Tanpopo nhận thấy Hàn Quốc rất ít làm phim lấy đề tài chính trị nhưng một khi đã làm đều rất thành công và Escape from Mogadishu (Trốn Khỏi Mogadishu) chính là một tác phẩm như vậy.
Phim kể về câu chuyện có thật đáng về cuộc đào tẩu táo bạo của các nhà ngoại giao Triều Tiên và Hàn Quốc khỏi Somalia vào đầu những năm 1990.
Đây là tác phẩm của Hàn Quốc dành cho phim quốc tế hay nhất tại lễ trao giải Oscar nên Tanpopo cũng vô cùng háo hức ra rạp xem và hoàn toàn không thất vọng. Escape from Mogadishu lấy mốc thời gian năm 1991 khi các nhà ngoại giao từ Triều Tiên và Hàn Quốc ở Mogadishu đã cạnh tranh cho cuộc bỏ phiếu của Somalia để quyết định xem Hàn Quốc có tham gia Liên hợp quốc hay không.
Những nỗ lực của đại sứ Hàn Quốc Han (Kim Yoon Seok) nhằm thu hút nhà độc tài người Somali Mohamed Siad Barre đã liên tục bị cản trở bởi đại sứ Triều Tiên ranh mãnh Rim (Huh Joon Ho). Sau đó Barre bị lật đổ, thủ đô rơi vào tình trạng vô chính phủ vô cùng hỗn loạn. Bị quân nổi dậy đánh úp, mất cả thuốc insulin, nhóm người Triều Tiên mới đến gõ cửa nhà Hàn Quốc để xin giúp đỡ.
Có một số điều hài hước bất ngờ tại đại sứ quán Hàn Quốc, chẳng hạn như sự im lặng khó chịu xung quanh bàn ăn tối khi người Triều Tiên lo lắng cầm đũa. Dù nhóm người Hàn Quốc cho Triều Tiên trú ẩn nhưng họ vẫn sợ bị kẻ thù bỏ hóa chất vào thức ăn nước uống. Tanpopo ôm bụng cười khi vợ đại sứ Han hỏi rằng: “Cô có biết rằng trẻ em Triều Tiên được dạy võ từ nhỏ”?
Tuy nhiên vì có cốt truyện nặng nề, Escape from Mogadishu khiến Tanpopo buồn ngủ trong 2 hồi đầu cho đến màn thứ ba khi nhân viên từ cả hai đại sứ quán di chuyển trong một đoàn xe qua một khu vực xung đột với nhóm nổi dậy được trang bị tận răng. Thông qua phân đoạn này, Tanpopo mới hiểu được rằng đạo diễn Ryu Seung Wan thực sự đã dàn dựng vô cùng kỹ càng thay vì tận dụng kĩ xảo như bao bom tấn khác.
Có lẽ nhờ việc nghiêm túc với bộ phim như thế khiến Escape from Mogadishu trở thành tác phẩm ăn khách nhất xứ Hàn trong thời kỳ dịch. Tanpopo vô cùng khâm phục Ryu Seung Wan khi sự hồi hộp hành động và giải trí tràn ngập trong cốt truyện xoay quanh chính trị.
Dù Escape from Mogadishu sở hữu 2 cái tên sáng giá là Jo In Sung trong vai nhân viên tình báo Han và Koo Kyo Hwan là cố vấn Tae nhưng Kim Yoon Seok lẫn Huh Joon Ho đã chứng minh được bản thân là gừng càng già càng cay với nét diễn xuất cương nghị, ranh mãnh nhưng không kém phần hấp dẫn. Những khoảnh khắc 2 đại sứ đấu trí, dần chấp nhận và giúp đỡ đối phương làm Tanpopo đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Bạn có thể thắc mắc làm như thế nào mà 1 hồi cứu cả bộ phim nhưng Escape from Mogadishu là như vậy đấy! Khen nhiều rồi, giờ Tanpopo phải chê thôi! Thứ nhất, phim được sản xuất dựa trên góc nhìn của người Hàn hoàn toàn vì đây là phim của xứ sở kim chi mà! Do đó, tính đa dạng góc nhìn cũng bị hạn hẹp vì kể theo hồi ức của một người.
Thứ hai, một số thứ bị khiên cưỡng, chẳng hạn như chi tiết trẻ con cầm vũ khí. Suy nghĩ của người dân Somalia về cuộc nội chiến cũng không được nêu rõ, phần nào khiến bộ phim hơi nông theo suy nghĩ của Tanpopo.
Nhìn chung, Escape from Mogadishu là tác phẩm độc đáo của Ryu Seung Wan, đặc biệt là sản xuất trong mùa đại dịch. Cứ ra rạp thưởng thức để biết được sự kiện lịch sử này bạn nhé!
>> Xem thêm: The Princess: Ngô Thanh Vân đỉnh cao trong vai đả nữ, Joey King mới lạ
* Bài viết của Tanpopo chia sẻ tại box Phim Hàn Quốc
Nếu bạn thích Hàn Quốc và không bỏ qua bất cứ thứ gì về Kbiz , mời bạn bấm vào đây để đăng bài trao đổi bàn luận cùng mọi người.
Bạn cần tìm thông tin dữ liệu và đọc review về phim Escape from Mogadishu ? Hãy truy cập vào DAN Wiki để có tất tần tật những nội dung bạn cần đấy: bấm vào đây
Facebook - bình luận