Thay vì chọn một hình tượng như zombie hay các tín đồ cuồng giáo để phát triển câu chuyện kinh dị, thì mình thấy Parker Finn lại chọn hướng khai thác mới mẻ về một hành động thường thấy của con người, đó là nụ cười. Với Smile (Cười), bộ phim cho mình thấy nhiều mặt tối trong suy nghĩ của con người khi họ thể hiện nụ cười ra bên ngoài.
Smile (Cười) kể về Rose Cotter, một nhà trị liệu tâm lý luôn dành thời gian bên những bệnh nhân và công việc của mình. Một ngày nọ, cô gặp được nữ bệnh nhân tên Laura Weaver, chứng kiến cô gái tự rời bỏ cuộc sống và nở một nụ cười quái dị khiến Rose “mất ăn mất ngủ”, luôn trong tình trạng hoang mang, lo sợ. Từ đây cô liên tục gặp những điều kỳ lạ và cảm giác bất an về một thực thể vô hình nào đó dường như đang có ý định nuốt chửng cô.
Tổng quan mà nói, mình thấy Smile (Cười) có một tiền đề khá hấp dẫn khi nhà làm phim không hề sử dụng những chất liệu kinh dị quen thuộc như zombie, thế lực tâm linh, kẻ thủ ác với những thiết bị “hạng nặng” trên tay, mà chỉ khai thác mọi thứ xoay quanh nụ cười, một biểu trưng quen thuộc cho nhiều mặt của con người.
Với Smile (Cười), mọi thứ được triển khai tập trung vào nhân vật Rose. Bên cạnh đó, cách phát triển tâm lý của cô cũng được nhà làm phim trau chuốt tỉ mỉ. Bộ phim được mở đầu với quá khứ của Rose, sau đó là giai đoạn của trưởng thành với một công việc lý tưởng và dần dần là những biến đổi cùng loạt bi kịch đang bao lấy cô.
Xem Smile (Cười) khiến mình nhớ đến câu chuyện trong The Ring hoặc It Follows. Điều hấp dẫn mình ở những bộ phim này đó không phải là một nỗi sợ hữu hình về thực thể đang ám lấy nhân vật, mà chính là lời nguyền liên đới.
>>> Xem thêm: Em Yêu, Đừng Sợ: Phim dài dòng, dàn cast hạng A cũng không cứu nổi
Theo mình nghĩ, lời nguyền liên đới có nghĩa là khi nhân vật bị vướng vào một lời nguyền nào đó, họ buộc phải tìm cách thoát khỏi nó bằng nhiều cách khác nhau: có thể khiến bản thân trở thành một phản diện bắt buộc để kết liễu một ai đó và truyền lời nguyền cho họ, hoặc sẵn sàng kết liễu tính mạng để chấm dứt nó.
Chính vì vậy, dù bằng cách này hay cách khác, thì cách giải quyết của nhân vật trong phim sẽ đưa mình đến nhiều tình huống khác nhau, mở rộng câu chuyện thêm. Tuy nhiên với cách dàn trải diễn biến như vậy, mình nghĩ đòi hỏi nhà làm phim phải cực kỳ tinh tế trong quá trình làm ra một cái kết.
Và với Smile (Cười), những diễn biến mà nhân vật Rose phải trải qua, đến cuối phim tưởng chừng là mọi thứ sẽ chấm dứt với cô, nhưng hóa ra “twist chồng twist”, khiến nữ chính dường như không thể thoát khỏi “con quỷ nụ cười” ấy.
Nếu kịch bản của Smile (Cười) được nhà làm phim làm chắc tay khi chỉ tập trung vô nhân vật Rose Cotter cùng cách dẫn truyện vô cùng thông minh, thì mình thấy “gia vị” hỗ trợ đó chính là âm thanh và kỹ thuật quay phim.
Nói về cách quay phim, mình thấy nhà làm không hề cố định một góc quay xuyên suốt từ đầu đến cuối. Có một số phân cảnh chuyển giao giai đoạn, họ xoay chuyển góc quay, đôi khi đặt ngược so với bình thường, như thể ngầm báo hiệu cho mình rằng mỗi giai đoạn, nhân vật Rose sẽ có những bước thay đổi tâm lý nặng nề hơn.
>>> Xem thêm: Tổng kết Kisaragi - Nhà Ga Nuốt Chửng: Chất lượng, doanh thu đều thấp
Hơn nữa, mình bắt gặp một số phân đoạn nhà làm phim sử dụng cách quay one-shot, họ di chuyển một vòng quanh khu vực đó và vô tình dừng lại ở một góc đặc biệt, góc này sẽ xuất hiện những thứ mà mình nghĩ các bạn sẽ sợ rén người đấy! Vì những thứ được gọi là thế lực vô hình, nó sẽ xuất hiện ở những ngóc ngách mà mình không ngờ tới.
Chính vì vậy, mình hoàn toàn đánh giá cao phần hình ảnh cũng như quay dựng của nhà làm phim, nó như một cách biểu đạt hố sâu tâm lý của Rose.
Đôi lần xem Smile (Cười), mình phải giật mình mấy lần chính bởi thứ âm thanh quái gỡ mà nhà làm phim đưa vào. Dù nó không hoàn toàn là một dạng hiệu ứng kinh dị thường thấy ở những bộ phim cùng thể loại, nó chỉ đơn thuần là tiếng chuông điện thoại, âm thanh của máy báo động, hay tiếng thở của nhân vật. Nhưng mình thấy mỗi thời khắc tĩnh lặng, nhà làm phim lại đặt âm thanh ấy vào, nó lại phù hợp với Smile (Cười).
Dù Smile (Cười) không sở hữu bất kỳ dàn diễn viên nào được mệnh danh là “bảo chứng phòng vé”, nhưng không thể không phủ nhận diễn xuất của những cái tên như: Sosie Bacon, Caitlin Stasey, Kyle Gallner, Rob Morgan. Dù vai chính hay vai phụ, mình thấy họ đều lột tả được cảm xúc và tâm lý của nhân vật, đặc biệt là nụ cười oái oăm trên gương mặt họ khi bị ám.
Smile (Cười) là vậy! Một bộ phim mà mình nghĩ sau khi xem xong, bạn sẽ phải dè chừng với những nụ cười xung quanh. Vì khi họ cười, không biết khi nào là thân thiện, khi nào đau buồn, khi nào bị ám…!
* Bài viết của Bon chia sẻ tại box Phim Âu Mỹ
Nếu bạn quan tâm đến những bộ phim kinh dị về lời nguyền, thực thể vô hình, nỗi sợ nào đó , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Smile (Cười)? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận