"Có duyên mới gặp, có nợ mới yêu”, duyên nợ có mối quan hệ thế nào mà khiến người thì cô đơn không sao tìm được một nửa, kẻ thì trăng hoa chọn cảnh sống chung chạ để rồi phải gánh chịu cảnh đời ngậm đắng nuốt cay. Tất cả được giãi bày trọn vẹn trong 2 chữ "Duyên - Nợ" đời người.
Người đời hay có câu: "Vạn sự tùy duyên. Nhưng thế nào là tùy duyên và hiểu duyên nợ giữa người và người nói chung, duyên nợ vợ chồng, duyên nợ yêu nhau….như thế nào để thấu được chữ nhân duyên trong cõi đời thật không phải dễ dàng". Trong những lần gặp gỡ ở kiếp này, vì một chữ ân phải trả, vì nửa chữ nợ phải đáp mà trong kiếp sau, sẽ có sợi dây ràng buộc đặc biệt những con người này lại với nhau, cốt là để báo đáp ân tình cho nhau. Mối quan hệ vợ chồng thuộc vào loại sâu sắc nhất trong tất cả các loại duyên phận, chỉ là trong đó vẫn có thiện - ác song hành.
Duyên là do trời định. Phận là người tạo. Hạnh phúc là do chính mình nắm bắt. (Nguồn: Công Hậu).
1. Giữa cõi đời tấp nập, vì sao hai người lại gặp nhau
Ông bà ta vẫn thường nói, nhân duyên bắt nguồn từ nợ mà thành. Theo lẽ đó mà người đời tự nhiên coi nhân duyên giống như luật nhân - quả, vì có sự ràng buộc ở kiếp trước mà gặp lại ở kiếp này để giải quyết cho xong. “Có duyên mới gặp, có nợ mới yêu”. Đó là cái nợ từ kiếp trước mà bạn và người ấy đã gặp để đến kiếp sau phải trở thành vợ chồng.
Cũng có người nói: "Người vợ ở kiếp này là người bạn đã chôn cất ở kiếp trước, đến để trả ơn cho bạn. Đứa con trai ở kiếp này là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, ngược lại với vợ là đến để đòi lại món nợ chưa trả. Còn đứa con gái ở kiếp này lại là người tình ở kiếp trước, lúc này đến vì tình cảm chưa dứt. Trong khi đó, người tình kiếp này chính là người đã đầu gối tay ấp của ta ở kiếp trước, đến để viết tiếp đoạn nhân duyên còn dang dở. Hồng nhan tri kỷ của kiếp này là anh em của kiếp trước, đến để sẻ chia, bầu bạn và thổ lộ những tâm tình chưa tròn."
Hay "Nói người giàu có ở kiếp này là người giàu lòng thiện lương ở kiếp trước, đến để nhận phúc phần đã ban phát trong quá khứ không phải là sự mê tín huyễn hoặc, mà đó chính là nhân quả, là số kiếp an bài. Con người nếu không có món nợ với nhau ở kiếp trước, làm sao có sự dây dưa ở kiếp này. Trong vòng tròn luân hồi, duyên sẽ tồn tại, nhân - quả từ đời trước sẽ theo duyên số cho tới đời sau".
Làm sao để tìm được nhân duyên của đời mình ? (Ảnh: Khanh Nguyễn)
Trong quan điểm của đạo Phật thì kiếp trước và kiếp này hay quá khứ của kiếp này không hoàn toàn khác nhau mà là một, một sự chuyển đổi, hoán đổi và liên tục từ cảnh giới này sang cảnh giới khác nhưng nghiệp lực không thay đổi. Lấy ví dụ: Hai vợ chồng thương nhau sống với nhau hạnh phúc, nhưng bỗng nhiên người vợ hay người chồng lại có thêm người khác bên ngoài. Đó là nhân quả của duyên và nợ. Điều này bị xã hội vô cùng lên án đó là vi phạm đạo lý làm người, là tội lỗi nặng nề. Phật giáo thì xem đó như là món nợ mà người đó phải trả, hoặc chính họ tạo ra một nghiệp mới (nợ). (1)
2. Vì sao họ đã gặp nhau lại phải tìm cách rời xa nhau?
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong nhiều thời điểm, như “Tại sao có đôi vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc nhưng điều đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi?”, “Tại sao đôi trẻ kia yêu nhau mặn nồng nhưng khi sắp kết hôn thì đường ai nấy đi?”, đơn giản là duyên - nợ đã dứt. Hay “Tại sao hai người chỉ vừa gặp nhau đã nảy sinh tình cảm thắm thiết?”, “Tại sao người chồng hay đánh vợ mình nhưng người vợ ấy vẫn một lòng một dạ yêu anh ta?”, “Tại sao có người lại yêu thương đối phương hơn cả sinh mạng của mình?”.
Cũng đơn giản thôi, là nợ - duyên chưa dứt, là nghiệp phải trả do còn ở kiếp trước. Có thể duyên đó đến trong giây lát rồi biến mất và cũng có thể duyên đó tồn tại mãi mãi đến kiếp sau vì trong duyên đó còn có nợ. Nhưng còn nợ của duyên thì phải trả, không trả thì còn nghiệp mà còn nghiệp thì không thể giải thoát.
Duyên có thể ngắn, nợ có thể dài... Cũng đơn giản thôi, là nợ - duyên chưa dứt. (Ảnh minh hoạ)
Nhưng điều này không có nghĩa chúng ta lại lấy hai Duyên Nợ để nguỵ biện cho những hành động sai trái trong việc ruồng bỏ đối phương, thay lòng đổi dạ, lừa dối tình thân, phụ bạc vợ chồng... bởi đó không chỉ làm tan vỡ hạnh phúc, tổn thương đối phương mà còn phạm vào tội "tà dâm" trong ngũ giới của nhà Phật. "Không tà dâm để bảo vệ sự công bình, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người, không tà dâm còn tránh được oán thù và quả báo xấu, vì không có sự oán thù nào mãnh liệt cho bằng sự oán thù do lừa dối tình hay phụ tình gây ra. Nếu mọi người đều giữ giới không tà dâm thì gia đình được đầm ấm, xã hội có luân thường đạo lý, không có những sự thù hằn chết chóc vì tà dâm nữa." (2)
Cũng theo giáo lý Đạo Phật thì muốn giải thoát được nợ duyên thì cần phải biết biến chuyển linh hoạt tình cảm và nợ duyên đó thành phước lành, nếu nghiệp đã chín thì mỗi người phải chấp nhận để trả nghiệp và mong cầu đến một sự kết nghiệp rốt ráo và mục đích sau cùng mà việc làm này hướng đến chính là cuộc sống an yên, hạnh phúc và viên mãn. Ngược lại, với những ngươi không thấm nhuần giáo lý cao siêu nhiệm màu thì lại xem nó như một trò chơi tình ái và dục vọng, do vậy nghiệp chưa thể dứt, hậu quả là tự mình chuốc hoạ vào thân, gia đình ly tán, ghen tuông và tan vỡ. Và rồi, luân hồi duyên và nợ tiếp tục trả vay.
Đi hết cuộc đời liệu trả hết được nghiệp duyên?
Theo quan niệm của Giáo hội Công giáo xác định: hôn nhân là một "bí tích" và vì vậy nó có tính chất thánh thiêng, việc cử hành "bí tích hôn nhân" một cách chính thức khiến nó trở nên một giao ước vĩnh cửu giữa người nam và người nữ. Người Công giáo tin rằng khi được lãnh nhận bí tích hôn nhân cách chính thức, đôi nam nữ sẽ được chúc phúc yêu thương, chung thủy với nhau suốt cả cuộc đời, trong một giao ước do chính Chúa Giêsu đã lập. (3) Và như thế hai người đã có duyên đến với nhau thì hãy trân trọng và giữ gìn "bí tích" tuyệt vời này.
Sống trọn đời bên nhau cũng là cách trả hết ngiệp duyên tốt nhất. (Ảnh: Hải Lê Cao)
Cũng như ông bà ta thường nói "tu trăm kiếp mới chung một thuyền, tu ngàn kiếp mới chung chăn gối", để đến được với nhau và trở thành vợ chồng là cả một hành trình dài gieo duyên, tìm duyên và trả duyên, vì thế nếu hai người đã chọn cách sống cùng nhau thì hãy gìn giữ mối lương duyên đó cho trọn đời trọn kiếp, đó cũng là một cách trả nợ nghiệp duyên trọn vẹn nhất.
Người đời có thói quen đi chùa, tìm Phật để cầu duyên, để tìm một nửa của đời mình hay ngưỡng cầu hạnh phúc mà không hiểu rằng dù có cầu xin cũng chỉ là xin duyên xin phận chứ không thể xin được lòng người. Cái duyên, cái nợ xấu hay tốt ấy là do người tự xây đắp mà tạo thành chứ Phật không thể ban cho hay hoán đổi.
Nhân duyên vợ chồng vạn sự tùy duyên (Ảnh: Internet)
Bởi thế, sống trong cõi nhân sinh này, nếu như bạn chưa thể tìm được ý chung nhân thì cũng đừng lấy làm vội vã mà nhắm mắt chọn đại, để rồi tự mình tạo cho mình một duyên nợ chẳng rõ ngày sau. Còn nếu đã vì duyên mà tới thì hãy vì đối phương, vì người bạn đời mà chọn một cách sống thuỷ chung, bởi điều đó chính là cách tốt nhất giúp bạn trả hết mối nghiệp duyên. Và trường hợp nếu đường đời chẳng được như ý muốn thì cũng đừng dại lấy đó mà đau khổ, buông những lời oán hận hay tìm cách giải quyết tiêu cực, bởi đó chẳng những gia tăng mối hận thù, mà còn kết thêm nghiệp duyên cho tương lai. Hãy vui vẻ để sống, để yêu và để có thể hưởng được cuộc sống an lạc trong cả kiếp sau.
Ảnh: Internet
(1) Nguồn: Duyên và Nợ - Phatgiao.org.vn
(2) Nguồn: Ngũ giới - Wiki
(3) Nguồn: Hôn nhân công giáo - Wiki
Facebook - bình luận