nhân vật vì phải chống chọi với cơn rét khi ở biển.
Kỹ thuật quay phim cũng chính là một yếu tố rất đáng được nói tới và khen ngợi trong Shark Bait. Độ xanh của nước biển và màu sắc của những bộ đồ tắm mà nhân vật mặc khá hợp rơ tạo nên một khung hình hài hòa, không bị choảng nhau. Máy quay cũng vịn vào đó để lia những khung hình, tạo nên những cảnh quay sống động.
Điều khiến mình khá bất ngờ là Shark Bait rất “bạo” trong việc khai thác sâu vào những vết thương mà cá mập gây ra. Nó khủng khiếp hơn nhiều so với những gì mình từng thấy trong những bộ phim trước giờ. Khi cơ thể của nhân vật dần chìm xuống, những vết máu dần hiện lên và chắc chắn một điều là chúng ta không thể nào biết được liệu chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra dưới lòng đại dương khiến mình thật sự rùng mình.
Những cảnh máu me, dù biết là được xử lý bằng kỹ xảo điện ảnh nhưng trong Shark Bait nó quá chân thực khiến mình cảm thấy sợ hãi mỗi khi có điều gì đó bất thường xảy ra. Mình nghĩ nó có thể gây ra những ám ảnh kinh hoàng mỗi khi nhớ lại.
Nói chung, Shark Bait với mình là bộ phim vừa đủ thú vị nhưng nó vẫn còn đi theo lối mòn, motif cũ và chưa có gì thực sự bứt phá lắm. Mấy pha đớp mồi của “hung thần đại dương” trong phim là điểm sáng nhất mình thấy được. Nếu ai muốn đổi gió xem phim sinh tồn dưới lòng đại dương thì mình nghĩ Shark Bait có thể là một sự lựa chọn để bạn cân nhắc. Tuy nhiên thì với mình nó chỉ dừng lại như một món khai vị nhẹ nhàng thôi chứ chưa thể là món chính, chưa đủ thỏa mãn khi xem.
Bài viết được Lọ Lem gửi về cho DienAnh.net
Cập nhật đầy đủ thông tin về Shark Bait tại Thư Viện Phim nhé.
Facebook - bình luận