Đời một người quá dài, không biết bao nhiêu lần chúng ta buồn vui xen lẫn. Khó có thể chỉ luôn mong cầu hạnh phúc yên bình mà không trải qua lắm lúc bi ai, gian khó. Người sẵn sàng chấp nhận quy luật vũ trụ, luôn vững tin trước mọi thử thách khó khăn, nội tâm kiên cường vững chãi như bàn thạch ắt hẳn sẽ cảm nhận được tự tại tiêu dao trong tâm hồn. Ở đây bàn đến bốn cảnh giới cao cấp và khó đắc nhất của một cuộc đời con người.
1. Biết đau mà không than trách, nội tâm vững vàng, kiên cường vượt qua sóng gió
Một con sóc nhỏ, khi cảm thấy nguy hiểm đang đến gần, nó sẽ gắng sức mà chạy. Khi tử thần cận kề, nó sẽ kêu gào và kết cục cũng là thua vào miệng loài thú săn mồi khác. Ngược lại, đại bàng bay trên trời cao, khi đau đớn nó sẽ náu mình ở một góc hang hốc và tự chữa lành cho vết thương. Nó không kêu gào than trách bất kỳ một tác động nào khiến nó gục ngã, chỉ đợi ngày hồi phục để lại được sải cánh muôn nơi.
Khó khăn tìm đến, nếu đau đớn mà oán trách kêu than thì sẽ mất đi cơ hội được tôi luyện bản thân, mất đi khí phách kiên cường để ngày càng trưởng thành hơn. Quỹ đạo sống của một con người cũng sẽ theo đó mà biến hóa khôn lường. Hãy xem nỗi đau là nền tảng để bản thân được trui rèn và trở nên cao cấp hơn mỗi ngày.
Thấy đau mà không than, đó không phải là không thấy đau mà thực chất là giỏi chịu đựng để dám đối mặt và đấu tranh với thương tích. Con người sống trên đời cần bản chất kiên cường của chúa sơn lâm và bình tâm như đại bàng để vượt qua sóng gió. Trí tuệ chính là nhận thức được “sau cơn mưa trời lại sáng, cầu vồng sẽ lại xuất hiện đó thôi”.
2. Biết là vui, nhưng chỉ cười mà không nói, đó là khoáng đạt và tự tại tiêu dao
Quân tử thì luôn chính trực, thẳng thắn, đường hoàng làm những việc đại sự ngoài ánh sáng. Chỉ có kẻ tiểu nhân mới thường sợ sệt, trốn tránh nhiều vấn đề trong bóng tối. Cuộc sống mười phần thì đã hết chín phần không như ý. Người luôn giữ được tâm thái bình thản biết phải đối diện với những lời trách móc, chê bai từ người khác một cách tốt nhất chính là sự im lặng. Mỉm cười có sức mạnh dời non lấp biển.
Tâm thế trầm ổn, không tỏ ra run sợ trước bất kỳ điều gì sẽ mang lại lợi ích to lớn nếu chúng ta gặp bất trắc, bị người khác hiểu nhầm, hoặc đánh giá sai con người mình. Gặp chuyện buồn, nhẹ nhàng cho qua, nở một nụ cười giải quyết mọi ân oán đôi bên. Đối diện niềm vui, cũng chỉ cần nhẹ nhàng đón nhận, không quá háo hức, phấn khích đến mức đánh mất sự vững chãi trong tâm hồn mình.
Càng đôi co giải thích vấn đề khi bị hiểu lầm, tâm hồn sẽ càng bị chao đảo, khuấy động bởi những điều tiêu cực. Tâm đã loạn, nay càng thêm loạn. Mỉm cười đơn giản, thể hiện sự tự tại, an nhiên. Người hiểu được đạo lý này có thể chuyển hóa mọi giác quan của đối phương. Sự trầm tĩnh giống như hồ nước không một gợn sóng. Nó làm dịu đi những nỗi đau, hun đúc phẩm chất cho người có trí tuệ, thể hiện tấm lòng bao dung và thắp sáng tâm hồn những người xung quanh.
3. Biết là mê nhưng không mờ, đó là đỉnh cao của bậc đại trí
Người sở hữu nội tâm mạnh mẽ, biết tin theo những đạo lý đúng đắn và không lâm vào trạng thái mê mờ bởi cám dỗ của thế gian. Vui mà không cười, buồn mà không thương tiếc, đó là cảnh giới sáng suốt rất cao. Khi đau khổ ập đến, có một con mắt thứ ba đang trông chừng tất cả, chỉ cần bạn luôn giữ được tấm lòng thiện lương, trời xanh ắt sẽ có an bài.
Xem nhẹ chuyện được mất, bình thản trước phồn hoa. Sức ảnh hưởng của thế giới bên ngoài lên nội tâm chúng ta là rất mạnh mẽ. Tuy vậy, đừng để bản thân chìm đắm trong mớ cảm xúc hỗn độn không lối thoát. Khi bạn tĩnh tâm sáng suốt, sở hữu đầy đủ trí tuệ để vượt qua khó khăn, một thời gian sau bạn sẽ học được cách cân bằng cuộc sống của mình.
Tâm hồn của chúng ta có một năng lực tự chữa lành vô cùng kỳ diệu. Trải qua biết bao sóng gió thời cuộc, ta vẫn giữ vững lập trường, nâng cao tài trí, sống giữa vô vàn cám dỗ mà tâm không động, đó chính là mê mà không mờ. Định lực càng cao, chúng ta càng dễ dàng tha thứ và không tự làm tổn thương chính mình.
4. Biết là hoảng nhưng tâm không loạn, đó là nhờ quá trình tĩnh tại tu dưỡng nội tâm
Người xưa dạy rằng: “Nếu gặp chuyện oan ức mà không kinh sợ, gặp chuyện uất hận mà không khủng hoảng, thì người này có thể đảm nhận trọng trách”. Sống trên đời, không thể tránh khỏi những thời điểm bị oan khuất. Khi đối mặt với sự nhục nhã, chúng ta rất khó để kiềm chế tâm bàng hoàng, sợ hãi. Tâm loạn thì sẽ không sáng. Người hoảng mà không loạn lại có trí tuệ cực kỳ khác biệt.
Đối diện với đại sự trong thiên hạ, gặp sóng lớn mà không đánh mất chính mình, đó là tâm thái giỏi ứng biến linh hoạt, ung dung tự tại để kiềm chế nỗi kinh hãi. Thực hành được điều này thì khi gặp gian truân mới giữ vững được nội tâm bình hòa, có thể bộc lộ được sự điềm đạm, trầm tĩnh để giải quyết mọi vấn đề rắc rối.
Cảnh giới nhân sinh được đúc rút ra từ trong cuộc sống, được ngưng kết lại theo dòng chảy thời gian. Chỉ cần có mong muốn ngày càng hoàn thiện bản thân, luôn tiến về phía trước không mệt mỏi, thì bạn sẽ ngày càng trưởng thành.
Kết: Một ngày nào đó trong đời, bạn thức dậy cùng ánh bình minh rực rỡ, hoặc ngồi dưới bóng hoàng hôn êm đềm, hoài niệm thuở thiếu thời hiện ra và bạn nhận thấy rằng tất cả mọi hiểu lầm hay đớn đau trong quá khứ đã không còn quan trọng nữa. Những hiềm khích, sân hận, giận dữ đã tiêu tan theo gió mây tự bao giờ. Điều cuối cùng còn sót lại chính là nụ cười bình thản đón nhận, ân nghĩa trong đời cũng theo đó mà được lưu giữ.
Facebook - bình luận