Để hoá thân trọn vẹn vào nhân vật của mình, các diễn viên không chỉ cần cầu kỳ trong tạo hình, chỉn chu trong đài từ mà còn phải đa dạng về biểu cảm gương mặt. Chính vì thế, bất cứ ngôi sao nào tỏ ra nghèo nàn trong cách thể hiện cảm xúc, đều khiến khán giả dễ nhàm chán, khó đồng cảm được với nhân vật.
Gần đây, tôi tình cờ xem được bộ phim Phố Trong Làng và phát hiện ra diễn viên Phạm Anh Tuấn không hề có chút thay đổi nào so với những lần đóng phim trước đó. Vẫn là biểu cảm trợn mắt vô hồn “đặc sản” được anh bê từ nhân vật này qua nhân vật khác. Mặc dù được nhận vai chính nhưng biểu cảm của nam diễn viên lại một màu, chỉ biết phồng mồm trợn mắt ở bất cứ khung hình nào dù cho đó là khi anh tức giận, ngạc nhiên hay sững sờ.
Thực sự không chỉ có tôi, mà còn nhiều khán giả cũng nghĩ vậy. Đọc bình luận của người xem sau mỗi tập phim, đa số ai cũng phàn nàn sao nam chính đóng chán thể, để dàn diễn viên phụ phải “gánh còng lưng”.
Mà đâu chỉ có Phố Trong Làng, ngay cả trong phim Cả Một Đời Ân Oán hay Gạo nếp Gạo Tẻ, Anh Tuấn đều “trung thành” tuyệt đối với gương mặt hùng hổ, ánh mắt không cảm xúc này. Phải nói rằng trợn mặt đã trở thành thương hiệu của diễn viên Phạm Anh Tuấn rồi. Nói vậy không phải để khen đâu, mà để thông báo với anh rằng nếu cứ diễn kiểu “nghèo nàn” thế này thì anh sẽ mãi dậm chân trong chiếc đáy giếng của mình mà thôi.
Bắc có Anh Tuấn thì Nam có Quang Tuấn nha quý vị. Theo dõi nam diễn viên cũng đã lâu, tôi biết Quang Tuấn có thể làm tốt hơn thế, nhưng anh vẫn chọn cách phát tiết cảm xúc nhân vật hết sức bản năng, thiếu chiều sâu như thế. Từ phim truyền hình cho đến điện ảnh, dù là vào vai lớn nhỏ ra sao, cứ hễ nhập vai là anh lại bắt đầu phô diễn đặc sản trừng mắt.
Trong bộ phim Tiệm Ăn Gì Ghẻ, Thất Sơn Tâm Linh, sở trường này của anh được phát huy tối đa, khiến tôi chẳng thể nào hiểu nổi biểu cảm vô hồn này là đang tức, đang ngạc nhiên hay đang bị làm sao. Tương tự với vai phản diện trong Bằng Chứng Vô Hình, Quang Tuấn đang lầm tưởng rằng cứ nhân vật ác là phải chừng mắn lên cho dữ tợn à?
>>> Xem thêm: Minh Hằng và dàn mỹ nhân Việt đóng cảnh “lăn giường”
Còn đối với tôi, đây được gọi là hạn chế về biểu cảm. Mặc dù đã làm nghề lâu năm nhưng anh hoàn toàn không có chút nghiên cứu sâu sắc nào về cách diễn, phương pháp biểu đạt cảm xúc lẫn chính nhân vật của mình. Như vậy thì dù có đóng 100 vai hay 1000 vai thì anh cũng khó mà bứt phá lên được.
Cuối cùng, Thu Quỳnh là diễn viên hiếm hoi mà tôi thấy cô trợn mắt, bặm môi, lườm nguýt lại được khen ngợi. Ví dụ như trong phim Quỳnh Búp Bê, mỗi lần My Sói chuẩn bị thét ra lửa hù doạ ai là lập tức ánh mắt sắc lạnh này xuất hiện cùng với biểu cảm đầy tính thách thức. Chắc nhiều năm nữa, người ta vẫn sẽ chẳng thể nào quên đã từng có một My Sói như thế trên màn ảnh.
Đến Về Nhà Đi Con, chị Huệ lại tiếp tục bật nhẹ mood My Sói để dằn mặt người chồng vũ phu, ăn hại. Lần này, pha chừng mắt có phần nhẹ nhàng hơn và xảy ra đúng hoàn cảnh, khi nhân vật của Thu Quỳnh đã bị dồn vào đường cùng nên có thể cảm được.
Nhưng đến Hương Vị Tình Thân thì nhân vật Thy có vẻ hơi lạm dụng kiểu chừng mắt này rồi á nha. Cứ tức lên là cô lại để đôi mắt làm việc. Nhìn nhiều thành ra cảm thấy ám ảnh, mệt mỏi.
>>> Xem thêm: Mạnh Trường và các diễn viên tài sắc vẹn toàn của truyền hình Việt
Nhưng dẫu sao so với 2 nam diễn viên trên, tôi vẫn thấy biểu cảm của Thu Quỳnh đáng để khen ngợi, vừa giúp cô lột xác, vừa tạo thành cá tính khó quên trên màn ảnh. Thế mới thấy, người diễn viên không phải cứ đẹp là lên được phim đâu nhé, họ phải học hỏi, trau dồi và nghiên cứu rất nhiều, nếu không muốn trở nên “nghèo nàn” về kiến thức lẫn chuyên môn.
Bài viết của Hoa Lê trên DienAnh.net
Hãy hít một hơi thật sâu và bấm theo dõi DienAnh.net ngay để chuẩn bị hành trang hóng hớt drama showbiz và cùng ngồi tám với tui nhé!
Facebook - bình luận