Tôi đọc được một câu cổ nhân dạy rằng: “Động không bằng tĩnh, nói nhiều vốn chẳng bằng im lặng". Kỳ thực, lời nói là thứ mang tính sát thương cao nhất, và khi đã tạo thành vết thương thì khó có thể lành lại được. Trong giao tiếp, nếu cứ nói năng vô tội vạ hay quá vô tư không nghĩ đến cảm xúc của người khác sẽ rất dễ gây hiểu lầm, sinh ra thù ghét. Người thông minh sẽ không bao giờ bộc lộ hết bản thân mình với người khác, họ học được cách che giấu khả năng của mình bởi cái gì thể hiện nhiều quá cũng không tốt.
1. Học cách giữ im lặng trong mọi việc
Hãy học cách sống khép kín và giữ lại những gì đặc biệt về bản thân. Nếu thoải mái thể hiện hết mọi khía cạnh của mình, bạn sẽ không còn thu hút trong mắt những người xung quanh. Bởi khi họ đã biết quá nhiều về bạn, bạn sẽ không tạo cho họ cảm giác thần bí nữa. Đây là cách làm cho người khác tò mò và muốn tìm hiểu bạn. Từ đó, bạn sẽ có thêm cơ hội để thể hiện năng lực khi cần thiết.
Ngoài ra, hãy học che giấu sự thông minh của mình và bộc lộ bản thân một cách khiêm tốn khi cần thiết. Bí mật của một người có năng lực thì không nên được tiết lộ. Tuy nhiên, nếu một người không có năng lực thì không có gì để thể hiện chứ đừng nói đến việc che giấu. Vì vậy, trước khi bạn che giấu khả năng của mình, hãy nghĩ xem bạn có đủ sâu sắc hay không.
Chưa đủ sâu, hãy đóng vai một kẻ ngốc, hãy nhìn xa, đừng giả vờ thông minh để có chút phù phiếm, đừng vì chút danh lợi mà ra vẻ ta đây. Hãy bình tĩnh, lập kế hoạch sống cho bản thân và từng bước nâng cao khả năng của mình.
2. Học cách kiệm lời khi cần
Chu Dịch viết: “Cát nhân chi từ quả, táo nhân chi từ đa”, ngụ ý là người có uy đức thì không nói nhiều, người giảo hoạt mới dùng nhiều lời để nói. Lời nói có thể phản ánh tính cách của một con người. Từng lời khi nói ra, đều có thể ẩn chứa rất nhiều điều trong đó. Đây cũng chính là lý do mà đa số những người thành công đều chỉ đứng quan sát trong các cuộc tranh luận và đưa ra ý kiến khi cần.
Người biết nhìn xa trông rộng sẽ không nói dối. “Lời nói dối không có chân, nhưng tai tiếng thì có cánh” – Thomas Fuller. Người khôn ngoan sẽ không nói những chuyện dối trá. Bởi họ biết rằng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, một ngày nào đó khi mọi chuyện đã đi quá xa, họ sẽ bị mất hoàn toàn sự tin tưởng từ mọi người.
3. Càng không nói phóng đại
Có người nói rằng, càng khoe gì thì càng thiếu cái đó. Người chỉ biết phóng đại thường ham hư vinh, danh vọng, thích thể hiện khoe khoang. Họ luôn sống trong sự ảo tưởng, đầu óc, bụng dạ trống rỗng nhưng thích khoe mẽ, kết quả là làm bản thân xấu hổ trước mặt người khác.
Người thông minh sẽ luôn chọn cách làm việc trong âm thầm và chờ đợi kết quả. Bởi họ hiểu một điều rằng thay vì dành thời gian dành cho việc khoe khoang, họ có thể nỗ lực cho chính bản thân mình.
4. Đừng nói lời gây tổn thương
Đôi lúc dù là vô tình hay cố ý, những lời nói của chúng ta cũng có thể làm ảnh hưởng đến người khác, thậm chí là rạn nứt mối quan hệ.
Người thông minh luôn biết cách chừa đường lui cho mình. Hãy tập cách sống ôn hòa, điềm tĩnh với mọi người xung quanh, bạn sẽ nhận được nhiều hơn là sự yêu mến và tôn trọng.
5. Đừng kiêu căng, ngạo mạn
Thói kiêu căng ngạo mạn sẽ gây ra những hệ quả khôn lường, tránh được tính xấu này, con người có thể tích phúc cho mình.
Những kẻ ngạo mạn thường có thói quen hơn thua, phân biệt giàu nghèo, thấp kém, luôn cho mình là nhất vì vậy luôn có thái độ coi thường, tự cho mình là nhất. Họ chỉ biết đến bản thân, coi thường những lời góp ý, dần dần tự đẩy mình ra xa với những người xung quanh. Và những kẻ tự mãn, tự cho mình là tài giỏi thường khó có thể thành công trên trường đời danh vọng, dễ dàng gặp thất bại bởi bên cạnh họ không có lấy một người đồng hành, giúp đỡ.
Người khôn ngoan là những người biết khiêm tốn, lùi một bước nhưng tiến ba bước. Bởi họ hiểu được rằng khiêm nhường là cách sống khôn ngoan nhất. Người biết khiêm nhường, sống an yên giản dị mới chính là người có thể làm nên chuyện.
Kết: Tôi hiểu được rằng trong cuộc sống, chắc chắn mỗi chúng ta đều đã từng phải nhận những lời khó nghe hoặc đã vô tình thốt ra những lời làm tổn thương người khác. Nhà văn Hemingway từng nói: “Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hơn 60 năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng. Về sau này, khi càng nói nhiều, khoảng cách giữa con người lại càng xa cách hơn, mâu thuẫn cũng nhiều hơn". Vậy nên, để thực sự có được cuộc sống vui vẻ, an nhiên, hãy học cách im lặng khi cần thiết và cả lúc không cần nói ra.
* Bài viết của Tiêu Dao chia sẻ tại box DAN FC
Đời người là cuộc hành trình vượt qua thử thách, nếu bạn có những tâm đắc về cuộc sống , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Facebook - bình luận